Đối với phần lớn chúng ta, nấu ăn vừa là một trong số những việc nhà phải làm hàng ngày, vừa có thể là một hoạt động thư giãn, là cơ hội để xã giao với người thân và bạn bè trong những dịp hội họp hoặc quây quần bên nhau. Nhưng với một số người khác, nấu ăn chính là một liệu pháp. Liệu pháp nấu ăn bao gồm vô vàn các hoạt động liên quan đến việc nấu nướng và chế biến thức ăn, từ việc trồng rau, chuẩn bị bữa ăn, đi chợ cho đến việc trải nghiệm các món ăn ở nhà hoặc trong nhà hàng. Dưới sự giám sát của một bếp trưởng chuyên nghiệp hoặc một nhà trị liệu, những người tham gia nấu ăn được học hỏi các kiến thức quan trọng về dinh dưỡng và những chế độ ăn lành mạnh, được rèn luyện nhiều kỹ năng liên quan đến việc hình thành một mối quan hệ tích cực giữa bản thân với việc ăn uống.
Liệu pháp nấu ăn là gì?
Theo một báo cáo khoa học được công bố lần đầu trên tạp chí Wall Street Journal, giới bác sĩ tâm lý đã thừa nhận việc nấu ăn và làm bánh như những công cụ mới có thể được ứng dụng để hỗ trợ con người vượt qua những vấn đề tâm lý như trầm cảm và rối loạn âu lo. Các bệnh nhân đi điều trị tâm lý thường là những người gặp khó khăn trong việc quản lý những cảm xúc của chính mình; họ được yêu cầu đăng ký tham gia các lớp học chuyên đề về những kỹ năng nấu ăn và ăn uống lành mạnh. Đây đều là những lớp học trực thuộc các trường dạy nấu ăn có uy tín. Theo báo cáo của các nhà trị liệu, các khóa học này đã giúp bệnh nhân của họ “giảm căng thẳng, xua tan những suy nghĩ tiêu cực và cảm thấy tự tin hơn chỉ nhờ tập trung nấu các món ăn theo sự hướng dẫn của bếp trưởng.”
Patricia DAlessio hướng dẫn cho các học viên cách tự chế biến chế độ ăn bổ dưỡng từ chính những loại thực phẩm mà các em yêu thích
Sau một thời gian dài tìm hiểu và nghiên cứu, các nhà tâm lý học đã khẳng định rằng nấu ăn và làm bánh thuộc nhóm những hoạt động có tác dụng trị liệu, bởi chúng có nhiều đặc điểm tương ứng với khái niệm “kích hoạt hành vi” trong tâm lý học. Những hoạt động này giúp chúng ta làm dịu sự căng thẳng hoặc ưu tư nhờ tính chất “định hướng con người theo một mục tiêu đã được định sẵn và đập tan sự trì hoãn”. Nhờ đó, người tham gia các hoạt động này có cảm giác như mình vừa gặt hái một kết quả thành công và được tưởng thưởng xứng đáng sau khi hoàn thành được mục tiêu. Hiệu ứng tích cực này đặc biệt thể hiện rõ rệt khi những người tham gia lớp học nấu ăn chia sẻ thành quả với nhau.
Mặc dù các nhà khoa học chưa có nhiều công trình nghiên cứu quy mô về tác dụng của việc nấu ăn đối với tinh thần con người, một công trình nghiên cứu gây tiếng vang gần đây vừa giúp khẳng định được rằng các khóa học nấu ăn hay làm bánh giúp người tham gia nâng cao sự tự tin và khả năng tập trung trong công việc. Cuộc nghiên cứu này đã được thực hiện ở Học viện Newport, một trung tâm cai nghiện dành cho thanh thiếu niên ở Bethlehem, bang Connecticut (Mỹ). Các học viên trong đó được yêu cầu tham gia các khóa học làm bánh và nấu ăn như một liệu pháp giúp các em kiểm soát được cơn nghiện cũng như các hành vi của mình một cách hiệu quả hơn. Người bếp trưởng phụ trách các khóa học là Patricia DAlessio; cô hướng dẫn cho các học viên của mình cách tự chế biến và thiết kế ra những chế độ ăn bổ dưỡng từ chính những loại thực phẩm mà các em yêu thích, rồi chỉ cho các em cách làm ra những đĩa thịt nướng thơm ngon như thế nào. Cô DAlessio kể rằng các học viên rất thích thú với khóa học; từ những sự chỉ dẫn ban đầu của cô, các em nhanh chóng thành thạo các kỹ thuật chế biến thức ăn cơ bản và tự sáng tạo ra những khẩu phần ăn của riêng mình, vừa phù hợp với sở thích của chính các em mà vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Mối quan hệ giữa liệu pháp nấu ăn và tâm lý học
Để đạt được hiệu quả trị liệu cao nhất với liệu pháp nấu ăn, các nhà tâm lý học khuyên chúng ta nên tuân thủ những công thức nấu nướng với những thành phần bổ dưỡng đã được kiểm chứng và thừa nhận, và kiểm soát khẩu phần ăn của mình. Bởi nếu không, việc ăn uống quá đà có thể khiến chúng ta thừa cân, để rồi làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. “Rất nhiều bệnh nhân mắc chứng trầm cảm vì những nỗi lo sợ liên quan đến cân nặng và nguy cơ béo phì,” – lời khẳng định của Giáo sư Catana Brown đến từ Trung tâm Y Khoa thuộc Đại học Kansas (Mỹ). Theo một công trình nghiên cứu của tiến sĩ Luppino và các cộng sự được đăng trên tạp chí khoa học JAMA Psychiatry vào năm 2010, nỗi lo thừa cân hoặc béo phì chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng trầm cảm.
