Vẹo cột sống (VCS) là một căn
bệnh đặc trưng bởi một đường cong bất thường ở cột sống: trên mặt phẳng đứng
ngang (chúng ta nhìn cột sống từ sau ra trước) cột sống cong từ bên này sang
bên kia, cột sống có thể cong theo hình chữ C hoặc chữ S. Đường cong này được
gọi là vẹo cột sống khi góc vẹo lớn hơn 10o.
Tại sao cột sống bị vẹo?
Nguyên nhân chính xác của VCS
thì chưa rõ. VCS phổ biến hơn ở nữ giới và thường ảnh hưởng đến thanh thiếu
niên trong độ tuổi từ 10 và 18. Khả năng trẻ bị VCS là cao hơn nhiều nếu cha mẹ
hoặc anh chị em chúng cũng bị chứng bệnh này. VCS cũng có thể phát triển theo
thời gian từ giữa tới cuối thời thiếu niên, thường là trước tuổi dậy thì. Trong
trường hợp khác, VCS có thể là bệnh bẩm sinh, có nghĩa là một trẻ được sinh ra
với một bất thường cột sống và gây ra chứng bệnh này. May mắn chỉ có 1 – 4% dân
số gặp chứng VCS.
Cột sống bị vẹo (trái) và cột
sống bình thường (phải).
Những biểu hiện khi trẻ bị
vẹo cột sống
Các triệu chứng của VCS có
thể nhìn thấy khá rõ. Ví dụ, trẻ có thể có vai, ngực, hông, xương bả vai, thắt
lưng không đồng đều, hoặc một đứa trẻ có thể có một xu hướng nghiêng sang một
bên. Trong một số trường hợp khác, triệu chứng có thể không thể nhìn thấy được.
Để phát hiện trẻ bị VCS, bạn đứng sau lưng trẻ, cho trẻ cúi ra trước, bạn sẽ
thấy vai hoặc lưng của trẻ ở hai bên không đều, một bên cao còn bên kia thấp
hơn.
Trong trường hợp VCS nhẹ, đốt
sống xoay ít, làm cho hông, xương sườn không cân đối. Khi điều này xảy ra, vấn
đề thẩm mỹ sẽ là nguyên nhân chính để trẻ đi khám.
VCS có thể ảnh hưởng đến sức
khỏe nếu xương bị xoắn nặng đến mức chúng chèn ép các cơ quan quan trọng. Nếu
điều này xảy ra, phẫu thuật có thể là cần thiết. Nếu không được điều trị,
trường hợp nặng VCS có thể làm rút ngắn tuổi thọ.
Thời điểm phát hiện vẹo cột
sống
Trẻ bị VCS được bố mẹ cho đi
khám ở các tuổi khác nhau và thời điểm bố mẹ hoặc người thân phát hiện VCS của
trẻ cũng khác nhau. Tuy nhiên, các trẻ phát hiện vẹo càng sớm thì những biến
dạng cột sống và các cơ quan trong cơ thể càng nặng. Chính vì vậy, đối với
những trẻ vẹo cột sống mà bố mẹ phát hiện sớm trước 10 tuổi thường tiên lượng
nặng, khả năng điều trị khó.
Biện pháp chẩn đoán
Bác sĩ sẽ phải đánh giá mức
độ vẹo, độ mềm dẻo của cột sống và các triệu chứng có thể liên quan tới tình
trạng VCS của trẻ.
Chụp Xquang thường là bước
đầu tiên trong phương pháp xét nghiệm chẩn đoán. Xquang thể hiện các đốt sống
và cột sống. Chúng có giá trị giới hạn, vì nó không thấy được phần mềm và dây
chằng. Để đánh giá mức độ vẹo người ta sử dụng phương pháp Cobb để đo độ vẹo.
Phương pháp khám phát hiện trẻ bị vẹo cột
sống.
MRI (cộng hưởng từ): sử dụng
một từ trường để tạo ra hình ảnh có nhiều chi tiết bên trong cơ thể. Vì chụp
Xquang chỉ thấy xương, MRI là cần thiết để hình dung các mô mềm như đĩa đệm,
tủy sống và các yếu tố thần kinh ở cột sống. Đây là loại chẩn đoán hình ảnh an
toàn.
Chụp cắt lớp vi tính: tương
tự như MRI ở chỗ nó cung cấp thông tin chẩn đoán về cấu trúc bên trong của cột
sống. Tuy nhiên, cắt lớp vi tính cho hình ảnh của xương rõ ràng hơn hình ảnh
của phần mềm.
Điện chẩn: kiểm tra sự dẫn
truyền của các dây thần kinh và tủy sống.
Giải pháp điều trị chứng vẹo
cột sống
Có ba mức điều trị chứng VCS
ở thanh thiếu niên. Các phương án điều trị vẹo cột sống thông thường bao gồm
theo dõi, áo chỉnh hình và nếu đường cong lớn, phát triển thì phẫu thuật. Với
những trẻ có đôi chân dài không đều sẽ được chỉ định dùng giày chỉnh hình.
Đối với người trưởng thành,
áo chỉnh hình được sử dụng như một biện pháp giảm đau tạm thời, nó không thể
sửa chữa các đường cong ở người lớn. Nếu tồn tại các vấn đề khác gây ra bởi
chứng vẹo cột sống (rối loạn chức năng cùng – chậu, lưng phẳng, hẹp ống sống,
chèn ép rễ thần kinh), có rất nhiều phương pháp điều trị cho những vấn đề này.
Phẫu thuật được chỉ định để
điều chỉnh đường cong cột sống cho các đường cong lớn và đang phát triển hoặc
những bệnh nhân bị đau kiểu rễ thần kinh liên tục và tiến triển.
Như với bất cứ bệnh nào, VCS
phát hiện càng sớm càng tốt, cơ hội lựa chọn phương pháp điều trị càng nhiều,
sẽ càng có nhiều phương án để cải thiện tình trạng này.
PGS. TS. Nguyễn Văn Thạch
(Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, BV Việt Đức)