Ðái dầm do đâu?

Con tôi đã hơn 4 tuổi, nhưng cháu vẫn bị đái dầm thường xuyên. Xin hỏi nguyên nhân và cách chữa?

Lê Thị Tuyết (Thái Bình)

Bạn không nên quá lo lắng, vì việc trẻ dưới 5 tuổi bị chứng đái dầm không phải là hiện tượng bất thường. Đi tiểu là một phản xạ thần kinh, khi bàng quang căng đầy nước tiểu thì hệ thần kinh chỉ huy bàng quang co bóp để tống nước tiểu ra ngoài. Ở trẻ nhỏ, do hệ thần kinh phát triển chưa hoàn thiện, nên nhiều trẻ không phải lúc nào cũng làm chủ được việc đi tiểu, nhất là vào ban đêm dẫn đến đái dầm. Khi lớn lên, thần kinh vững chắc hơn, trẻ sẽ không bị đái dầm lúc đang ngủ nữa.

Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Tuy nhiên, nếu con bạn thường xuyên đái dầm và bạn đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng đó như uống ít nước vào buổi tối, đi tiểu trước khi đi ngủ… bạn nên cho cháu đi kiểm tra chuyên khoa thận-tiết niệu cho yên tâm. Vì ngoài 2 thể tiểu tiện không tự chủ thường gặp là nguyên phát (đái dầm có từ lúc nhỏ, liên tục trong tất cả các đêm, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi) và thứ phát (có thời kỳ không còn đái dầm nhưng sau một thời gian vì lý do nào đó mà tái phát, thường gặp ở lứa tuổi từ 5 đến 12) thì các nguyên nhân sau đây cũng gây đái dầm ở trẻ: khả năng phát triển của bàng quang không tốt, bàng quang quá nhỏ, tâm lý căng thẳng do bị trêu chọc về việc đái dầm, nhiễm khuẩn đường niệu. Cùng với việc điều trị nguyên nhân gây đái dầm ở trẻ, người lớn nên động viên, giúp đỡ trẻ, không nên để cháu có mặc cảm, xấu hổ, nhất là trẻ đã lớn, nhằm tránh căng thẳng thần kinh.

BS. Thanh Lâm

Rate this post