Nhắc các mẹ 8 loại thuốc tránh sử dụng cho trẻ từ 2-4 tuổi

Aspirin

Không được cho trẻ uống aspirin hay bất cứ loại thuốc nào chứa aspirin mà không có sự hướng dẫn của bác sỹ. Aspirin là nguyên nhân gây ra hội chứng Reye có thể gây tử vong ở trẻ (một hội chứng nguy hiểm gây sưng tấy trong não và gan).

Hãy đọc kỹ nhãn thuốc (aspirin đôi khi được ghi dưới tên “salicylate” hay “acetylsalicylic acid”) và hỏi ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ nếu bạn không chắc liệu loại thuốc nào đó sắp sử dụng cho trẻ có chứa aspirin hay không.

Trong trường hợp trẻ bị đau và sốt, hãy cho trẻ uống paracetamol hoặc ibuprofen (với liều lượng phù hợp với trẻ nhỏ).

Tuy nhiên, nếu trẻ có dấu hiệu mất nước hay nôn mửa hoặc bị mắc các bệnh như hen phế quản, bệnh thận, viêm loét hay các bệnh mãn tính khác, hãy hỏi bác sỹ trước khi quyết định cho trẻ uống ibuprofen. Đồng thời cũng tham khảo ý kiến thầy thuốc về loại thuốc thay thế nếu trẻ mắc các bệnh về gan.

 

Các loại thuốc ho và thuốc cảm không kê đơn

Hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo không nên sử dụng các loại thuốc ho và thuốc cảm cúm không cần kê đơn cho trẻ nhỏ. Một vài nghiên cứu đã chứng minh những loại thuốc này không thực sự giúp làm giảm các triệu chứng cho trẻ ở độ tuổi mẫu giáo. Đồng thời, chúng có thể có hại nhất là khi bị sử dụng quá liều cho trẻ.

Ngoài những tác dụng phụ như gây buồn ngủ hay mất ngủ, khó chịu ở dạ dày, phát ban và nổi mề đay, trẻ còn có thể gặp phải một số tác dụng phụ nguy hiểm như nhịp tim nhanh, co giật và thậm chí tử vong. Mỗi năm ở Mỹ có hàng ngàn trẻ em phải đi cấp cứu do uống phải quá nhiều thuốc ho và thuốc cảm cúm.

Do đó nếu con bạn bị cảm cúm, nên sử dụng các liệu pháp an toàn như sử dụng thiết bị tạo độ ẩm trong phòng hay các phương pháp điều trị tại nhà thay vì sử dụng thuốc.

Thuốc chống nôn

Không nên cho trẻ sử dụng thuốc chống nôn không kê đơn trừ khi bác sỹ có chỉ định đặc biệt. Phần lớn hiện tượng nôn chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, trẻ thường có thể kiểm soát chúng tốt mà không cần bất kỳ loại thuốc nào.

Ngoài ra, thuốc chống nôn còn gây ra những nguy cơ và biến chứng nguy hiểm. (Nếu con bạn bị nôn và có dấu hiệu mất nước, hãy hỏi ý kiến bác sỹ để có biện pháp xử lý đúng đắn.)

Thuốc dành cho trẻ sơ sinh và cho người lớn

Việc cho trẻ tuổi mẫu giáo sử dụng một liều nhỏ hơn của thuốc dành cho người lớn cũng nguy hiểm như là cho trẻ uống liều cao hơn của thuốc dành cho trẻ sơ sinh. Nhiều bậc cha mẹ không nhận ra rằng loại thuốc giọt dành cho trẻ sơ sinh đậm đặc hơn là dung dịch thuốc uống dành cho trẻ mẫu giáo.

Nếu trên nhãn thuốc không có chỉ định về liều dùng thích hợp theo cân nặng và độ tuổi của trẻ thì bạn không được cho trẻ sử dụng loại thuốc đó.

