Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai trên thế giới sau ung thư, đứng hàng đầu về tàn phế ở người trưởng thành. Hàng năm ở Mỹ có khoảng 700.000 – 750.000 bệnh nhân mới và tái phát, chi phí 30 tỉ USD cho điều trị nội trú và phục hồi chức năng. Tại Pháp, 12% số ca tử vong ở người già do nguyên nhân đột quỵ não, đứng hàng đầu trong các nguyên nhân tử vong. Tỉ lệ mới mắc đột quỵ ở Mỹ là 135/100.000 dân, ở Pháp là 145/100.000 dân. Tỉ lệ đột quỵ tính toàn châu Âu, số người bị đột quỵ lần đầu tiên trong khoảng 141-219/100.000 dân. Ở châu Á, theo Hiệp hội Thần kinh các nước Đông Nam Á, tỉ lệ mới mắc đột quỵ não: Nhật Bản từ 340 – 523/100.000 dân; Trung Quốc 219/100.000 dân; Israel 140/100.000 dân; Ấn Độ 13/100.000 dân; Mông Cổ 8/100.000 dân; Sri Lanka 29/100.000 dân; Việt Nam 161/100.000 dân (Lê Đức Hinh, 1998). Dự kiến đến năm 2020, đột quỵ não là một trong bốn bệnh hàng đầu dẫn đến tử vong. Ở Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh đột quỵ não đang gia tăng ở mức đáng lo ngại ở cả hai giới và các lứa tuổi. Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu của đột quỵ não là tăng huyết áp.
Tích cực sử dụng các biện pháp phòng chống thừa cân và béo phì
Các thể đột quỵ não
Đột quỵ não gồm hai thể bệnh chính: chảy máu não và thiếu máu não cục bộ. Theo thống kê, đột quỵ thiếu máu não chiếm khoảng 80 – 85%, đột quỵ chảy máu não chiếm từ 10 – 15%. Quan niệm đột quỵ não chỉ là cách kết thúc cuộc đời của người già nay đã lỗi thời. Từ những năm của thập kỷ 80 trở lại đây, tỉ lệ tử vong ở các nước phát triển đã giảm nhờ chẩn đoán sớm và với các phương tiện hồi sức tích cực, tổ chức thành các đơn vị đột quỵ não cũng như các trung tâm đột quỵ não đã điều trị có hiệu quả bệnh. Mặt khác, nhờ hiểu biết cơ chế bệnh sinh, có các biện pháp chống yếu tố nguy cơ trong cộng đồng có hiệu quả nhất là điều trị bệnh tăng huyết áp, nên tỉ lệ mới mắc ở các nước phát triển đã giảm đáng kể ở Anh, và các nước Bắc Âu. Từ các số liệu của Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra nhận xét: đột quỵ não là bệnh hoàn toàn có thể dự phòng có kết quả bằng các biện pháp mang tính tổng hợp.
Các biện pháp dự phòng đột quỵ não nhằm ba mục đích: phòng ngừa bị bệnh, dự phòng tái phát và điều trị củng cố. Nội dung chính bao gồm:
– Khai thông sớm các trường hợp hẹp động mạch cảnh trong bằng các biện pháp phẫu thuật hoặc can thiệp từ bên ngoài.
– Giảm dần các yếu tố nguy cơ nguyên nhân mạch máu (tăng huyết áp, tăng cholesterol, kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, bỏ hút thuốc lá) để ngăn chặn sự tạo thành các mảng vữa xơ động mạch
– Điều trị chống kết tập tiểu cầu để ngăn chặn sự tạo thành mảng vữa xơ động mạch mới và các biến chứng huyết khối vữa xơ động mạch do đứt vỡ các mảng này.
Các biện pháp phòng ngừa
– Chống tăng huyết áp để làm giảm các biến chứng về tim mạch, thận và tỉ lệ tử vong. Tích cực sử dụng các biện pháp phòng chống thừa cân và béo phì, ăn nhạt, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao. Sử dụng thuốc hạ huyết áp đều đặn và đúng cách theo hướng dẫn của thầy thuốc.
– Cai thuốc lá triệt để vì hút thuốc làm nguy cơ gây vữa xơ động mạch và bệnh mạch vành tăng gấp đôi, nhất là ở những người hút trên 40 điếu mỗi ngày. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: nguy cơ đột quỵ não sẽ dứt hẳn sau một vài năm ngừng hút thuốc lá.
