Tư vấn về táo bón ở trẻ em

Bác sĩ tư vấn: PGS. TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, ĐH Y Dược TP.HCM

Kính thưa Bác sĩ! Bé trai nhà em được 13 tháng bé uống sữa công thức hoàn toàn nhưng tình trạng táo bón từ khi mới sinh đến nay vẫn chưa dứt mặc dù em đổi rất nhiều loại sữa (vì nghĩ bé không hợp sữa). Mỗi ngày bé ăn 2 cữ cháo và uống 500ml sữa, bé uống rất nhiều nước và ăn sữa chua nhưng có khi 3 ngày vẫn không đi ngoài. Khi bơm thì phân rất cứng. Đặc biệt là phân rất hôi không biết đường ruột bé có vấn đề gì không thưa bác sĩ? Và có cách nào khắc phục tình trạng táo bón không?

Bé táo bón từ lúc mới sinh, nếu đúng vậy thì nên đi khám bác sĩ chuyên về tiêu hóa trẻ em để được khám và xét nghiệm nếu cần, để loại trừ táo bón do bệnh thực thể. Táo bón ít khi xuất hiện trong giai đoạn sơ sinh, nên nếu có thì phải thăm khám kỹ lưỡng. Các nguyên nhân thường gặp gây táo bón sớm là các di tật đường tiêu hóa, dị ứng đạm sữa bò, các bệnh lý bẩm sinh tuyến giáp, v.v…

Tuy nhiên, nếu thăm khám mà không phát hiện bệnh lý gì thì bé bị táo bón chức năng, khi đó các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn thêm nhiều biện pháp khác như tập đi cầu mỗi ngày, xoa bụng, xem lại chế độ ăn và nhất là sử dụng các thuốc làm mềm phân. Sữa chỉ là một trong nhiều yếu tố nên đổi sữa không thôi chưa đủ làm bé giảm táo bón.

Xin hỏi để bác sĩ tư vấn giúp gia đình. Cháu nhà tôi được 1 tháng tuổi, từ hôm cháu đẻ ra đến khi được 15 ngày thì ngày nào cháu cũng đi vệ sinh 1 lần. Từ ngày 16 trở đi thì cháu lại không đi vệ sinh được, và cứ cách 2 đến 3 ngày cháu không đi được và quấy đêm thì tôi có xịt mật ong vào lỗ hậu môn của bé thì bé mới đi được bình thường. Xin hỏi bác sĩ cháu nhà tôi có phải bị táo bón không ạ, và giờ tôi phải làm gì để cho cháu tự đi ỉa hằng ngày được ạ?

Tình trạng như bé gặp khá nhiều và chưa hẳn là táo bón. Chúng tôi gọi tình trạng này là chậm đi cầu. Bé nên được bú mẹ hoàn toàn. Bạn xem thêm các hướng dẫn về massage bụng cho bé để giúp bé đi cầu thường xuyên hơn, nhờ vậy bé sẽ bú giỏi hơn và “dễ chịu cái bụng”.

Bác sĩ cho em hỏi cháu nhà em từ khi sinh tới giờ đã gần 2 tháng nhưng cháu không tự đi vệ sinh được mỗi lần masage xong cháu mới đi được. Bác sĩ tư vấn dùm em để cháu có thể tự đi được. Em chân thành cảm ơn.

Bé còn nhỏ, sự phối hợp giữa các cơ quan giúp bé đi cầu còn chưa nhịp nhàng, có thể gây ra tình trạng chậm đi cầu hay khó đi cầu một chút nhưng chưa đủ để gọi là táo bón. Chị nên tiếp tục cho cháu bú mẹ hoàn toàn, massage bụng hàng ngày, khi bé lớn hơn sẽ tự đi cầu dễ dàng.

Con em bị táo bón sau đợt điều trị bệnh gần 1 tháng uống thuốc tây, sau khi về nhà em cho cháu ăn uống lại nhưng cháu rất khó đi đại tiện. Em hỏi bác có cách nào giúp em với ạ?

Do không biết các loại thuốc cháu đã dùng là loại gì nên cũng khó có thể kết luận có phải do thuốc hay không và phương cách xử trí tiếp theo là gì. Ngoài việc cho cháu uống đủ nhu cầu nước hàng ngày, ăn nhiều rau trái, bạn nên cho cháu đi khám bác sĩ để có những điều trị tích cực hơn nếu cần, ví dụ sử dụng các loại thuốc làm mềm phân giúp cháu dễ đi cầu chẳng hạn.

Cháu gái tôi đã 15 tuổi vẫn thường bị táo bón. Phải 3-4 ngày mới đi cầu 1 lần. Phân rất to và cứng, đã mấy lần làm tắc bồn cầu. Mẹ cháu đã làm rất nhiều cách từ lúc cháu còn bé nhưng không có kết quả bao nhiêu! Tôi và mẹ cháu rất lo lắng cho đường ruột của cháu. Xin giúp tôi phương pháp nào để trị được bệnh này. Xin cảm ơn. Có điều lạ là da dẻ cháu rất mịn màng và trắng hồng. Cháu cao 1,52m, nặng 49kg.

Chào Anh Chị. Cháu nhà đã có triệu chứng của táo bón mạn tính, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và thể chất. Một số trường hợp táo bón kéo dài có thể có các biến chứng như sa trực tràng, són phân, thay đổi tính tình, v.v… Chị nên xem lại mỗi ngày cháu đã uống đủ ít nhất 2 lít nước chưa. Khuyến khích cháu nên ăn nhiều rau quả. Tăng cường vận động (thể thao, đi bộ). Anh Chị cũng nên hỏi cháu mỗi lần mắc đi cầu thì có thuận tiện đi ngay không, hay cháu ngại gì đó rồi cố nín đến khi thuận tiện chẳng hạn.

Cuối cùng, với tình trạng táo bón kéo dài lâu như vậy, chắc chắn cháu nhà cần phải uống các loại thuốc làm mềm phân mà lactulose là một trong số đó. Chị có thể trao đổi thêm với các bác sĩ nhi để biết liều lượng và cách uống phù hợp để mau chóng có hiệu quả.

Để tham khảo thêm thông tin liên quan đến táo bón ở trẻ em, hãy truy cập www.taobontreem.com.

Rate this post