ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tư vấn với từng nhóm đối tượng cụ thể:
1. Với trẻ nhỏ
Để phòng bệnh hô hấp mùa lạnh nói chung cho trẻ nhỏ, ThS. Hải cho rằng, dinh dưỡng cần cho tất cả mọi người để tăng sức đề kháng, khi cơ thể khỏe mạnh sẽ phòng được nhiều bệnh. Mùa đông, nhu cầu năng lượng cao hơn mùa hè để chống chọi với trời rét, do đó cần ăn cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng. Khi trẻ suy dinh dưỡng sức đề kháng giảm, trẻ dễ mắc bệnh. Trong các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng, liên quan đến đường hô hấp, thì vitamin A là vô cùng quan trọng, giúp biểu mô của niêm mạc đường hô hấp tốt hơn, hệ thống chất nhầy đường hô hấp tốt hơn khiến tác nhân gây bệnh xâm nhập vào ít đi, tăng cường miễn dịch cho đường hô hấp.
Bên cạnh đó, cần cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả giàu vitamin C, bổ sung sắt, kẽm (trứng, sữa…) giúp trẻ tăng sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch.
Một lưu ý là trong mùa đông, không nên ăn đồ lạnh, cần lưu ý hâm nóng thực phẩm trước khi ăn. Ăn thức ăn ấm nóng, tươi, sạch là tốt nhất, ăn đủ chất để có cơ thể khỏe mạnh, tăng hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng để phòng chống được nhiều bệnh chứ không riêng gì bệnh hô hấp.
Ngoài vitamin E cần ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin A, C. Các loại quả có dầu như quả hạnh nhân, quả bơ, hạt dẻ, hạt hướng dương, củ cải, đu đủ, cải xoăn, cải chân vịt, giá đỗ, dầu ăn… chứa nhiều vitamin E tốt cho da.
Với trẻ bị hen phế quản thường có cơ địa dị ứng, có thể dị ứng với thời tiết, dị ứng với bụi, phấn hoa, đặc biệt là với thức ăn… Nguy cơ dị ứng thức ăn ở trẻ hen phế quản rất hay gặp, nhất là với một số thức ăn hải sản, lạc, đậu… Khi trẻ hen phế quản, cha mẹ cần tìm ra yếu tố khiến trẻ lên cơn hen. Từ đó, cần tránh xa những thực phẩm khiến trẻ dị ứng, những thức ăn nào khiến trẻ lên cơn hen thì chú ý lần sau không nên cho trẻ ăn nữa.
ThS. Hải nhấn mạnh, quan trọng nhất là cho trẻ ăn cân đối, cân bằng, đủ chất dinh dưỡng. Muốn trẻ giảm bệnh, giảm tần suất cơn hen cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, trong thức ăn hàng ngày trẻ cần ăn đủ chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa…), các vitamin A (rau củ quả, bí đỏ, cà chua, cà rốt, đu đủ, chuối…), vitamin C (cam, quýt, bưởi, rau xanh…), sắt, kẽm (hàu, ngao, thịt gà…) nhằm giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
2. Phụ nữ mang thai
Chị em mang thai nếu có vấn đề về hô hấp cần lưu ý chế độ dinh dưỡng giúp mẹ có thể dễ tiếp nhận và để cho trẻ có sức đề kháng tốt hơn. Nếu mẹ ăn uống không đủ chất có thể ảnh hưởng đển cả mẹ và bé. Bà bầu nên ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (Nhóm chất bột đường, chất đạm, chất béo, Vitamin và khoáng chất.). Nếu mẹ thiếu sắt, kẽm, acid béo chưa no có thể gây sảy thai, đẻ non. Do đó, mẹ cần lưu ý đến thực phẩm giàu vitamin A có trong dầu gan cá, thịt trứng, rau quả…
Với bà mẹ mang thai tốt nhất là nên bổ sung vitamin A từ thực phẩm là tốt nhất, không nên dùng thuốc chứa vitamin A có thể gây nguy hiểm. Nếu có điều kiện thì nên uống sữa bà bầu vì chứa nhiều chất để bổ sung chất dinh dưỡng cho chị em. Đủ chất dinh dưỡng cũng sẽ khiến cơ thể tốt hơn, giảm các vấn đề về hô hấp.