– Điều chỉnh rối loạn lipid máu, trong đó đặc biệt làm giảm cholesterol. Cơ chế sinh bệnh vữa xơ động mạch chưa được hiểu biết hoàn toàn, nhưng tổn thương và hậu quả rối loạn chức năng của các tế bào nội mạc mạch máu là rất sớm. Có nhiều nghiên cứu lớn đã chỉ ra rằng tăng cholesterol là một yết tố nguy cơ độc lập của đột quỵ não.
– Thực hiện chế độ ăn muối và kali hợp lý. Ăn mặn làm tăng huyết áp. Đối với các nước nhiệt đới, chỉ nên giảm muối vừa phải do mất muối qua mồ hôi. Chế độ ăn ít kali làm tăng nguy cơ đột quỵ do tăng huyết áp. Nên bổ sung kali bằng ăn thêm hoa quả và rau tươi. Mức độ ăn kiêng được khuyến cáo chung là không quá 2,4g natri mỗi ngày (tương đương 6g muối ăn natriclorua). Những bệnh nhân tăng huyết áp nếu giảm bớt lượng muối ăn khoảng 40mg/ngày thì sẽ giảm được nguy cơ tăng huyết áp hoặc biến chứng tim mạch.
– Cai rượu, người ta thấy việc sử dụng rượu mức trung bình có thể cải thiện sức khỏe một cách thật sự. Tuy nhiên, một số người nghiện rượu thường gặp phải những biến chứng nặng do lạm dụng rượu. Nghiện rượu nặng (sử dụng nhiều hơn 60g/ngày) tăng nguy cơ đột quỵ. Sử dụng mức độ trung bình (12 – 24g/ngày) giảm nguy cơ đột quỵ. Sử dụng rượu ít hơn 12g/ngày thì nguy cơ thấp nhất. 10g rượu tương đương với 330ml bia hoặc 100ml rượu vang hoặc 30ml rượu mạnh.
Thể dục đều đặn
– Tập thể dục để làm giảm thấp các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Những người đàn ông thường xuyên hoạt động đủ mạnh để ướt đẫm mồ hôi là đã giảm 20% nguy cơ đột quỵ. Tập thể dục mức độ trung bình, chẳng hạn như đi bộ nhanh, đạp xe đạp hoặc bơi lội ít nhất 30 phút/lần/ngày, 5 ngày/tuần là hữu ích. Tập thể dục đều đặn có thể góp phần cải thiện đường máu, giảm tỉ lệ kháng insulin, giảm cân, cải thiện một số thông số lipid, hạn chế tiến triển tổn thương vữa xơ động mạch và cải thiện huyết áp. Tập thể dục có tác dụng làm giảm HA tâm thu, giảm béo phì. Thể dục làm giảm tỉ lệ nhồi máu cơ tim do đó cũng làn giảm tỉ lệ đột quỵ não.
– Chống béo phì, nhất là béo bụng vì đó là nguy cơ lớn nhất của đột quỵ. Về yếu tố nguy cơ của đột quỵ, nghiên cứu sức khỏe dinh dưỡng đã xác định rằng gia tăng chỉ số khối cơ thể = [trọng lượng (kg)] chia cho [chiều cao (m)]2, nếu > 27kg/m2 và tăng cân nặng sau 18 tuổi làm tăng yếu tố nguy cơ của nhồi máu não.
– Chống bệnh đái tháo đường để làm giảm nguy cơ đột quỵ não. Nghiên cứu ở Framinham đã xác định rằng nguy cơ đột quỵ cao hơn trong những bệnh nhân đái tháo đường so với những bệnh nhân không đái tháo đường. Khi một bệnh nhân đái tháo đường bị đột quỵ thì hậu quả hiểm nghèo hơn nhiều so với bệnh nhân không bị đái tháo đường. Lý do của hậu quả này là do bệnh nhân bị đái tháo có vòng tuần hoàn nghèo nàn.
– Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về tim như: rối loạn nhịp (đặc biệt là rung nhĩ), tổn thương van tim, các tổn thương cơ tim đặc biệt là nhồi máu mới, nhồi máu cũ và bệnh lý cơ tim.
– Sử dụng thuốc khi cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.
ThS. HOÀNG KHÁNH TOÀN