Bệnh vẩy nến Erythrodermic hay còn gọi là thể vẩy nến đỏ da toàn thân là một loại bệnh vẩy nến hiếm gặp. Nó chỉ chiếm khoảng 3% các ca bệnh vẩy nến.
Phân biệt bệnh vẩy nến Erythrodermic với một số loại bệnh vẩy nến khác
Vẩy nến là bệnh da mạn tính, không ổn định và hay tái phát. Có rất nhiều loại bệnh vẩy nến và chúng có nhiều triệu chứng khác nhau:
Bệnh vẩy nến thể mảng là một dạng phổ biến của bệnh vẩy nến (chiếm đến 80-90% ca bệnh vẩy nến). Tổn thương vẩy nến thể mảng thường xuất hiện ở những vùng da hay bị tỳ đè như khuỷu tay, đầu gối, lưng, bụng. Trên các mảng da màu đỏ là lớp sừng dày màu trắng gây ngứa ngáy. Bệnh vẩy nến mảng không ổn định làm tăng nguy cơ bệnh vẩy nến Erythrodermic.
Bệnh vẩy nến Guttate: Hay còn gọi là thể giọt. Tổn thương là các chấm có đường kính từ 1-3mm (như giọt nước), nổi rải rác khắp người, nhất là nửa người trên, màu đỏ tươi, trên phủ vẩy mỏng màu trắng đục, dễ bong, cạo vụn ra như phấn. Bệnh thường gặp ở trẻ hay người trẻ tuổi, sau nhiễm liên cầu khuẩn hầu họng.
Bệnh vẩy nến đảo ngược (Inverse): Tổn thương biểu hiện dưới dạng các dát đỏ da sưng lên ở nếp gấp của cơ thể, chẳng hạn như quanh nách, háng và vú.
Cháy nắng có thể gây ra một sự bùng phát của bệnh vẩy nến Erythrodermic.
Bệnh vẩy nến mụn mủ (Psoriasis): Đây là loại vẩy nến có thể được xác định khi các mụn nước và mụn mủ xuất hiện khắp cơ thể. Triệu chứng đi kèm có thể là sốt, ớn lạnh, ngứa ngáy và tiêu chảy…
Bệnh vẩy nến Erythrodermic: Đây là một dạng bệnh vẩy nến thể hiện đặc biệt rầm rộ, gây viêm. Người bệnh phát triển một tình trạng ban đỏ toàn thân: da toàn thân đỏ tươi, bóng, phù nề, căng, rớm dịch, phủ vẩy ướt, không có vùng da nào lành, ngứa dữ dội, các nếp kẽ bị trợt loét, rớm dịch mủ, nứt nẻ, đau rát trên toàn bộ bề mặt của cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh vẩy nến Erythrodermic
Các nhà khoa học không chắc chính xác nguyên nhân gây ra bệnh vẩy nến nói chung, nhưng nghi ngờ có liên quan tới hệ thống miễn dịch hoạt động rối loạn. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra chứng vẩy nến Erythrodermic vẫn còn chưa rõ ràng.
Yếu tố nguy cơ
Trong khi nguyên nhân chính xác của bệnh vẩy nến Erythrodermic chưa được biết, nhưng một số tình huống có thể kích hoạt bệnh này bao gồm: đột nhiên ngừng điều trị bệnh vẩy nến, nhiễm trùng, cháy nắng, căng thẳng thần kinh, uống rượu quá mức; phản ứng dị ứng và phát ban; uống thuốc steroid.
Dấu hiệu nhận biết
Các triệu chứng của vẩy nến erythrodermic bao gồm: phần lớn da trên cơ thể đỏ nghiêm trọng; da trông như bị bỏng, da bong từng mảng lớn nhiều hơn là các mảnh nhỏ hoặc vẩy; xuất hiện các mụn nước, mụn mủ; ngứa nặng; đau rát dữ dội; tăng nhịp tim; sốt cao… Những triệu chứng này sẽ xuất hiện ở hầu hết người bệnh trong một cơn bùng phát bệnh vẩy nến Erythrodermic. Vì bệnh vẩy nến Erythrodermic có thể làm thay đổi trao đổi chất của cơ thể, người ta cũng có thể gặp các triệu chứng khác. Những triệu chứng này bao gồm: sưng tấy, đặc biệt là xung quanh vùng mắt cá chân; đau khớp; ớn lạnh hoặc sốt.
Biến chứng nguy hiểm
Da hoạt động như lớp rào cản của cơ thể đối với môi trường, giúp cơ thể khỏe mạnh. Khi da bị tổn thương nghiêm trọng, đó là những gì xảy ra với bệnh vẩy nến Erythrodermic, toàn bộ lớp bảo vệ này bị tổn hại, làm cho cơ thể dễ bị các biến chứng nghiêm trọng. Những biến chứng này bao gồm: suy kiệt do mất dịch và protein; sưng phù nặng từ sự giữ nước; nhiễm trùng nặng bao gồm viêm phổi và nhiễm khuẩn huyết; suy tim sung huyết.
Nếu một người nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh vẩy nến Erythrodermic, điều quan trọng là phải tìm sự chăm sóc y tế ngay vì những biến chứng nặng, đe dọa đến mạng sống có thể xảy ra.
Điều trị và dự phòng
Bệnh vẩy nến Erythrodermic có thể rất khó chữa, đặc biệt nếu có biến chứng. Các lựa chọn điều trị bao gồm: kem steroid và kem dưỡng ẩm; băng ẩm; nghỉ ngơi tại giường; các thuốc điều trị toàn thân, gồm methotrexate, acitretin, cyclosporine, hoặc retinoids; thuốc ức chế sinh học TNF; truyền dịch hoặc bù chất điện giải; kháng sinh để ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn khác.
Để ngăn ngừa bệnh vẩy nến Erythrodermic, những người bị bệnh vẩy nến nên tuân thủ chế độ điều trị và tránh các yếu tố nguy cơ kể trên. Sau một đợt bùng phát hồng ban, da có thể sẽ trở lại tình trạng trước đó. Tuy nhiên, vì cơ hội của các biến chứng quá cao, triển vọng là khó khăn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh vẩy nến Erythrodermic gây tử vong đến 64% các trường hợp bệnh. Tuy nhiên, với việc chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong sẽ giảm.
BS. Nguyễn Quân