Tôi đã ăn đồ mát, uống bột sắn dây và hạn chế ăn các đồ cay nóng nhưng cứ khỏi lại bị. Vậy xin hỏi bác sĩ nên có chế độ ăn uống như thế nào để phòng ngừa bệnh nhiệt miệng tái phát thường xuyên?
Nguyễn Thùy Hoa (Ninh Bình)
Cho tới nay y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của bệnh nhiệt miệng. Bệnh cũng không phải do nhiễm trùng, hầu hết các trường hợp không tìm được nguyên nhân liên quan gây ra bệnh lý này và bệnh thường thấy trên người khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, tình trạng viêm loét niêm mạc miệng, có thể do virut, vi khuẩn gây nên. Mùa hè, thời tiết nắng nóng, cơ thể mệt mỏi khiến ăn uống kém, không đủ chất dinh dưỡng dẫn đến thiếu vitamin C, PP, B6, B2, kẽm và acid folic, là một trong những nguyên nhân chính gây nhiệt miệng.
Hiện tại chưa có biện pháp hữu hiệu cụ thể nào điều trị phòng ngừa chống tái phát bệnh lý này. Trong những trường hợp ổ loét nhỏ, ít đau, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống, đôi khi cũng không cần điều trị gì và thường tự khỏi trong vòng 1 tuần. Mục tiêu của điều trị là giảm đau, điều trị nâng đỡ giúp ổ loét mau hồi phục. Vì vậy, để phòng tránh tình trạng viêm nhiệt miệng, bạn cũng nên uống nước nhiều, khoảng 2-2,5l nước, thậm chí 3l nước/ngày. Ngoài ra có thể dùng nước quả ép như dưa chuột, củ đậu, cà chua, cả rốt; ăn canh rau có tính mát như: mướp, khoai lang, rau dền… rất tốt cho người có cơ địa nhiệt. Ăn các loại hoa quả như cam, chanh, thanh long, chuối, bưởi cung cấp nhiều vitamin để giảm bớt tình trạng nhiệt miệng.
Nếu nhiệt miệng tái phát gây đau miệng, khó chịu, ăn uống khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cần đi khám bác sĩ. Ngoài ra, nếu thấy xuất hiện ổ loét miệng, kéo dài hơn 2 đến 3 tuần không lành, trong những trường hợp này đôi khi cần phải sinh thiết ổ loét để xác định có ung thư miệng hay không.
BS. Lê Hải