Thuốc kê riêng cho người khác hay cho một bệnh khác

Những thuốc đã được chỉ định kê cho một cá nhân nào đó (ví dụ anh chị em của trẻ) hay thuốc để điều trị một bệnh nào khác thường không hiệu quả hay thậm chí gây nguy hiểm cho trẻ. Hãy cho trẻ sử dụng loại thuốc được kê riêng và chỉ định riêng cho căn bệnh của con bạn.

Thuốc hết hạn

Hãy loại bỏ những loại thuốc cả kê đơn lẫn không kê đơn khi chúng đã hết hạn. Đồng thời vứt cả những loại thuốc đã bị đổi màu hay bị vỡ – một cách đơn giản là khi thuốc không còn ở trạng thái nguyên vẹn như khi bạn mua ở hiệu thuốc. Sau thời hạn sử dụng, thuốc sẽ không còn tác dụng và thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe.

Nói chung thì không nên vứt thuốc vào trong toilet do chúng có thể gây nhiễm bẩn mạch nước ngầm và nhiễm cả vào nước uống của gia đình. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể gây nguy hiểm cho trẻ đến mức Cục quản lý dược phẩm sẽ yêu cầu loại bỏ chúng trong toilet hơn là sọt rác.

Bạn cũng có thể hỏi dược sỹ về việc liệu khu vực bạn sinh sống có chương trình thu hồi các loại thuốc cũ đã hết hạn hay không.

Nếu thuốc không cần thiết phải vứt trong bồn cầu hay không có chương trình thu hồi thuốc, hãy đổ thuốc hết hạn vào trong một hộp cùng với một loại rác có mùi hơi khó chịu (như bã cà phê) trước khi vứt chúng đi. Không làm bẹp vỡ viên nén hoặc viên nang khi bạn vứt chúng cùng với loại rác khác. Gỡ bỏ các thông tin cá nhân trên hộp trước khi vứt nó đi.

Liều cao paracetamol

Một số loại thuốc sẽ kết hợp cả paracetamol để giúp giảm đau và hạ sốt, do vậy đừng nên cho trẻ uống thêm liều paracetamol khi đã sử dụng các thuốc này. Nếu bạn không biết rõ về thành phần có trong thuốc, không cho trẻ sử dụng paracetamol hay ibuprofen cho tới khi được sự cho phép của bác sỹ hoặc dược sỹ.

Sirô ipecac

Sirô ipecac có tác dụng gây nôn và được sử dụng để điều trị ngộ độc. Tuy nhiên hiện nay các bác sỹ không còn sử dụng loại sirô này chủ yếu là do không có bằng chứng cho thấy việc gây nôn có thể giúp điều trị ngộ độc. Thực tế, loại sirô này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ ví dụ như nếu trẻ tiếp tục bị nôn trong trường hợp sau khi đã sử dụng một thuốc chống ngộ độc khác như than hoạt tính.

Hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo các bậc cha mẹ nên loại bỏ sirô ipecac ra khỏi tủ thuốc gia đình và khuyên rằng cách tốt nhất để phòng tránh ngộ độc là để xa các loại chất độc hại ngoài tầm tay trẻ em.

Cẩn thận với thuốc viên nhai

Các loại viên nhai không cần thiết phải chống chỉ định cho trẻ 100%, tuy nhiên bạn cũng nên xem xét cẩn thận về việc liệu có nên cho trẻ sử dụng hay không và sử dụng khi nào.

Hầu hết trẻ 4 tuổi đều có thể sử dụng được thuốc dạng nhai, nhất là những loại dễ tan. Tuy nhiên hãy hết sức lưu ý khi đưa cho trẻ loại thuốc này đặc biệt khi trẻ không nhai nát viên thuốc hoàn toàn.

Nếu bạn lo ngại về việc thuốc nhai có thể gây hóc cho trẻ, hãy hỏi ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ nếu có thể nghiền nhỏ viên thuốc ra và cho trẻ ăn cùng với những thực phẩm mềm như sữa chua hay sốt táo được hay không. Đồng thời, nếu có thể được hãy đảm bảo trẻ ăn hết thìa thức ăn đó để đạt được đủ liều thuốc.

BS.Thu Nguyệt – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Rate this post