Canxi đóng vai trò thiết yếu đối với cơ thể, việc cung cấp và bổ sung canxi là việc cần ưu tiên hàng đầu và tiến hành ngay từ giai đoạn đầu đời của mỗi trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng sử dụng nhiều canxi dễ bị sỏi thận. Vậy nhu cầu canxi ở mỗi người bao nhiêu là đủ, thực phẩm nào chứa nhiều canxi và nếu lạm dụng sẽ dẫn đến biến chứng gì?
Canxi là một trong số những khoáng chất đóng vai trò quan trọng nhất đối với cơ thể. Đây là thành phần chính cấu thành nên xương và hàm răng của con người (99% canxi tập trung ở xương và răng). Ngoài ra nó còn có nhiều chức năng khác như làm đông máu, ngăn ngừa băng huyết khi mạch máu bị tổn thương; điều hòa sự co bóp của bắp thịt (đặc biệt là tế bào tim); giúp hấp thụ vitamin B12 trong ruột; hỗ trợ sự phân phát, thu nhận và dẫn truyền tín hiệu thần kinh; sản xuất một số kích thích tố như insulin.
Canxi trong máu còn giúp duy trì huyết áp và nhịp tim đập bình thường. Chính vì vậy nên việc cung cấp và bổ sung canxi là việc cần ưu tiên hàng đầu và tiến hành ngay từ giai đoạn đầu đời của mỗi trẻ nhỏ.
Hình ảnh cột sống bị cong vẹo và cột sống bình thường. |
Nhu cầu canxi của cơ thể
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) lượng canxi cần cho mọi lứa tuổi như sau:
Dưới 6 tháng tuổi: 300 mg/ngày
7 – 12 tháng tuổi: 400 mg/ngày
1 – 3 tuổi: 500 mg/ngày
4 – 6 tuổi: 600 mg/ngày
7 – 9 tuổi: 700 mg/ngày
10 tuổi: 1000 mg/ngày
11- 24 tuổi: 1200 mg /ngày
24 – 50 tuổi : 800mg – 1000mg /ngày
Phụ nữ có thai, người cao tuổi: cần 1200mg – 1500mg /ngày
Hậu quả của thiếu canxi
Nếu hấp thu đủ canxi, bé sẽ có khung xương chắc khỏe khi trưởng thành. Ngược lại, thiếu canxi kéo dài sẽ dẫn đến dễ bị còi xương, chậm lớn. Tùy thuộc vào mức độ thiếu canxi ở trẻ nặng hay nhẹ mà dẫn đến những biểu hiện bệnh lý khác nhau. Nhẹ thì khi ngủ trẻ hay bị giật mình kèm theo những cơn khóc thét, co cứng toàn thân, đỏ và tím mặt, cơn. Khóc kéo dài nhiều giờ thậm chí suốt đêm.
Ở những trường hợp thiếu canxi nặng có thể ngưng thở và thở nhanh, tăng nhịp tim và có thể gây suy tim. Thiếu canxi kéo dài sẽ ảnh hưởng đến xương và gây còi xương sớm, biến dạng xương, gù vẹo cột sống. Các biến dạng về xương như khi trẻ lớn lên đầu có dạng hình cá trê hoặc méo một bên, ngực lép kiểu ức gà, lưng gù, chân cong, răng hô, tướng đi chữ bát… có thể trở thành vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời
Nhiều nghiên cứu cho thấy, khẩu phần canxi thấp có thể không hạn chế sự phát triển chiều dài và bề rộng của xương. Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến kết quả vỏ xương mỏng và ít hơn, độ đậm chất khoáng trong xương giảm đi, khiến xương giòn và dễ gãy. Do vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý không phải thấy bé cao lớn có nghĩa là bé không thiếu canxi.
Sự hấp thu canxi trong cơ thể
Không như protein, lượng canxi trong cơ thể con người được giữ lại luôn thấp hơn so với lượng tiêu hóa. Canxi bị tiêu hao hàng ngày qua da, mồ hôi, cũng như qua đường tiêu hóa, qua nước tiểu và các hệ bài tiết. Tuy vậy, canxi không có quá trình tái hấp thu trở lại. Sự hấp thụ canxi tùy thuộc vào nhu cầu của cơ thể, loại thực phẩm và số lượng canxi được cung cấp cho cơ thể.
