Yếu tố nguy cơ nào gây bệnh?
Bệnh hay gặp ở nam giới độ tuổi trung niên trở lên. Nguyên nhân gây bệnh thực sự chưa được biết tới. Sự chênh lệch tỷ lệ mắc một cách rõ ràng theo vùng địa lý được các nhà khoa học lý giải có liên quan tới yếu tố gen di truyền, tuy nhiên cụ thể gen nào gây ra bệnh chưa được làm rõ. Có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, trong đó có khá nhiều yếu tố quen thuộc với thói quen sinh hoạt của người Việt Nam.
Nổi hạch cố bất thường cần cảnh giác với bệnh ung thư vòm họng.
Đồ ăn lên men, ướp muối
Các loại thực phẩm lên men chua (rau dưa…) hoặc các loại thực phẩm được chế biến bằng cách ướp muối mặn (thịt, cá, trứng muối…) là những món ăn thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Những loại thực phẩm này giàu nitrate và nitrite, chúng có thể phản ứng với protein tạo thành hợp chất nitrosamine làm tổn thương ADN. Kết hợp với một chế độ ăn thiếu vitamin và khoáng chất, chúng làm tăng đáng kể khả năng mắc ung thư vòm họng.
Khói thuốc lá, đồ uống có cồn
Theo Tổ chức nghiên cứu ung thư Anh, người hút thuốc lá trong thời gian dài (30 năm trở lên) có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao gấp 3 lần bình thường. Trong khói thuốc lá có hơn 70.000 hóa chất, trong đó có nhiều hóa chất độc hại làm tổn thương hệ gen của tế bào lành, làm phát sinh ung thư. Rượu bia và các đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm và các loại ung thư khác.
Các bệnh tai – mũi – họng
Bệnh lý tai mũi họng là bệnh lý rất thường gặp ở nước ta do khí hậu nóng ẩm cộng với môi trường ngày càng ô nhiễm. Những người thường xuyên mắc các bệnh lý tai mũi họng không được điều trị triệt để cũng có nhiều nguy cơ mắc ung thư vòm họng hơn.
Vi-rút Epstein-Barr
Ung thư vòm họng được cho là có liên quan chặt chẽ tới vi-rút Epstein-Barr (EBV). Đây là một trong những loại vi-rút phổ biến nhất trên thế giới và có thể lây, đặc biệt ở phụ nữ mang bầu và trẻ nhỏ. Tuy nhiên không phải bất cứ ai nhiễm EBV cũng bị mắc bệnh, phần lớn EBV khi vào cơ thể sẽ bị bất hoạt bởi hệ thống miễn dịch. EBV được cho có thể làm thay đổi cấu trúc gen trong các tế bào, khiến chúng dễ trở thành tế bào ung thư hơn.
Virut Epstein-barr làm thay đổi cấu trúc gen gây ung thư vòm họng.
Một số hóa chất độc hại
Hiệp hội Ung thư Mỹ chỉ ra, tiếp xúc lâu với bụi gỗ và formaldehyde có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng. Formaldehyde là một loại hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, có trong nhiều vật dụng gia đình như sơn tường, sơn cửa, keo dán, vec-ni, gỗ ép công nghiệp…
Cách nhận biết
Vòm mũi họng nằm ở vị trí có liên quan mật thiết tới các bộ phận xung quanh như tai, mũi, họng, nền sọ, mắt… những bất thường ở vòm thường biểu hiện bằng các triệu chứng mượn của các cơ quan lân cận trên. Ở giai đoạn sớm, các biểu hiện của bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường ở vùng tai mũi họng nên dễ bị bỏ qua hoặc điều trị không đúng. Triệu chứng của ung thư vòm họng có thể bao gồm:
Triệu chứng về tai: Ù tai, cảm giác ứ nước trong tai, nghe kém, đau tai, chảy mủ tai, viêm tai giữa tái phát nhiều đợt.
Triệu chứng mũi xoang: Ngạt mũi, chảy dịch mũi lẫn máu, chảy máu mũi.
Triệu chứng họng: Đau họng, ho, khịt khạc dịch nhày lẫn máu.
Triệu chứng mắt: Nhìn mờ, nhìn đôi.
Đau đầu dai dẳng, đau tê vùng mặt.
Nói khó, khàn tiếng.
Nổi hạch bất thường vùng cổ.
Có thể thấy các triệu chứng trên xuất hiện ở nhiều bệnh lý khác ít nguy hiểm hơn ung thư vòm, dễ làm cho người bệnh chủ quan, không đi khám bệnh. Do đó khi có bất kỳ triệu chứng nào ở trên bạn cần đi khám sớm để loại trừ ung thư vòm họng.
Chẩn đoán có khó?
Ngày nay với các phương tiện hiện đại như nội soi tai mũi họng; các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ… việc chẩn đoán ung thư vòm mũi họng tương đối đơn giản.
Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, bệnh nhân sẽ được hỏi bệnh và thăm khám toàn diện, trong đó quan trọng nhất là nội soi tai mũi họng. Ở bệnh nhân ung thư vòm, biểu hiện thường gặp là tổn thương sùi loét, một số trường hợp có thâm nhiễm dưới niêm mạc, những tổn thương này có thể dễ dàng nhận định qua hình ảnh nội soi. Nếu có các hình ảnh nghi ngờ, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm cơ bản để chuẩn bị sinh thiết u làm tế bào học. Sinh thiết khối u vùng vòm được tiến hành dưới gây tê tại chỗ, bác sĩ sử dụng nội soi và dụng cụ sinh thiết đi qua mũi, lấy một mảnh nhỏ mô khối u để gửi đi phân tích giải phẫu bệnh. Sinh thiết u làm giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư vòm. Giải phẫu bệnh còn giúp xác định rõ loại tế bào gây ung thư, điều này rất quan trọng trong điều trị và tiên lượng bệnh.
Ngoài ra, để chẩn đoán giai đoạn bệnh, mức độ lan tràn tại chỗ hoặc di căn xa, bác sĩ có thể sử dụng thêm các công cụ chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp PET CT toàn thân. Nếu nghi ngờ có hạch cổ di căn, bệnh nhân sẽ được chọc hút kim nhỏ lấy tế bào từ hạch nghi ngờ để xác chẩn.
Dựa vào mối liên quan mật thiết của vi-rút Epstien-Barr (EBV) với bệnh ung thư vòm, trong những năm gần đây các nhà khoa học đã phát triển một phương tiện chẩn đoán mới đơn giản và ít xâm lấn hơn, đó là xét nghiệm định lượng nồng độ EBV trong huyết tương, hay còn gọi là “sinh thiết lỏng”. Các nhà khoa học đã phát hiện được bộ gen của EBV trong hầu hết các tế bào ung thư vòm, đặc biệt là ung thư biểu mô tế bào vảy. Điều đặc biệt là EBV hiếm khi được phát hiện ở các ung thư biểu mô tế bào vảy xuất hiện ở vùng đầu cổ hay ở các tế bào biểu mô không phải ung thư. Bởi thế, EBV là một dấu ấn sinh học tuyệt vời để chẩn đoán ung thư vòm. Khi xét nghiệm máu, nồng độ EBV càng cao bệnh nhân càng có nguy cơ mắc ung thư vòm nhiều hơn. Mặc dù đây chưa được coi là tiêu chuẩn quyết định để chẩn đoán bệnh nhưng xét nghiệm này rất có giá trị trọng việc sàng lọc, định hướng bệnh cũng như tiên lượng bệnh.
Các phương pháp điều trị
Tuỳ thuộc vào giai đoạn, vị trí u, tế bào học, sức khoẻ chung của bệnh nhân mà có các phương pháp điều trị hoặc phối hợp điều trị khác nhau. Các phương pháp điều trị chính bao gồm:
Xạ trị
Là sử dụng tia X chiếu trực tiếp vào vùng khối u để diệt tế bào ung thư và ngăn chúng phát triển, đây là phương tiện cơ bản quan trọng nhất trong điều trị ung thư vòm hiện nay. Xạ trị có nhiều biến chứng nặng nề ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân như: Xơ cứng bỏng da và phần mềm vùng chiếu tia làm hạn chế vận động khớp cắn hoặc cơ vùng cổ; khô miệng do tổn thương tuyến nước bọt; viêm loét niêm mạc miệng họng; giảm mất thị lực; ảnh hưởng thính giác… Ngày nay với sự xuất hiện của máy xạ trị điều biến liều (IMRT) và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh giúp các bác sĩ định vị chính xác khối u, tính toán liều xạ sát nhất với tình trạng u, tia xạ trực tiếp vào khối u, hạn chế tối đa tổn thương tế bào lành.
Hoá trị
Sử dụng các hoá chất để diệt tế bào ung thư, thường được sử dụng trong các trường hợp giai đoạn muộn, có di căn xa. Gần đây hoá trị được sử dụng ngay cả đối với ung thư vòm giai đoạn sớm, kết hợp với xạ trị để làm tăng hiệu quả của xạ trị.
Phẫu thuật
Với ung thư vòm giai đoạn sớm, còn khư trú dễ xác định ranh giới, hoặc đối với một vài loại ung thư vòm đáp ứng kém với hoá xạ có thể áp dụng phẫu thuật để lấy bỏ khối u trước khi điều trị hoá xạ.
Điều trị đích
Áp dụng các cộng nghệ sinh học phân tử và miễn dịch đưa thuốc đến trực tiếp từng tế bào ung thư để diệt tế bào ung thư, đây là hướng đi mới đầy triển vọng trong điều trị ung thư vòm nói riêng và các ung thư nói chung.
Phòng bệnh như thế nào?
Để phòng bệnh ung thư vòm họng, cũng giống như các ung thư nói chung, mọi người cần có chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ, chế độ ăn nhiều rau củ quả, hạn chế ăn các thức ăn muối, lên men, đồ nướng cháy, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Tập luyện thể dục thể thao đều đặn. Tiêm phòng vaccin đầy đủ đặc biệt vaccin cúm, vệ sinh mũi họng hàng ngày phòng tránh các bệnh tai mũi họng thông thường.
Ung thư vòm mũi họng nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời có tiên lượng rất tốt, do vậy mọi người cần có ý thức về bệnh, khi có các triệu chứng nghi ngờ cần đi khám sớm để phát hiện bệnh.
PGS.TS.Lê Minh Kỳ, BS.Nguyễn Xuân Quang