Thực tế tại BV. Đại học Y Dược TP.HCM đã cho thấy, cứ sau mỗi dịp nghỉ tết dài ngày, tỉ lệ người bị bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch lại tăng lên đáng kể. Thường thì mọi người ít giữ chừng mực hay kiêng khem ăn uống trong dịp gặp mặt đầu năm. Bên cạnh đó, nhiều người hay thức khuya để tham gia nhiều trò giải trí hoặc tụ tập, gặp mặt bạn bè, người thân nên chế độ sinh hoạt cũng bị thay đổi. Đó chính là lý do tại sao những người bị bệnh cao huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, mỡ máu cao, đái tháo đường… thường có nặng hơn trong và sau Tết. Trong đó, các vấn đề huyết áp khó kiểm soát, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim xảy ra rất phổ biến trong dịp tết.
Nguy cơ tăng cao
Như đã nói ở trên các nguy cơ này thường tăng cao hơn bình thường trong dịp tết. Các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ bệnh nhân bị tử vong do nguyên nhân tim mạch ở thời điểm tháng 12 và tháng 1 cao hơn 33% so với thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9. Bên cạnh tay đổi về sinh hoạt, ăn uống, thời tiết lạnh vào dịp Tết cũng ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch. Tỉ lệ bị nhồi máu cơ tim vào các tháng mùa đông tăng 53% so với các tháng mùa hè, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ tăng từ 15 – 30%. Huyết áp mùa đông tăng cao hơn huyết áp mùa hè khoảng 5mmHg.
Ảnh hưởng của từng nguyên nhân sức khỏe tim mạch
Tất cả các yếu tố như: sử dụng rượu bia và nước ngọt quá mức, chế độ ăn uống không hợp lý như ăn thức ăn chứa nhiều đạm, nhiều dầu mỡ, đồ ăn ngọt… đây là những món ăn dễ gây tăng cân, tăng cholesterol máu, tăng đường huyết… dễ dẫn đến bệnh tim mạch.
Các bữa tiệc phong phú với nhiều thịt, mỡ cùng chế độ ăn uống không điều độ là hết sức nguy hiểm với bệnh nhân có tiền sử mỡ máu cao, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiền sử có bệnh mạch vành, suy tim. Việc ăn uống không điều độ, ăn các món ăn nhiều muối như: dưa muối, kiệu muối, các thức ăn chế biến sẵn như giò chả, patê, lạp xưởng có thể làm giữ muối nước khiến cho huyết áp tăng cao hơn, đối với các bệnh nhân suy tim có thể làm bệnh nhân phù, khó thở, tình trạng suy tim nặng thêm và làm cho người bệnh tăng cân, mỡ máu đường huyết trở nên khó kiểm soát.
Việc uống nhiều rượu bia sẽ gây hại đến sức khỏe, ảnh hưởng đến tim, gan. Trong rượu bia chứa nhiều chất cồn sẽ gây kích thích cơ tim, làm tăng huyết áp và nhịp tim làm tim co bóp mạnh hơn bình thường và tăng áp lực mạch máu não, có thể gây xuất huyết mạch não. Uống nhiều rượu bia trong thời gian dài có thể gây ra các biến chứng về tim mạch như: suy tim, tăng huyết áp, tai biến mạch não, ứ huyết, rối loạn nhịp tim thậm chí đột tử.
Ngoài rượu thì thuốc lá cũng là một sản phẩm được tiêu thụ khá mạnh trong dịp tết. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ tim mạch cao hơn vì làm rối loạn chức năng điều hòa mạch máu, tăng huyết áp và nhịp tim, hoạt hóa tiểu cầu, tăng đông máu, khởi phát và thúc đẩy quá trình vữa xơ động mạch tiến triển. Một tác động tiêu cực khác của thuốc lá ít được biết đến, là gây co thắt động mạch vành tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim ở những người bệnh tim mạch hút thuốc lá.
Vài lời khuyến cáo
Ăn uống hợp lý, vận động thường xuyên là điều không nên lơ là trong dịp Tết. Nên ăn điều độ, ăn ít muối (dưa muối, kiệu muối, các thức ăn chế biến sẵn như giò chả, patê), hạn chế thực phẩm nhiều chất
béo, chất ngọt như bánh chưng, bánh
tét, lạp xưởng, kẹo ngọt… Nên ăn nhiều trái cây và rau xanh vì đây là nguồn thực phẩm giàu kali tốt cho bệnh nhân tim mạch.
Hạn chế rượu, bia, thuốc lá; người bệnh tim mạch nên hạn chế rượu bia, không uống quá 2 lon bia hoặc 1 ly rượu mạnh 50 ml/ngày. Tuy nhiên, vài ngụm nhỏ rượu vang lại rất có lợi cho người bệnh tim mạch.
Nên duy trì thói quen tập thể dục đều (đi bộ, chạy bộ, đạp xe…) 30 – 60 phút mỗi ngày, 4 – 5 lần một tuần; thói quen này rất tốt cho sức khỏe giúp kiểm soát huyết áp, ổn định đường huyết và cân nặng.
BS.CKI. Bùi Thế Dũng