Sinh non do song thai: Có cách gì phòng ngừa?

Sinh non vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh ở trẻ sơ sinh. Tỉ lệ sinh non ngày càng tăng với sự ra đời và phát triển của hỗ trợ sinh sản do sự gia tăng số trường hợp đa thai. Thống kê cho thấy tỉ lệ sinh non trong song thai có thể đạt gần 50% số trường hợp, trong đó gần 20% sinh non trước 28 tuần và không nuôi sống được trẻ sơ sinh. Bên cạnh hậu quả tử vong, sinh non còn có thể để lại các di chứng lâu dài cho trẻ như chậm phát triển tâm thần vận động và tăng gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Cơ chế sinh non trong song thai vẫn chưa được xác định rõ. Một số giả thuyết cho rằng sự gia tăng áp lực buồng tử cung dẫn đến vỡ ối sớm hoặc tăng áp lực lên cổ tử cung (CTC) suy yếu chính là nguyên nhân chính của sinh non trong song thai. Dựa vào giả thuyết này, các phương pháp hỗ trợ CTC đã được nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp phòng ngừa sinh non hiệu quả đối với các trường hợp song thai. Hai phương pháp kinh điển được nghiên cứu nhiều nhất là khâu CTC và progesterone âm đạo. Gần đây, vòng nâng CTC mới xuất hiện cho thấy cũng có tiềm năng giảm tỉ lệ sinh non và đang được tập trung nghiên cứu.

Khâu CTC

Khâu CTC để dự phòng sinh non trong song thai đã được chứng minh là không có lợi trong một số nghiên cứu, ngay cả với những trường hợp CTC ngắn hoặc có tiền sử sinh non. Mặc dù bằng chứng còn hạn chế, các nghiên cứu hiện tại cho thấy khâu CTC trên song thai không có lợi, ngược lại, có thể đi kèm với gia tăng nguy cơ sẩy thai, thai lưu, sinh non và tử vong chu sinh. Do những tác hại bất lợi này, nhiều tác giả lựa chọn progesterone đặt âm đạo là một phương pháp thay thế với hiệu quả tương đương và an toàn hơn.

Tỷ lệ sinh non ở các trường hợp thai đôi khá cao .

Progesterone đặt âm đạo

Cơ chế tác dụng của progesterone trong dự phòng sinh non vẫn chưa rõ ràng, nhưng có thể progesterone có vai trò trong việc ngăn ngừa cơn co tử cung và sự thay đổi của CTC. Trong các mô hình nghiên cứu trên động vật, progesterone giúp giảm nồng độ oxytocin và giảm tổng hợp prolandin. Tại CTC của những con chuột có thai được sử dụng progesterone có sự gia tăng biểu hiện của các protein defensin 1 (loại protein có tác dụng chống viêm).

Trên nhóm bệnh nhân đơn thai, progesterone đặt âm đạo đã được chứng minh là có hiệu quả dự phòng sinh non tương đương với khâu CTC. Một phân tích gộp (Romero và cộng sự 2012) trên 5 nghiên cứu chất lượng tốt với 775 thai phụ và 827 trẻ sơ sinh cho thấy progesterone đặt âm đạo giảm tỉ lệ sinh non trước 33 tuần và 28 tuần, giảm tỉ lệ suy hô hấp sơ sinh, giảm bệnh suất, tử suất, nhẹ cân, tỉ lệ phải thở máy ở trẻ sơ sinh.

Có 2 dạng progesterone từng được nghiên cứu để làm giảm tỉ lệ sinh non trên sản phụ đơn thai. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều cho thấy dạng progesterone tiêm không có tác dụng. Progesterone dạng vi hạt đặt âm đạo hoặc dạng gel có hiệu quả tương đương. Liều progesterone dạng gel được khuyến cáo là 90-100mg/ngày. Với progesterone dạng vi hạt đặt âm đạo, các nghiên cứu với liều 100mg không tìm thấy hiệu quả. Ngược lại, các nghiên cứu trên liều 200mg đã chứng minh được hiệu quả giảm sinh non của progesterone dạng vi hạt. Vì vậy, giới chuyên môn khuyến cáo đặt progesterone âm đạo dạng vi hạt liều 200mg/ngày hoặc dạng gel 90mg/ngày cho những trường hợp đơn thai có cổ tử cung dưới 25mm xác định bằng siêu âm ở 3 tháng giữa thai kỳ.

Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên song thai chưa tìm thấy được hiệu quả của progesterone đặt âm đạo liều 200mg trong dự phòng sinh non. Cần thêm nghiên cứu so sánh các liều progesterone khác nhau trên song thai và trên từng đối tượng song thai khác nhau (như CTC ngắn) nhằm tìm ra liều phù hợp để dự phòng sinh non nếu có của progesterone trên đối tượng bệnh nhân song thai.

Dụng cụ hay vòng nâng CTC

Dụng cụ nâng cổ tử cung (cervical pessary) cũng được chứng minh là có hiệu quả dự phòng sinh non trong đơn thai. Dụng cụ nâng CTC thường có hình vòng nhẫn, trong đó phổ biến nhất là vòng Arabin, cho nên còn được gọi là vòng nâng CTC hay vòng Arabin. Theo ghi nhận chưa có tác dụng bất lợi nghiêm trọng nào liên quan đến việc sử dụng vòng nâng được báo cáo.

Tuy nhiên, việc sử dụng vòng nâng trên nhóm song thai để phòng ngừa sinh non có thể có hiệu quả, nhưng cần nghiên cứu thêm để chọn lọc đối tượng phù hợp.

Kết luận

Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp phòng ngừa sinh non nào được xác định chắc chắn có hiệu quả trên nhóm bệnh nhân song thai. Khâu CTC có vẻ không có hiệu quả và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với thai kỳ song thai. Tuy nhiên, các nghiên cứu đang được thực hiện với progesterone đặt âm đạo và vòng Arabin hứa hẹn sẽ mang lại cho chúng ta câu trả lời cuối cùng về hiệu quả của hai phương pháp tiềm năng này.

BS. Nguyễn Khánh Linh

Rate this post