Ngoài lưu ý trên, liệu pháp nấu ăn nhìn chung đã được giới tâm lý học công nhận như một công cụ hiệu quả trong việc điều trị nhiều chứng tâm lý khác nhau như rối loạn ăn uống, ADHD, những khiếm khuyết về khả năng nhận thức và học hỏi, chứng tự kỷ, trầm cảm và rối loạn âu lo…
Vì sao việc nấu ăn có thể giúp chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc hơn?
Nấu ăn không chỉ là một công việc hàng ngày, mà nó còn giúp con người đảm bảo sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần và rèn luyện được nhiều kỹ năng cần thiết cho cuộc sống bởi những lý do cụ thể sau:
Việc tự nấu ăn giúp bạn chủ động trong việc làm ra những khẩu phần ăn tốt cho não:
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của não bộ, chúng ta cần đến chất dinh dưỡng, và việc nấu ăn giúp chúng ta đáp ứng được điều này. Ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu khẳng định vai trò của chế độ ăn lành mạnh đối với chất lượng hoạt động của bộ não con người. Một trong những công trình nghiên cứu đó đã được tôn vinh trên trang bìa tạp chí khoa học The Lancet Psychiatry với nhan đề “Ứng dụng Dinh dưỡng Y học trong Tâm thần học.” Nhóm tác giả của cuộc nghiên cứu này – tiến sĩ Jerome Sarris và các cộng sự – đã khám phá ra rằng bộ não con người hoạt động dưới áp lực chuyển hóa rất cao, và quá trình này tiêu thụ một phần rất lớn tổng năng lượng và các chất dinh dưỡng được hấp thụ của toàn bộ cơ thể. Từ đó, nhóm nghiên cứu phát hiện ra một loạt các chất dinh dưỡng có tác dụng tăng cường chất lượng hoạt động của não bộ như; omega-3, chất béo, vitamin B, sắt, kẽm, ma-nhê và các loại amino acid. Một khẩu phần ăn đảm bảo được các chất dinh dưỡng trên sẽ giúp cho bộ não của chúng ta hoạt động hiệu quả và sáng suốt hơn.
Nấu ăn giúp chúng ta cảm thấy vui vẻ và tập trung hơn trong công việc:
Bản thân quá trình nấu ăn chính là liệu pháp tinh thần của mỗi chúng ta. Chuyên gia tâm lý về hôn nhân và gia đình Lisa Bahar khuyên các khách hàng của mình hãy rèn luyện khả năng tập trung trong nhà bếp. Bà dẫn chứng điều này bằng công việc gọt vỏ quýt để làm món salad trái cây như sau: “Bạn bắt đầu công việc bằng việc ngắm nhìn quả quýt: màu sắc bắt mắt, cảm giác nhẵn nhụi hay gồ ghề trên lớp vỏ của nó, và mùi thơm của nó” – Bahar miêu tả. Sau đó, mỗi lần gọt vỏ đến đâu, bạn lại cảm nhận sự thay đổi của quả quýt đến đó, từ mùi hương thơm nồng càng lúc càng rõ ràng hơn sau lớp vỏ, cho đến sự xuất hiện của những tép quýt mọng nước. Cuối cùng, khi quá trình gọt vỏ kết thúc, bạn tưởng thưởng cho bản thân mình bằng chính thành quả là quả quýt thơm lừng đó, tận hưởng từng mùi vị, chất nước và những tép quýt ngon ngọt của nó.
