Tại hội thảo, TS. Hà Anh Đức, Phó Chánh văn phòng Bộ Y tế, đồng Giám đốc dự án cho biết, dữ liệu quốc gia của Bộ Y tế tháng 10/2016 cho thấy tỷ lệ THA là trên 40% đối với những người từ 50 – 69 tuổi. Theo số liệu điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên là khoảng 30%, 39 % không được phát hiện và có tới 69% được phát hiện điều trị nhưng HA chưa được kiểm soát.
Việt Nam đang trải qua một quá trình dịch chuyển dịch tễ với tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong của bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng trong vòng hai thập kỷ qua.
Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết đó, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ đưa Dự án phòng, chống tăng huyết áp vào Chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây từ 2015, với nguồn lực hạn chế, chương trình THA Quốc gia đã giảm kinh phí và các hoạt động. Việc triển khai chương trình phụ thuộc nhiều vào kinh phí và kế hoạch triển khai của địa phương.
Hiện nay, người THA đang được khám và điều trị tại tuyến huyện nhưng chưa được quản lý và theo dõi việc tuân thủ điều trị và kiểm soát HA cũng như thay đổi lối sống tại cộng đồng.
TS. Hà Anh Đức, đồng Giám đốc dự án và BS. Nguyễn Đức Lộc Phó giám đốc Sở y tế Hưng Yên giải đáp thắc mắc về triển khai dự án tại Hưng Yên
Mạng lưới cộng tác viên y tế thôn chưa được phát huy trong việc hỗ trợ, hướng dẫn, theo dõi bệnh nhân THA. Trạm Y tế chưa khám và điều trị cho bệnh nhân THA cũng như chưa cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm.
Do đó, dự án “Đương đầu với bện Tăng huyết áp ở Việt Nam: Giải pháp từ y tế cơ sở” sẽ triển khai và đánh giá hiệu quả, tác động các can thiệp nâng cao năng lực cho trạm y tế xã và các cộng tác viên y tế thôn/đội trong hướng dẫn bệnh nhân tự kiểm soát HA tại gia đình, tuân thủ chế độ thuốc; nâng cao nhận thức cho bản thân bệnh nhân về bệnh THA, việc thay đổi lối sống, tuân thủ thuốc và tự kiểm tra huyết áp tại gia đình.
Thử nghiệm các biện pháp can thiệp trong việc quản lý và điều trị bệnh nhân tăng huyết áp tại tuyến y tế cơ sở nhằm góp phần tăng cường kiểm soát hiệu quả các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng ở Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố và đề xuất với Bộ Y tế đề thay đổi chính sách và chiến lược cho chương trình THA quốc gia.
TS. Hà Anh Đức cũng cho biết thêm, Dự án được tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Sức khỏe Toàn cầu của Viện Tim, Phổi, và Máu Quốc gia của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, Baylor Scott and White Health.
Dự án sẽ được thực hiện tại Hưng Yên, với các mục tiêu cụ thể là đánh giá thực trạng bệnh THA và nhu cầu kiểm soát bệnh THA tại 16 xã nông thôn được chọn của tỉnh Hưng Yên (trong đó có 8 xã can thiệp và 8 xã đối chứng).
Đồng thời, Xây dựng và triển khai thử nghiệm can thiệp kiểm soát bệnh THA tại cộng đồng ở các xã được chọn can thiệp.
Đánh giá sau can thiệp về tính hiệu quả và mức độ triển khai thành công của gói can thiệp.
Cuối cùng là đề xuất các giải pháp can thiệp cho chương trình phòng chống THA quốc gia nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát bệnh THA tại cộng đồng.
Hồng Nguyên