Chứng tự kỷ hay còn được gọi là những “rối loạn phát triển lan tỏa” là một trong những rối loạn nặng, làm suy yếu chức năng và cản trở cuộc sống nhiều nhất. Thuật ngữ “rối loạn phát triển lan tỏa” bao hàm ý nghĩa là các rối loạn này xuất hiện sớm trong tiến trình phát triển ở trẻ em và dần dần ảnh hưởng một phần hoặc tất cả đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Tại bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hà Tĩnh hơn một năm nay đã mở thêm phòng điều trị chứng tự kỷ cho trẻ, đây là đơn vị đầu tiên tại Hà Tĩnh điều trị căn bệnh này.
Nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ phát hiện muộn
Mỗi ngày bộ phận điều trị tự kỷ, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh có từ 40 đến 50 cháu vào điều trị, trong đó có khoảng 60% trẻ vào trong tình trạng muộn. Có nhiều cháu 4 – 5 tuổi mà chưa biết nói. Điển hình là cháu N, hơn 4 tuổi nhưng vẫn chưa biết nói, cầm bất cứ vật gì cháu cũng cố xoay tròn, thường xuyên chạy. Nhận ra điều này bố mẹ đưa cháu N đi khám tại Hà Nội mới phát hiện con mình bị tự kỷ. Bà của cháu N chia sẻ: “Do công việc của bố mẹ bận rộn nên từ khi cháu vào điều trị bà thường đưa cháu đi. Trước đây cũng do bận nhiều việc nên bố mẹ thuê người giúp việc trông coi cháu. Do người giúp việc vừa làm việc nhà, vừa trông cháu nên cả ngày cháu chỉ biết ngồi chơi với chiếc tivi. Lúc đầu gia đình cứ nghĩ cháu hiếu động nên cho bình thường, nhưng khi đã phát hiện thì lúc đó đã muộn, nên việc chữa trị cho cháu càng khó khăn hơn. Từ khi vào bệnh viện Phục hồi chức năng điều trị được hơn một năm những biểu hiện bất thường đã giảm dần, cháu bắt đầu tập nói được vài từ. Bây giờ hàng ngày, buổi sáng bà đưa cháu đến bệnh viện, chiều đưa cháu đi nhà trẻ để mong sao cháu nhanh chóng chữa được bệnh”.
Còn đối với cháu Thụy, Thị xã Hồng Lĩnh, năm nay cháu 4 tuổi nhưng có một quá trình phát triển ngôn ngữ khác thường. Mẹ cháu sụt sịt kể: “Con tôi lúc nhỏ phát triển rất bình thường, đến 16 tháng tuổi tự dưng cháu biết nói thành câu khoảng 5 đến 6 từ, hay chạy nhảy. Gia đình cứ nghĩ là cháu thông minh, hiếu động nên không đi khám. Nhưng đến gần 3 tuổi, cháu ít chơi, ít nói, ít tiếp xúc với mọi người, đến hơn 3 tuổi thì mất ngôn ngữ. Lúc đó, bố mẹ đưa cháu đi khám mới biết là cháu bị chứng tự kỷ. Từ khi vào điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng đến nay đã hơn 1 năm rồi nhưng chỉ mới bập bẹ nói. Hơn một năm nay, tôi theo con đi chữa bệnh nên hầu như không làm được việc gì, gia đình đã khó khăn nay lại vất vả hơn”.
Cần phát hiện sớm chứng tự kỷ vì tương lai trẻ em
Theo thạc sĩ tâm lý, Chu Thị Hoài, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh: Chứng tự kỷ nếu phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp trẻ phát triển chức năng tốt hơn và cải thiện được cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn thì các hành vi đã định hình, khả năng phục hồi chậm và khó khăn hơn. Hầu hết chứng tự kỷ ở trẻ phát hiện muộn là do nhận thức của phụ huynh còn hạn chế; tâm lý của bố mẹ không chấp nhận con mình bị chứng tự kỷ mà cứ nghĩ là bình thường. Mỗi trẻ bị chứng tự kỷ vào điều trị tại đây đều có các biểu hiện khác nhau, chính vì thế không có phương pháp điều trị chuẩn cho tất cả các trường hợp mà chúng tôi phải dùng nhiều phương pháp về âm ngữ trị liệu và hoạt động trị liệu, các động tác cười, nói, gọi tên, chỉ đồ vật hay chơi trò chơi đều giúp trẻ tăng khả năng phục hồi. Hầu hết những trẻ phát hiện sớm vào điều trị tại Bệnh viện phục hồi chức năng khoảng 3 tháng thì cải thiện được các hành vi, giao tiếp. Tuy nhiên, những trẻ phát hiện muộn trên 3 tuổi thì thời gian điều trị lâu hơn. Việc điều trị cho trẻ tự kỷ phải kiên trì, trẻ điều trị được càng lâu thì khả năng phục hồi, hòa nhập với cộng đồng càng tốt.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Diện, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh: cha mẹ nên dành nhiều thời gian để giao tiếp nói chuyện với trẻ, khi cha mẹ gần gũi, nói chuyện với trẻ, trẻ sẽ quên và mất dần suy nghĩ ngại ngùng, sợ sệt trong giao tiếp; cho trẻ hòa nhập, chơi đùa cùng các trẻ khác, việc khuyến khích và động viên trẻ giao tiếp sẽ giúp trẻ tương tác với xã hội, vượt qua những rào cản. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ xử lý một hành vi nào đó, thường xuyên động viên và khen thưởng mỗi khi trẻ có những biểu hiện tốt.
– Trẻ 6 tháng mà không cười lớn hoặc có biểu hiện vui vẻ hay yêu thương;
– Trẻ 9 tháng mà không phát ra các âm thanh chia sẻ qua lại, cười hoặc những biểu hiện cảm xúc qua nét mặt;
– – Trẻ 12 tháng tuổi nhưng không nói bập bẹ, bi bô, không có những cử chỉ giao tiếp qua lại như: vẫy tay, chỉ chỏ, với đồ chơi, không phản ứng khi người khác gọi tên mình;
– Trẻ 14 tháng tuổi không chỉ vào những đồ vật để chia sẻ hứng thú;
– Đến 16 tháng tuổi nhưng trẻ không nói được từ nào;
– Trẻ 18 tháng tuổi nhưng không chơi trò chơi “giả vờ”(giả vờ cho búp bê ăn);
– Đến 2 tuổi trẻ không nói được câu ngắn nào đáp trả… , cha mẹ nên đưa bé đến các bác sĩ chuyên môn.
Thanh Loan (TTTT Hà Tĩnh)