Hói đầu – Nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến cao hơn
Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Journal of Clinical Oncology cho thấy, nam giới hói đầu có thể liên quan đến tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến (TLT). Cụ thể, những người đàn ông sớm có dấu hiệu hói đầu hay rụng tóc có thể gia tăng nguy cơ tử vong do ung thư TLT. Việc nghiên cứu được thực hiện trên 4.000 người đàn ông Mỹ trong độ tuổi từ 25 – 74 bị hói đầu từ vừa đến nặng. Kết quả cho thấy, những người đàn ông hói toàn bộ đầu tăng 56% nguy cơ tử vong do ung thư TLT trong khoảng thời gian 21 năm so với những người đàn ông không có dấu hiệu bị hói hay rụng tóc. Những người hói ở mức độ vừa phải nguy cơ mắc bệnh ung thư TLT cao hơn 83% so với những người không hói.
Nam giới bị hói đầu có nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến cao hơn người bình thường.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, có thể do lượng hormon nam như testosteron – là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của bệnh. Dihydrotestosterone (DHT) là một nội tiết tố nam được sản xuất từ testosteron bởi một enzym gọi là 5a reductase. DHT được tìm thấy trong nang lông có liên quan đến rụng tóc. Quá nhiều DHT trong TLT có thể gây ra tình trạng TLT bất thường.
Nam giới thấp bé có nguy cơ đau tim cao
Đây là kết quả rút ra của các nhà khoa học từ Quỹ Tim mạch Anh sau khi tiến hành nghiên cứu gần 200.000 nam giới. Nghiên cứu cho thấy, cứ tăng thêm 5.3cm chiều cao, cơ hội mắc bệnh mạch vành ở nam giảm 13,5%. Nguyên nhân lý giải cho chiều cao thấp bé chủ yếu đến từ chế độ ăn uống và lối sống. Chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng, hút thuốc lá thường xuyên ngăn cản lưu lượng máu trong động mạch, làm tích tụ mảng bám trong não và tim từ đó gây ra những cơn đau tim và đột quỵ.
Không nhìn vào mắt khi nói chuyện – Nguy cơ tự kỷ
Đó là phát hiện từ nghiên cứu kéo dài trong nhiều năm của các nhà khoa học ĐH Yale (Anh) được công bố trên tạp chí Biological Psychiatry. Trong nghiên cứu này, những đứa trẻ 6 tháng tuổi được xem một loạt video trình chiếu các khuôn mặt. Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ đánh dấu mắt để đánh dấu và vẽ lại chính xác những vị trí mà mắt các bé chú ý đến. Khi những đứa trẻ này lên 3 tuổi, chúng được đánh giá lại và chia thành các nhóm dựa trên chẩn đoán rối loạn tự kỷ, các hình thức chậm phát triển khác hoặc phát triển bình thường. Kết quả, trẻ mắc chứng tự kỷ không chỉ ít nhìn vào các khuôn mặt hơn trẻ khác mà khi được giới thiệu một khuôn mặt đang nói, chúng cũng không nhìn vào mắt và miệng của người đó.
Đỏ mặt gay gắt khi uống rượu dễ bị ung thư
Nhiều người mặt đỏ lên vì uống vài chén rượu, nhưng điều này cũng là dấu hiệu của nguy cơ ung thư thực quản. Theo Brooks, tác giả nghiên cứu thì nhờ có enzym trong gan, rượu sẽ được chuyển hóa từ hóa chất acetaldehyde mang tính độc hại – một dạng có thể gây ung thư sang chất acetate vô hại. Những người có phản ứng đỏ bừng mặt có sự thiếu hụt di truyền enzym chuyển hóa rượu ALDH2, có thể dẫn đến sự tích tụ các chất acetaldehyde độc hại. Đỏ mặt là do rượu làm cho mạch máu giãn nở, nhưng chính lúc đó có thể hóa chất độc hại đã tích tụ làm căng mạch máu. Ở một số người, do có hai bản sao của gen thiếu hụt này mà các triệu chứng trở nên nghiêm trọng khiến họ không thể chịu được một giọt rượu nào. Còn những ai chỉ có một bản sao của gen này thường học cách sống chung với tim đập nhanh và mặt đỏ bừng.
Ngáp nhiều – Dấu hiệu bệnh đa xơ cứng
Ngáp là hành động mà chúng ta không thể tự chủ được. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây ngáp. Nhưng ngáp nhiều cũng là dấu hiệu của một hoặc nhiều chứng bệnh như đa xơ cứng, bệnh thoái hóa các thần kinh vận động của cột sống, bị nhiễm phóng xạ, bệnh Parkinson… Ngáp ít hơn bình thường xảy ra trên những người bị chứng tâm thần phân liệt.
Nhóm máu cảnh báo nguy cơ ung thư tuyến tụy
Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Dược Harvard, những người có nhóm máu A, B hay AB có khả năng mắc ung thư tuyến tụy cao hơn 44% so với người có nhóm máu O. Điều này cho thấy, gen quyết định nhóm máu cũng mang theo nguy cơ của bệnh ung thư tuyến tụy.
Minh Huệ
((Theo Cracked))