Trương Thanh Nam (Đăk Lăk)
Mụn nhọt chủ yếu là nhiễm khuẩn da, bắt đầu ở tuyến dầu hoặc nang lông. Mụn thường do vi khuẩn Staphylococcus aureus xâm nhập cơ thể qua các tổn thương trên da. Những nguyên nhân sau có thể khiến mụn nhọt hay mọc: Các nang lông bị nhiễm khuẩn; móng tay bị nhiễm khuẩn gãi da gây nhiễm khuẩn; dùng chung đồ dùng với người khác; hệ miễn dịch bị suy giảm; bị dị ứng; dị ứng vải; đổ quá nhiều mồ hôi dẫn tới tích tụ bụi bẩn; mặc quần quá chật; dinh dưỡng kém; vệ sinh kém; căng thẳng quá mức; bệnh tiểu đường.
Mụn nhọt nhỏ sẽ mau lành và ít để sẹo. Nếu mụn lớn gây sưng nóng, đỏ xung quanh một vùng, gây đau đến phát sốt, mệt mỏi cho thấy dấu hiệu nhiễm khuẩn đã xâm nhập hệ bạch huyết. Trong một số trường hợp, vi khuẩn từ mụn nhọt có thể xâm nhập máu, đến các bộ phận khác của cơ thể, gây nhiễm khuẩn máu và có thể đe dọa tính mạng. Vì thế khi bị mụn nhọt, trước hết là giữ vệ sinh sạch sẽ, không nặn mụn, có thể dùng khăn sạch ẩm nóng áp vào vùng bị mụn vài lần trong ngày, mỗi lần 10 phút, bôi thuốc sát khuẩn ngày 2 lần lên vùng bị mụn. Đi khám nếu thấy mụn có xu hướng phát triển hơn, gây đau nhiều và sưng đỏ. Nếu bị nhiều mụn nhỏ ở mông, có thể pha nước chè xanh, nước với dung dịch betadine để ngâm rửa hàng ngày. Ăn nhiều hoa quả, bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể và đi khám để phát hiện loại trừ những bệnh có liên quan ví như bệnh tiểu đường. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Không dùng chung quần áo với người khác… có thể là các biện pháp phòng ngừa mụn nhọt hiệu quả.
BS. Xuân Lam