Tưởng con chậm nói hóa ra nghe kém

“Ban đầu tôi không tin là con tôi nghe kém bởi nhiều lúc tôi gọi cháu vẫn quay lại”, chị Ngân kể. Tuy nhiên, các chuyên gia đã sử dụng một số test tâm lý đánh giá sự phát triển và nhận thấy các lĩnh vực như nhận thức, vận động tinh, vận động thô của bé Nhím, con chị cho kết quả rất tốt, riêng về mặt ngôn ngữ hiểu và ngôn ngữ diễn đạt cháu còn nhiều hạn chế.

Qua khám thực thể, bác sĩ nhi khoa thấy trẻ không có phản ứng tốt với các bài thử âm thanh. Bé Nhím có xu hướng thích đứng nghiêng một bên, hay nghiêng đầu. Điểm lại các loại bệnh thường mắc lúc nhỏ, mẹ cho biết cháu hay bị viêm họng, viêm tai giữa, sử dụng kháng sinh thường xuyên. Bác sĩ nghi ngờ bé bị khiếm thính và yêu cầu mẹ đưa Nhím đi đo thính lực. Kết quả kiểm tra cho thấy bé Nhím bị khiếm thính 10/15. Vì không bị điếc hoàn toàn nên đôi khi nếu mẹ gọi rất to em vẫn đáp ứng được nhưng không thường xuyên.

day-tre-khiem-thinh-JPG_1420452290.jpg

Bé Ngân đang được giáo viên can thiệp dạy nói. Ảnh: Thủy Minh.

Theo bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng phòng khám Cây Thông Xanh (Trung tâm nghiên cứu, Đào tạo và phát triển cộng đồng), bé Ngân là trường hợp thứ hai trong vòng một tháng được cơ sở này phát hiện bị khiếm thính khi khám chậm nói. Bác sĩ cho biết, ở các nước phát triển, phát hiện khiếm thính ở trẻ thường được thực hiện 2 lần lúc trẻ 2 tuần tuổi và 6-8 tháng tuổi. Phát hiện khiếm thính (hay còn gọi là kiểm tra điếc) được thực hiện đồng thời với các đợt đánh giá phát triển định kỳ về thực thể, trí tuệ, dinh dưỡng.

Để kiểm tra điếc, các bác sĩ nhi khoa sẽ kiểm tra trẻ nhỏ về khả năng phản ứng với âm thanh, chấn thương vùng đầu, các bất thường bẩm sinh ở đầu và cổ. Bác sĩ sẽ tìm hiểu các nguy cơ nếu trẻ có tiền sử sinh non, nằm lồng ấp, điều trị tích cực sơ sinh, vàng da nặng hoặc viêm màng não, viêm não và các nguy cơ tiềm ẩn nếu người mẹ bị rubella khi mang thai.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Tai Mũi Họng TP HCM và Viện Tai Mũi Họng, khảo sát năm 2000-2001 tại 6 tỉnh trên cả nước, tỷ lệ điếc chiếm khoảng 6% dân số, tức là cứ 100 người có 6 người bị điếc. So với tỷ lệ trên thế giới (4,2%) đây là một con số khá cao. Ở trẻ sơ sinh, theo thống kê năm 2014, cứ 1.000 trẻ đẻ ra sống thì có một bé bị điếc. Tuy nhiên, các bà mẹ Việt Nam thường không quan tâm đến việc đánh giá định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề của trẻ mà chỉ quan tâm đến việc chữa bệnh khi vấn đề đã trở nên muộn. Như trường hợp bé Nhím hiện đã đeo máy trợ thính và được can thiệp âm ngữ trị liệu mỗi ngày một tiếng.

Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan cho biết, bố mẹ có thể quan sát và phát hiện sớm các vấn đề về thính giác ở trẻ dựa vào các dấu hiệu nhận biết trẻ nghe kém như:

– Bé không giật mình khi nghe những âm thanh lớn.

