7 hội chứng giấc ngủ nguy hiểm

Hội chứng không ngủ

Hội chứng mất ngủ trong gia đình (tên tiếng anh Fatal Famillial Insomnia – FFI) là căn bệnh phát sinh do một rối loạn gene hiếm gặp và được chẩn đoán phát hiện trong khoảng 40 gia đình trên toàn thế giới. FFI là căn bệnh có diễn biến bí ẩn với những triệu chứng mất ngủ triền miên có thể kéo dài đến vài tháng không rõ nguyên nhân. Người mắc chứng bệnh này thường rơi vào trạng thái trằn trọc không thể ngủ, đầu óc lơ mơ. FFI là căn bệnh khó chẩn đoán bởi các triệu chứng của nó cũng giống như bệnh mất trí nhớ, nghiện rượu và viêm não. Hội chứng này thường xảy ra ở người từ 32 – 62 tuổi và có thể dẫn đến tử vong trong vòng từ 12 – 18 tháng.

Đột tử về đêm

Đột tử về đêm hay còn gọi là hội chứng Brugada là hội chứng rối loạn nhịp tim đe dọa đến tính mạng có thể có tính di truyền. Những người mắc hội chứng này có nguy cơ gia tăng nhịp thất. Nhiều người mắc hội chứng Brugada không có bất cứ triệu chứng nào, do đó không biết gì về tình trạng của mình. Căn bệnh này xuất hiện vào những năm 1980, có tần suất cao ở các nước Đông Nam Á. Người ta phát hiện những người đàn ông trẻ di cư từ các nước Đông Nam Á sang Mỹ bị chết đột ngột trong lúc ngủ nhưng trước đó hoàn toàn khỏe mạnh và không có bệnh tim. Sau đó, ở đầu thập niên 1990, bệnh này được mô tả ở Thái Lan, Philippines, Nhật Bản. Năm 1998, các nhà khoa học thấy rằng đột tử về đêm xảy ra ở khắp nơi trên thế giới có biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng giống nhau, không giới hạn vùng địa lý nào.

7 hội chứng giấc ngủ nguy hiểm7 hội chứng giấc ngủ nguy hiểmTắc nghẽn đường thở – Một trong những rối loạn giấc ngủ nguy hiểm.

 

Hiện tượng “giật cơ lúc ngủ”

Hay còn gọi là hypnic jerk, xảy ra khi các cơ bắp, đặc biệt là ở chân vô tình co bóp đột ngột. Hiện tượng này gây tranh cãi trong giới khoa học và nhiều giả thuyết được đưa ra. Nhiều người cho rằng sự thức tỉnh bất ngờ cho phép chúng ta kiểm tra môi trường lần cuối – đảm bảo xung quanh thực sự an toàn để chìm vào giấc ngủ – bằng cách tạo ra phản ứng giống như giật mình. Một giả thuyết khác cho rằng hiện tượng này cho phép chủ thể kiểm tra sự ổn định vị trí cơ thể trước khi ngủ, đặc biệt nếu nằm ở nơi không bằng phẳng. Lý thuyết khác cho rằng hiện tượng hypnic jerk chỉ đơn thuần là một triệu chứng nhượng bộ của hệ thống sinh lý giai đoạn đầu của giấc ngủ khi chuyển đổi từ cơ chế thức sang cơ chế ngủ của cơ thể.

Ngưng thở khi ngủ

Đây là một rối loạn giấc ngủ thường gặp, xảy ra khi đường hô hấp liên tục bị tắc nghẽn, hạn chế lượng không khí đến phổi. Những người bị rối loạn này thường ngáy to, đôi khi kèm theo tiếng khịt mũi hoặc tiếng thở như bị nghẹt. Lượng không khí trong phổi ít đi khiến cho não bộ và cơ thể không được cung cấp đủ oxy khiến người bệnh tỉnh dậy trong đêm. Ngưng thở khi ngủ khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu tập trung vào ngày hôm sau và dẫn đến một số hậu quả tiêu cực với sức khỏe bao gồm tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, tiền đái tháo đường, đái tháo đường và trầm cảm.

Hội chứng người đẹp ngủ

Hội chứng Kleine – Levin (KLS) hay còn gọi là hội chứng người đẹp ngủ là một hiện tượng rối loạn thần kinh về giấc ngủ và ăn uống. Mắc chứng bệnh này, người bệnh thường ngủ li bì cả ngày lẫn đêm, chỉ thức dậy để ăn uống và vệ sinh. Họ thường trải qua các trạng thái mộng du, thiếu cảm xúc như người bị bệnh trầm cảm. Người bệnh thường không có khả năng chăm sóc mình, họ nằm lì trên giường, tỏ ra kín đáo và mệt mỏi kể cả lúc tỉnh táo. Theo các chuyên gia, hội chứng này thường phát bệnh trong thời thanh thiếu niên là 1%, khoảng 70% người bệnh là nam giới. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể do khuynh hướng di truyền hoặc là kết quả của một rối loạn tự miễn dịch dẫn đến chứng bệnh này.  Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả nhưng căn bệnh này sẽ tự khỏi sau 8 – 12 năm.

Rối loạn hành vi chu kỳ giấc ngủ

Rối loạn hành vi chu kỳ giấc ngủ liên quan đến hành động hoặc hành vi bất thường trong giai đoạn ngủ mắt cử động nhanh (REM). Giấc ngủ REM là một giai đoạn của chu kỳ ngủ, thường xảy ra từ 1,5 – 2 giờ trong một giấc ngủ bình thường. Các nhà nghiên cứu chia giấc ngủ thành 2 giai đoạn NREM (non rapid eye movement) và REM (rapid eye movement). Trong giai đoạn REM của giấc ngủ, cơ thể tạm thời ở trạng thái liệt cơ, ở những người mắc rối loạn hành vi giấc ngủ REM, những tê liệt này không đầy đủ hoặc không có, vì vậy người đó thực hiện những giấc mơ của họ bằng các hành động bạo lực, kịch tính. Người mắc bệnh này thường la hét, nghiến răng, có những hành động bạo lực như đấm đá trong giấc ngủ REM. Bệnh thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi, rất hiếm thấy ở phụ nữ và trẻ em.

Hội chứng nghiến răng lúc ngủ

Hội chứng nghiến răng lúc ngủ có tên tiếng Anh là bruxism là bệnh nhai hay nghiến răng vào ban đêm lúc ngủ hay ban ngày. Phụ nữ thường bị chứng bruxism nhiều hơn vào ban ngày. Hàm răng của những người mắc chứng bruxism thường bị mòn hoặc có vết nứt, gãy ở chân. Người bệnh nặng có thể bị nhức đầu, đau tai, đau các cơ bắp, hàm vì các cơ này phụ trách cử động xuống hàm dưới phải hoạt động quá nhiều, một phần do khớp hàm – thái dương bị tổn thương. Nghiến răng lúc ngủ được xem là một rối loạn cử động liên hệ tới gấc ngủ. Bruxism thường đi kèm với các rối loạn khác của giấc ngủ như ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ.

Minh Huệ

((Theo listverse ))

Rate this post