Trần Thị Thường(Hưng Yên)
Dù đã lấy được xương ra, nhưng 5 ngày rồi mà vẫn đau và khó nuốt thì rất có thể còn một mảnh xương vẫn nằm trong thực quản. Bạn nên đi khám chuyên khoa tai-mũi-họng càng sớm càng tốt vì để lâu có thể các biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp hóc xương ở người lớn được xếp vào dạng dị vật đường ăn, nhất là dị vật thực quản. Dị vật đường ăn gây ra áp-xe cạnh cổ, áp-xe trung thất do thủng thực quản, thậm chí gây ra thủng động mạch chủ dẫn đến tử vong. Ngoài nguyên nhân do ăn uống bất cẩn như vừa ăn vừa cười nói, nuốt vội, không nhai kỹ, chế biến các món ăn được chặt thành miếng thịt lẫn xương… thì thực quản co bóp bất thường do có những khối u bất thường trong hoặc ngoài thực quản làm thực quản hẹp lại, thức ăn sẽ mắc lại ở đoạn hẹp; do các đoạn hẹp tự nhiên của thực quản… cũng khiến cho việc gặp tai nạn dị vật thực quản là khá phổ biến ở người lớn.
Dị vật thực quản thực sự là một cấp cứu ngoại khoa, thực sự nguy hiểm tới tính mạng người bệnh và có tỷ lệ tử vong cao cần được khám và điều trị kịp thời. Để phòng bệnh, chúng ta nên cẩn trọng khi ăn uống: Không vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa; nên ăn chậm, nhai kỹ; không nên nuốt vội vàng, nhất là khi ăn các món có lẫn xương, gân.
BS. Nguyên Diễn