Những khi tập trung như thế, tâm trí bạn không còn khoảng trống để nghĩ về những chuyện buồn trong quá khứ hay âu lo về những vấn đề của tương lai. Chưa kể, những khoảng thời gian được tập trung làm công việc chế biến thức ăn đầy thú vị giúp bạn giảm căng thẳng, cảm thấy khoan khoái và yêu đời hơn.
Nấu ăn giúp khơi nguồn sáng tạo:
Nấu ăn cũng là nghệ thuật, là một hoạt động giúp chúng ta thể hiện sự sáng tạo. Như bếp trưởng DAlesso đã tường thuật, các học viên của cô bắt đầu thích tự sáng tạo ra những bữa ăn của riêng mình với những nguyên liệu do mình tự chọn sau khi đã tiếp nhận những kiến thức và kỹ năng căn bản về nấu ăn. Còn nhà phê bình ẩm thực Ellen Kanner đề xuất chúng ta “hãy tận dụng những gì mình đang có, thay vì phải chạy ra siêu thị mua thật đầy đủ nguyên liệu theo công thức một cách cứng nhắc. Hãy nghĩ đến những hương vị bạn yêu thích, và thử nêm nếm chúng trong nhiều món ăn khác nhau. Những điều này giúp bạn vừa tiết kiệm thời gian, vừa không phải căng thẳng với việc phải nấu sao cho chuẩn, và biến việc nấu ăn thành một trải nghiệm thư thái và đầy ắp niềm vui. Để rồi sau đó, bạn nhận ra rằng mình vừa phát minh ra vài công thức mới vừa ngon lại vừa hợp với khẩu vị bản thân”. Về mặt tâm lý học, đây chính là cảm giác vui vẻ khi chúng ta gặt hái được những thành quả có giá trị – một trải nghiệm cần thiết giúp chúng ta xây dựng và củng cố nhận thức tích cực về bản thân.
Nỗi lo thừa cân hoặc béo phì chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng trầm cảm
Nấu ăn giúp chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn:
Theo các nhà tâm lý học, ăn uống là một trải nghiệm tự thưởng cho bản thân, và nấu ăn cũng vậy. Để biến việc nấu ăn thành những khoảng thời gian mà bạn được vui vẻ và thư thái, hãy cho phép bản thân mình được chơi đùa với các loại thực phẩm và nguyên liệu. Nhà phê bình Kanner nhấn mạnh: “Chẳng ai bảo bạn phải nấu cho đúng công thức A hay nấu cho ngon giống như đầu bếp B trứ danh cả. Hãy nhớ, nấu ăn là phải vui!” Đừng quá cầu toàn về kết quả, mà hãy tận hưởng quá trình bạn được chơi đùa cùng các nguyên liệu và tự tay làm ra những món ăn mình yêu thích.
Nấu ăn giúp kết nối mọi người với nhau:
Việc nấu ăn cùng nhau khơi gợi giao tiếp giữa con người với con người, giúp chúng ta gần gũi và phối hợp với nhau tốt hơn. Theo nhà phê bình Kanner: “Khi bạn và người kia cùng nhau chuẩn bị các món ăn để làm nên bữa tối, điều này giúp cho hai người dẹp bỏ mọi sự khác biệt và xung đột vì mục tiêu chung là một bữa ăn thật ngon lành và chất lượng về mặt dinh dưỡng”. Chẳng hạn, nếu bạn và bạn đời của bạn có khẩu vị hoặc sở thích ăn uống khác nhau, việc nấu ăn cùng nhau chính là cơ hội để hai người học cách tôn trọng và thấu hiểu nhau hơn, để rồi cả hai cùng vui vẻ tìm ra giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề, chẳng hạn như: “Ngày hôm nay em sẽ cùng anh nấu món khoai tây mà anh yêu thích, ngày mai chúng mình sẽ cùng làm món thịt nướng khoái khẩu của em nhé!” – Kanner đề xuất. Khi bạn và người ấy cùng hướng đến mục tiêu chung là một bữa ăn ngon lành, bổ dưỡng và ấm cúng, đây chính là một động lực mạnh mẽ giúp cả hai dần dần học cách giao tiếp với nhau hiệu quả hơn, dung hòa những sự khác biệt và đảm bảo mối quan hệ hòa hợp giữa hai người.
ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN