Tình trạng rối loạn lipid máu ( dân gian hay gọi là mỡ máu cao) thể hỗn hợp bao gồm vừa tăng cholesterol và triglycerid đang trở nên ngày một phổ biến trên mọi đối tượng. Nếu như trước đây, người ta chỉ đề cập đến rối loạn này ở tuổi từ 60 trở lên thì hiện nay, ngay từ tuổi trên 30 đã nhiều người mắc bệnh. Nguy cơ nguy hiểm nhất của bệnh là các biến chứng tim mạch và thúc đẩy các rối loạn chuyển hoá khác. Việc điều trị bao gồm phương pháp không dùng thuốc là thay đổi lối sống và sử dụng một số thuốc đặc trị. Nhưng nói chung, rối loạn lipid máu là bệnh mạn tính đòi hỏi phải điều trị lâu dài.
Đối với người bình thường, chỉ số cholesterol ở mức dưới 5,2mmol/l; triglycerid dưới 2,3mmol/l. Nếu vượt quá từng giới hạn này sẽ dẫn đến rối loạn lipid máu( dân gian gọi là mỡ nhiễm máu) và vượt qua cả hai thì mắc phải chứng rối loạn lipid máu thể hỗn hợp.
Hình ảnh xơ vữa động mạch do rối loạn lipid máu.
Ăn quá nhiều chất béo bão hòa là nguyên nhân chủ yếu gây tăng cholesterol máu. Các chất béo bão hòa có trong các thức ăn có mỡ, đặc biệt là sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt mỡ, bơ, hai loại dầu thực vật là dầu dừa và dầu cọ, hầu hết các loại thức ăn rán, các loại bánh như bánh bích quy và ga tô…
Thừa cân (béo phì), uống nhiều rượu và ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu. Uống rượu nhiều làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành, đột quỵ do làm tăng lượng triglyceride trong máu và làm tăng huyết áp. Không nên uống quá 20 – 30g ethanol/ngày đối với nam giới và 10 – 20g ethanol/ngày với nữ giới. Uống rượu với lượng vừa phải (đặc biệt là rượu vang đỏ) có tác dụng bảo vệ tim do làm tăng lượng HDL-C và tác dụng chống ôxy hóa.
Khoảng dưới 10% trường hợp bị rối loạn lipid máu thứ phát do các nguyên nhân như: đái tháo đường; hội chứng thận hư; tăng urê máu; suy tuyến giáp; bệnh gan; nghiện rượu; uống thuốc tránh thai; một số thuốc tim mạch như: thuốc ức chế bêta giao cảm, nhóm thuốc lợi tiểu thiazide.
BS. Quang Anh