Bạn tôi nói rằng, tôi bị cơn gút cấp vì trước đây anh ấy cũng bị như tôi bây giờ được bác sĩ chẩn đoán như vậy. Vậy để điều trị hiệu quả bệnh này tôi phải làm gì?
Nguyễn Văn Nam(Thái Nguyên)
Để điều trị tốt bệnh gút người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn và chế độ dùng thuốc, trong đó chế độ ăn rất quan trọng vì gút là bệnh rối loạn chuyển hoá có liên quan nhiều tới chế độ ăn. Chế độ ăn tốt là không được ăn chất có chứa nhiều nhân purin như phủ tạng động vật, tôm, cua, cá béo, thịt chó, thịt đỏ (thịt bò)… Tránh các thức uống có cồn như rượu, bia trà, cà phê; luyện tập thể dục thường xuyên; đảm bảo lượng nước uống trong ngày, đặc biệt tốt nếu bệnh nhân uống các loại nước khoáng có kiềm hoặc nước kiềm. Đôi khi điều chỉnh chế độ ăn uống đã mang lại hiệu quả điều trị mà không cần dùng thuốc, đặc biệt ở những cơn gút đầu tiên. Ngoài việc điều chỉnh bằng chế độ ăn cần tránh các yếu tố khởi phát cơn gút cấp như dùng các thuốc làm tăng acid uric máu, chấn thương, lao động nặng…
Hiện nay, để điều trị cơn gút cấp tính các thuốc thường dùng là nhóm thuốc chống viêm không steroid (đây là thuốc được lựa chọn hàng đầu để điều trị đợt gút cấp ở hầu hết bệnh nhân) và colchicine… Để dự phòng cơn gút cấp tái phát dùng colchicine, các thuốc hạ acid uric máu (tùy theo từng người bệnh mà bác sĩ sẽ cho dùng nhóm ức chế tổng hợp, nhóm tăng thải hay nhóm làm tiêu acid uric). Mục tiêu điều trị dự phòng cơn gút cấp là giảm acid uric máu, hạn chế sự lắng đọng urat trong mô và tổ chức từ đó hạn chế được các cơn gút tái phát và ngăn ngừa hình thành gút mạn tính.
Trong trường hợp của bạn, cần đi khám để được dùng thuốc phù hợp với bản thân mình. Không nên tự ý dùng thuốc hay dùng thuốc theo sự mách bảo của người khác, bởi có thể phù hợp với họ nhưng lại không phù hợp với mình. Khi được bác sĩ chỉ định dùng thuốc, người bệnh cần có sự tuân thủ nghiêm ngặt trong điều trị, theo dõi tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra, báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.
BS. Đinh Ngọc San