– Không phân biệt được âm thanh đến từ đâu. Những trẻ 5, 6 tháng tuổi có thính lực bình thường thì thường quay đầu hoặc đảo mắt để tìm hướng âm thanh phát ra, ngược lại, với trẻ nghe kém thì không có biểu hiện này.

– Bé 6 tháng tuổi vẫn không có biểu hiện, phản ứng gì với âm thanh.

 Trẻ được một tuổi không có phản ứng với những câu đơn giản như: ba, bà, mẹ…

– Trẻ 2 tuổi vẫn chưa bập bẹ được và chưa hiểu lời nói, có biểu hiện chậm nói.

– Trẻ thường lúng túng khó định hướng được nguồn âm thanh, hay đứng gần TV, vặn âm thanh lớn, hay hỏi lại.

 Trẻ ngại tiếp xúc với người lạ, không có dấu hiệu phát triển ngôn ngữ. 

Theo bác sĩ, trẻ chậm nói do nghe kém, điếc càng được phát hiện sớm thì khả năng can thiệp kịp thời, giúp trẻ học nói càng hiệu quả và dễ dàng. Trong quá trình can thiệp, trẻ phải được huấn luyện khả năng nghe – nói bởi các nhà chuyên môn sau khi đeo máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai, khi đó sự phục hồi khả năng nghe nói mới được phát huy tối đa.

Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy trẻ chậm nói và có khiếm thính tại nhà, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

– Thu hút sự chú ý của trẻ trước khi nói (đặt tay lên vai trẻ).

– Ở vị trí đối diện khi nói chuyện với trẻ, khích lệ trẻ đọc môi.

– Tạo môi trường yên tĩnh khi nói chuyện với trẻ (tắt TV, đóng cửa sổ nếu bên ngoài ầm ĩ, tắt máy nghe nhạc, hạn chế người nói chuyện nhiều trong phòng).

– Nói rõ và chậm hơn mức bình thường và cố gắng đưa vào văn cảnh để trẻ dễ hiểu. Cha mẹ là người dẫn đường quan trọng nhất cho con đi vào thế giới ngôn ngữ. Chính việc giao tiếp hàng ngày với con, cha mẹ có thể “đoán ý” trẻ muốn nói và diễn đạt giúp trẻ. Ví dụ trẻ muốn lấy cốc nước nhưng chưa diễn đạt được mà chỉ ê a, mẹ liền nói “Con muốn uống nước (kéo dài chữ nước) à?”. Vừa nói vừa đáp ứng cho trẻ, giúp trẻ ghi nhớ từ nhanh hơn và diễn đạt từ đúng hoàn cảnh.

 Dùng ký hiệu, tranh ảnh, hình vẽ… để giao tiếp với trẻ: Cha mẹ nên treo nhiều tranh thể hiện đồ vật trên tường và cùng trẻ ôn tập cách gọi tên các đồ vật đó hàng ngày.

– Khích lệ trẻ mang máy trợ thính hàng ngày: kiểm tra pin, thường xuyên hỏi con có bị đau tai và vệ sinh sạch sẽ dụng cụ.

– Kiên nhẫn đối với trẻ, không được la mắng hoặc đòi hỏi trẻ phải nhớ tất cả những gì đã dạy ở buổi trước.

Bác sĩ Lan cho rằng, cha mẹ nên tìm hiểu về chương trình đánh giá sự phát triển của trẻ giai đoạn đầu đời để có kế hoạch khám định kỳ sức khỏe tổng thể của trẻ trong thời kỳ 0-5 tuổi, đặc biệt là 2 năm đầu tiên nhằm phát hiện sớm trẻ khiếm thính. “Ảnh hưởng của điếc tới trẻ nhỏ rất nặng nề, có thể ví như một thảm họa. Nó gây ra các hậu quả liên tiếp. Trẻ nghe kém thường chậm nói hoặc không nói được, từ đó dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ, gặp khó khăn trong học tập và hòa nhập xã hội”, bác sĩ Lan nói.

Thủy Minh

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Rate this post