Mùa lạnh, trẻ nhỏ dễ mắc bệnh
Bệnh viêm TPQ có thể xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa lạnh. Viêm TPQ là bệnh chỉ thấy ở trẻ em dưới 24 tháng tuổi, trong đó gặp nhiều nhất là trẻ 3-6 tháng tuổi. Tổn thương các TPQ là bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch gây chít hẹp hoặc tắc nghẽn làm cho trẻ bị khó thở, khò khè, nếu nặng thì bị thiếu oxy. Bệnh do virut hô hấp gây ra với 2 đặc điểm đáng lưu ý: một là bệnh lây lan rất mạnh nên dễ gây thành dịch ở nhóm trẻ nhỏ; hai là người lớn và trẻ lớn cũng có thể bị mắc bệnh nhưng các triệu chứng chỉ nhẹ như cảm ho thông thường.
|
Dấu hiệu phát hiện bệnh
Trẻ nhỏ bị bệnh thường có các triệu chứng sau: trẻ như bị cảm trong 2-3 ngày đầu với biểu hiện sốt nhẹ, ho, sổ mũi. Những ngày sau, trẻ ho nhiều hơn, kèm theo có tiếng thở khò khè, có khi bị khó thở với dấu hiệu thở nhanh hơn bình thường, khi trẻ thở, chúng ta nhìn thấy lồng ngực bị co kéo. Nếu cháu nào bỏ bú và tím tái là bệnh càng nặng. Nhiều khi thấy trẻ thở giống như người bệnh hen suyễn. Với các triệu chứng như trên thì bố mẹ phải đưa trẻ đi khám bệnh ngay để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Diễn biến bình thường của bệnh là trẻ khó thở, khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, sau thời gian này, ho cũng giảm dần trong khoảng 14 ngày rồi khỏi hẳn nếu được điều trị và chăm sóc tốt. Nhưng cũng có gần 20% ca bệnh kéo dài nhiều tuần. Chụp phim Xquang thấy tổn thương viêm TPQ.
Các biến chứng do viêm TPQ
Trường hợp bệnh không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi do bị bội nhiễm, xẹp phổi do tắc đờm, viêm tai giữa. Trong số này có khoảng từ 1-2% trẻ bị thiếu oxy phải nhập viện để được thở oxy. Bệnh có thể xảy ra nặng, kéo dài, có nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong ở các đối tượng: trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng nặng, bị bệnh tim, phổi từ trước.
Tiêu bản tổn thương viêm tiểu phế quản. |
Chăm sóc trẻ bị bệnh
Đối với trẻ bị bệnh, việc chăm sóc tại nhà rất quan trọng để giúp trẻ nhanh bình phục. Các bậc cha mẹ và người thân cần thực hiện chăm sóc trẻ như sau: chú trọng việc nuôi dưỡng trẻ như cho bú đầy đủ sữa mẹ và ăn uống đủ chất nếu trẻ đã đến tuổi ăn dặm. Nên cho trẻ bú và ăn nhiều bữa hơn lúc trẻ chưa mắc bệnh. Nếu trẻ bị nôn ói khi ho nhiều thì phải cho ăn để bù dinh dưỡng ngay. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước vì thiếu nước sẽ làm đờm bị cô đặc, trẻ khó thải đờm khi ho nên bệnh sẽ nặng lên.
Chú ý khai thông đường thở cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn bằng cách nhỏ mũi mỗi lần 2-3 giọt nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) rồi lau sạch mũi cho trẻ. Cho trẻ uống thuốc đúng liều lượng và số lần trong ngày theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho trẻ uống theo lời mách bảo của những người không phải bác sĩ vì làm như thế có thể làm trẻ bị bệnh nặng hơn hoặc gây tác hại cho trẻ đang ốm. Không để trẻ hít phải khói thuốc lá, thuốc lào vì khói thuốc có thể làm bệnh của trẻ nặng lên hoặc dễ bị hen suyễn trước mắt cũng như sau này.
Cần đưa trẻ nhập viện ngay khi trẻ có một hay nhiều hơn các triệu chứng sau đây: khó thở tăng lên (thở nhanh, khi thở lồng ngực bị co kéo), tím tái, bú kém hay bỏ bú, không uống được; ngủ li bì, khó đánh thức; có biến chứng: suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi, những trẻ có yếu tố xảy ra bệnh nặng đã nói trên đây.
Mô hình cấu trúc virut gây viêm tiểu phế quản. |
Biện pháp phòng bệnh
Hiện nay, ở nước ta chưa có vắc-xin phòng bệnh nên cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như sau: tránh cho trẻ tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh; cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ vì virut gây bệnh lây lan chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp.
Bệnh viêm TPQ là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn hô hấp nặng ở trẻ nhỏ tại tất cả các nước trên thế giới. Một nghiên cứu cho thấy: ở Hoa Kỳ có khoảng 120.000 trẻ viêm TPQ nhập viện hàng năm. Ở nước ta, bệnh viêm TPQ là bệnh phổ biến ở trẻ dưới 2 tuổi. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM thì hàng năm có khoảng 5.000 – 6.000 trẻ bị bệnh này đến khám bệnh, trong đó trên 2.500 trẻ nhập viện mỗi năm, chiếm 40% số bệnh nhi tại khoa hô hấp. Một vài nghiên cứu khác cho biết: sau khi bị viêm TPQ, có khoảng trên 30% trẻ bị bệnh suyễn. |