Canxi từ sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, kem, sữa chua) được hấp thụ vào cơ thể khoảng 32%. Sự hấp thụ canxi từ rau có thể thay đổi tùy loại. Tuy nhiên, canxi trong rau dễ bị biến hóa khi nấu nên lượng canxi còn lại rất ít. Vì thế, phải tiêu thụ khoảng 300g rau mới có cùng số lượng canxi trong một cốc sữa.
Thông thường, chỉ có khoảng 20 – 30% canxi trong thực phẩm được hấp thụ ở ruột rồi chuyển sang máu. Canxi không hấp thụ sẽ đào thải ra khỏi cơ thể theo phân, nước tiểu và mồ hôi. Chính vì sự hao hụt canxi trong quá trình chế biến thức ăn và hấp thu trong cơ thể nên cha mẹ cần phải lưu ý để luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu canxi hàng ngày cho trẻ.
Hàm lượng canxi có trong các loại thực phẩm khác dành cho bé.
– Một cốc sữa (kể cả sữa ít chất béo hoặc đã tách bơ): 300mg canxi.
– 1 tách kem: 20mg canxi.
– 1 cốc sữa đậu nành: 200-400mg canxi.
– 1 cốc sữa chua uống: 300mg canxi.
– 1 cốc nước cam: 20mg canxi.
– 1 tách ngũ cốc: 200mg canxi.
Sữa là thực phẩm có hàm lượng canxi cao nhất. Ảnh: MH |
Bổ sung canxi cho trẻ như thế nào?
Để cung cấp đủ canxi cho trẻ nhỏ, cha mẹ nên có chế độ ăn uống khoa học cho các bé. Sữa và những chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua…) là những nguồn thực phẩm chứa nhiều canxi nhất. Sữa nguyên kem và sữa tươi có hàm lượng canxi như nhau.
Ngoài ra, các loại rau lá có màu xanh sậm, hải sản (tôm, cua, sò), cá, đậu… cũng là những nguồn cung cấp canxi tự nhiên cho cơ thể.
Ngoài chế độ ăn uống, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý cho con mình thường xuyên được tắm nắng, vận động ngoài ánh nắng để tăng cường hấp thu vitamin D và canxi.
Làm thế nào để không thừa canxi?
Canxi rất cần thiết cho cơ thể nhưng thiếu hoặc thừa canxi cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Có nhiều bà mẹ vì muốn con mình cao lớn hơn, đã lạm dụng nhiều thuốc cốm bổ canxi mà không biết rằng có nguy hại cho con.
Tùy mức độ thừa canxi ít hay nhiều có thể gây các biến chứng từ nhẹ đến nặng như ăn không ngon miệng, táo bón, buồn nôn, mệt mỏi, đau cơ, đau xương, tiểu nhiều làm mất nước. Nếu quá thừa, lượng canxi không hấp thụ hết có thể tích tụ gây vôi hóa thận, sỏi mật, giảm chức năng thận, giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magiê, photpho… tăng canxi trong máu.
Tốt nhất là các bà mẹ nên cho bé ăn uống đủ dinh dưỡng đa dạng các thực phẩm, chú ý dùng nhiều thực phẩm giàu canxi như tôm, tép, ốc, cua, trứng… các loại rau, đậu để cơ thể hấp thụ canxi một cách tự nhiên. Không nên lạm dụng thuốc bổ canxi với mục đích giúp cho bé phát triển chiều cao ngoài chỉ định của bác sĩ.
Với chế độ ăn thông thường thì lượng rau 200 – 300g cung cấp khoảng 200 – 300mg canxi, nhưng độ hấp thu chỉ 5 – 10%. Vì vậy nhu cầu canxi còn lại nên hấp thụ qua sữa và các sản phẩm từ sữa. Dựa vào nhu cầu khuyến nghị và lượng sữa tối đa, có thể uống, chọn lựa loại sữa phù hợp với nhu cầu của trẻ và chính mình.
Thạc sĩ Vũ Hồng Anh