Mẹ tôi 67 tuổi, mắc bệnh tăng huyết áp, được bác sĩ cho dùng thuốc trong đó có thuốc lợi tiểu clorothiazid. Bác sĩ dặn khi dùng thuốc này có nguy cơ bị hạ kali máu. Xin hỏi quý báo, mẹ tôi cần làm gì để phòng ngừa tác dụng không mong muốn này?
Bùi Xuân Hùng (Thái Bình)
Clorothiazid là thuốc lợi tiểu thuộc nhóm thiazid. Vị trí tác động của thuốc này ở ống lượn xa nằm ở vỏ thận làm tăng bài tiết muối, do đó sẽ làm thải nước tiểu, được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp do hiệu quả hạ áp cao hơn các nhóm lợi tiểu khác. Khi dùng thuốc này có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, hạ huyết áp tư thế, loạn nhịp tim, trên da có thể xuất hiện mày đay, nhiễm cảm ánh sáng, nổi ban… Trong đó, tác dụng phụ thường gặp nhất là gây mất nhiều kali do tăng sự bài tiết kali vào trong nước tiểu. Tác dụng có hại này hay gặp ở người bệnh suy chức năng gan, suy tim nặng và người cao tuổi với các biểu hiện yếu cơ, đau, co rút cơ, bụng trướng, táo bón, nôn, buồn nôn, mạch yếu, tiếng tim nhỏ… Mức độ của tác dụng phụ này phụ thuộc vào liều lượng sử dụng nên nguy cơ tác dụng có hại có thể giảm bớt khi giảm liều. Do vậy, trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ lựa chọn liều thích hợp để vừa phát huy được tác dụng chống tăng huyết áp vừa giảm được nguy cơ mất quá mức kali, cũng giảm nguy cơ tăng acid uric máu và giảm nguy cơ tác dụng có hại trong chuyển hóa glucid. Bên cạnh đó, bạn vẫn nên khuyên mẹ sử dụng các thực phẩm và hoa quả có nồng độ kali cao như ngao, cá, khoai tây, chuối, cam, đào, mận… Nếu vẫn không yên tâm về chế độ ăn, bạn nên hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị để mẹ bạn được bổ sung kali đường uống, tránh nguy cơ hạ kali máu.
BS. Nguyễn Văn Liên