3. Với người có tiền sử viêm mũi dị ứng hay viêm xoang
Đây cũng là nhóm người có cơ địa dị ứng nên cần chú ý tác nhân gây dị ứng từ thức ăn. Cần tránh thức ăn gây dị ứng nếu sau khi ăn mà thấy có biểu hiện cơ thể mình bị dị ứng với thực phẩm đó.
Tăng cường thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, có tác dụng làm căn bệnh giảm bớt đi. Bệnh nhân có thể “chung sống hòa bình” với bệnh chứ cũng không có loại thức ăn nào chữa khỏi hẳn bệnh dị ứng.
4. Người có tiền sử huyết áp cao
Mùa đông là thời điểm khó kiểm soát huyết áp nhất.
Theo ThS. Hải, tăng huyết áp gần như là bệnh xã hội, rất phổ biến hiện nay. Thống kê có khoảng 30% người trưởng thành mắc THA, cứ 3 người có 1 người bị tăng huyết áp. THA thường gặp ở tuổi trung niên, tai biến dễ xảy ra khi thời tiết thay đổi lạnh như hiện nay. Bệnh nhân nên đến chuyên khoa tim mạch để thăm khám, uống thuốc đều đặn để kiểm soát huyết áp, tránh tai biến.
Thể dục là một trong những biện pháp điều trị tăng huyết áp, bên cạnh việc uống thuốc đều đặn và chế độ ăn uống. Do đó, người bị tăng huyết áp có thể đi tập thể dục nhưng không nên dậy sớm quá, cần vận động làm ấm cơ thể trước khi ra bên ngoài, do nhiệt độ buổi sáng thường thấp hơn ban ngày; thời gian bắt đầu tập sẽ muộn hơn mùa hè.
Bệnh nhân THA thường do ăn chế độ ăn quá mặn, ăn nhiều chất béo… gây tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch… là những nguyên nhân gây tăng huyết áp. Bệnh nhân nên duy trì chế độ ăn nhạt 5-6g muối/ngày với người trưởng thành, người đã THA thì ăn càng nhạt càng tốt; giảm thực phẩm chứa nhiều chất béo giàu cholesterol (các loại nội tạng, tim, gan, óc, thận), ăn rau quả nhiều (cam quýt bưởi dưa hấu), thực phẩm giàu kali, nên uống nước râu ngô, hoa hòe, mã đề… giúp lợi tiểu. Chế độ ăn nhiều chất xơ, không được uống rượu, bia, cà phê, tuyệt đối không được hút thuốc lá.
5. Bệnh nhân đau khớp
Trời lạnh là mùa mà bệnh gì cũng có thể tăng lên: hô hấp, THA, xương khớp… Đặc biệt các bệnh mạn tính như vấn đề xương khớp hiện đang rất nhiều người mắc, chúng như là bệnh “dự báo thời tiết” trong mùa lạnh. Nếu còn trẻ tuổi mà thường xuyên bị đau xương khớp thì cần đi khám sớm để xác định nguyên nhân do đâu (có thể là gút, viêm đa khớp dạng thấp, thoái hóa khớp… để tìm hướng điều trị). Với viêm đa khớp dạng thấp cần vận động để chống trường hợp không bị cứng khớp sau này, giúp máu lưu thông. Tập thể dục là 1 trong những biện pháp làm giảm thoái hóa khớp; đặc biệt dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Trong dân gian có truyền miệng một số kinh nghiệm chữa bệnh xương khớp như uống một cốc nước nóng với hai thìa mật ong và một muỗng bột quế hai lần mỗi ngày có thể chữa dứt điểm bệnh viêm khớp mạn tính. Tuy nhiên, theo ThS. Hải, mật ong giàu chất dinh dưỡng, có chất kháng khuẩn, vitamin và khoáng chất dùng mật ong cũng tốt cho cơ thể nhưng không thể chữa khỏi bệnh viêm khớp mạn tính mà đó chỉ là giải pháp hỗ trợ chứ không có tác dụng chữa bệnh khớp.
Dương Hải