Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế xã hội, môi trường ngày càng ô nhiễm, bệnh lý tai mũi họng cũng gia tăng. Tỉ lệ bệnh nhân viêm nhiễm mạn tính vùng mũi xoang cũng tăng lên hàng năm, việc điều trị ngày càng phức tạp, gây tốn kém cả thời gian và tiền của bệnh nhân và xã hội. Ngoài việc uống thuốc, điều trị tại chỗ vùng mũi xoang cũng góp phần lớn cho thành công của điều trị. Bệnh nhân viêm mũi xoang dễ dàng mua được máy, các dụng cụ để khí dung mũi tại nhà với giá thành phải chăng.
Ảnh minh họa (nguồn Internet). |
Nhưng việc xông mũi luôn phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc. Để xông mũi đạt hiệu quả tốt, cần làm sạch mũi trước. Với những trường hợp cuốn mũi nề, bệnh nhân ngạt nhiều, cần xịt thuốc làm co niêm mạc mũi, sau đó rửa mũi bằng nước muối. Có nhiều cách rửa mũi, có thể sử dụng các bình xịt nước biển có sẵn trên thị trường hoặc nước muối sinh lý 0,9%. Với bình xịt nước muối biển, bệnh nhân hơi cúi đầu ra phía trước, tay trái xịt mũi phải, tay phải xịt mũi trái, cầm bình xịt theo phương thẳng đứng, xịt một đến hai nhát sau đó xì nhẹ, lặp lại đến khi mũi sạch, không xì ra dịch mũi thì dừng lại.
Với nước muối sinh lý, bệnh nhân có thể đổ nước muối ra bát, hít vào đằng mũi, nhổ ra đường miệng, hoặc dùng bơm tiêm (đã bỏ kim), nghiêng đầu sang một bên, bơm nước muối vào bên mũi cao hơn sau đó xì nhẹ. Khí dung được thực hiện sau khi mũi đã được làm sạch. Loại thuốc khí dung phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, tùy theo bệnh tích ở mũi xoang sẽ có loại thuốc khí dung khác nhau. Trong quá trình khí dung, bệnh nhân sẽ phát âm “Kê” để giảm lượng thuốc xuống họng. Sau khi khí dung, bệnh nhân nên súc họng sạch. Bệnh nhân cần khám lại theo hẹn để đánh giá hiệu quả điều trị và có thể điều chỉnh thuốc.
ThS. Hoàng Hòa Bình