Cấp cứu suy hô hấp cấp

Suy hô hấp cấp là tình trạng thiếu oxy máu do: các bệnh phổi, tim, chấn thương… gây ra. Dịp nghỉ lễ, Tết thường vào lúc thời tiết giá rét dễ gây bộc phát cơn hen ở người bệnh hen suyễn và cơn đau tim ở bệnh nhân tim phế mạn, đồng thời thường xảy ra tai nạn giao thông do việc đi lại nhiều. Vì vậy, chúng ta cần biết cách xử trí suy hô hấp cấp để cấp cứu người bị các bệnh lý gây suy hô hấp.

Vì sao bị suy hô hấp cấp?

Có nhiều nguyên nhân gây suy hô hấp cấp do bệnh ở phổi và bệnh ngoài phổi. Bệnh tại phổi gây suy hô hấp cấp gồm: hít phải dịch vị do ợ và trào ngược dạ dày – thực quản, chấn thương sọ não, viêm não; viêm phế quản, phổi, tắc động mạch phổi, tràn khí màng phổi; phế quản phế viêm do vi khuẩn gây mủ, lao kê, nhiễm virut ác tính; hen phế quản, tắc nghẽn phế quản; phù phổi cấp: do suy tim trái trong các bệnh tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, hẹp hở van động mạch chủ, hẹp, hở van hai lá, bệnh cơ tim, truyền dịch quá nhiều…

Cấp cứu suy hô hấp cấp 1

Khi có hai người cấp cứu thì một người hà hơi thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực.

 

Các bệnh ngoài phổi gây suy hô hấp cấp là: tắc nghẽn thanh, khí quản do u thanh quản, bướu giáp, u thực quản, viêm thanh quản, uốn ván, dị vật; tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, chấn thương lồng ngực…

Dấu hiệu phát hiện suy hô hấp cấp là gì?

Một bệnh nhân bị bệnh tim, phổi, chấn thương… nếu bị suy hô hấp cấp sẽ có các dấu hiệu sau: thở nhanh do thiếu oxy máu, nhịp thở khoảng 40 lần/phút kèm theo sự co kéo các cơ hô hấp, nhìn thấy rõ ở hõm trên xương ức và các khoảng gian sườn, ở trẻ em có thể kèm theo cánh mũi phập phồng. Nhưng các trường hợp có tổn thương do liệt như viêm đa rễ thần kinh, liệt tứ chi do tổn thương tủy sống, bệnh nhược cơ nặng… thì nhịp thở lại giảm, biên độ hô hấp yếu, bệnh nhân không ho được, gây ứ đọng đờm dãi trong phế quản. Tím tái xuất hiện ở môi, đầu ngón tay chân, mặt hay toàn thân khá rõ rệt. Thiếu oxy máu và tăng khí carbonic máu làm mạch nhanh, gây nên những cơn tăng huyết áp, có thể có loạn nhịp trên thất. Triệu chứng suy thất phải: gan to, dấu hiệu phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính, nặng hơn là tĩnh mạch cổ nổi tự nhiên. Dấu hiệu thần kinh tâm thần: gặp trong suy hô hấp cấp nặng với biểu hiện kích thích, vật vã, rối loạn tri giác như lơ mơ hay hôn mê. Nặng nhất là ngừng thở, ngừng tim.

Khi đến khám tại bệnh viện, thầy thuốc còn cho làm các xét nghiệm giúp chẩn đoán suy hô hấp cấp như: đo khí máu để biết nồng độ khí oxy và khí cacbonic; điện tâm đồ và siêu âm phát hiện các tổn thương ở tim; chụp phim Xquang phát hiện những tổn thương ở phổi, màng phổi, trung thất…

Suy hô hấp nếu được điều trị đúng có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Trái lại, nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị hôn mê và tử vong.

Xử lý cấp cứu và điều trị thế nào?

Cấp cứu một người bị suy hô hấp cấp phải tuân theo nguyên tắc: làm thông thoáng đường hô hấp, hà hơi thổi ngạt kèm xoa bóp tim ngoài lồng ngực (nếu ngừng tim), cho thở oxy; chống nhiễm khuẩn; cân bằng kiềm toan máu.

Tiến hành ngay hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt đối với nạn nhân bị suy hô hấp cấp: đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải mỏng móc đờm dãi, dị vật khỏi mũi và miệng nạn nhân; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Nếu ngừng tim (sờ mạch quay hay mạch cảnh không có), phải ép tim ngoài lồng ngực: dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, khoảng 70 – 100 lần/phút. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2 – 3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10 – 15 nhịp. Khi có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt liên tục, một người ép tim ngoài lồng ngực liên tục, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại. Sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa hoặc nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu.

Điều trị ở bệnh viện: dùng máy hút đờm dãi, chất xuất tiết sạch ở miệng, mũi, họng bệnh nhân. Rửa phế quản, làm loãng đờm bằng khí dung, bằng bơm dung dịch bicarbonat natri 14‰ hay dung dịch chlorua natri 0,9%, 2 – 5ml mỗi lần rồi hút ra. Bồi phụ nước và điện giải và cân bằng kiềm toan. Thở oxy: khí oxy phải được làm ẩm và làm ấm trước khi sử dụng cho bệnh nhân. Cho thở khi được tăng cường oxy: dùng cho các bệnh nhân có nồng độ khí carbonic máu bình thường hay giảm: mọi trường hợp thiếu oxy máu thì PaO2 đều giảm dưới 65mmHg, cho thở oxy với cung lượng 4 – 6lít/phút bằng xông mũi hay trong những trường hợp thiếu oxy nặng hơn thì sử dụng mặt nạ oxy. Đối với bệnh nhân có nồng độ khí carbonic trong máu cao mạn tính do suy hô hấp mạn, cho thở khoảng 1 – 3lít/phút, thở ngắt quãng và được kiểm soát nồng độ các khí trong máu. Đặt nội khí quản trong các trường hợp: có trở ngại đường hô hấp trên như phù nề, vết thương thanh quản, hôn mê gây tụt lưỡi; hỗ trợ hô hấp, cần thở oxy, thở máy; có tăng khí carbonic máu… Mở khí quản: dùng cho các trường hợp cần đặt nội khí quản trên 3 ngày hay không đặt được ống nội khí quản… Chống nhiễm khuẩn phải dùng kháng sinh có hoạt phổ rộng hoặc theo kháng sinh đồ.

ThS. Phạm Thanh Tùng

Rate this post