5 cách giúp trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh

Do đó, với nhiều bố mẹ, chỉ cần cho trẻ ăn được một chút thôi cũng đã được coi là thành công rồi. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng của Abbott, khi nói đến dinh dưỡng cho trẻ, hướng trẻ đến một thói quen ăn uống lành mạnh mới thực sự là chiến thắng.

Hãy tập cho trẻ thói quen tốt từ sớm

Một chuỗi các nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nhi Khoa, được tài trợ bởi Bộ Y tế và Chăm sóc Con người Hoa Kỳ chỉ ra rằng thói quen ăn uống của trẻ được hình thành từ rất sớm, và bạn cho con ăn uống lành mạnh càng sớm thì càng có lợi cho sức khỏe lâu dài của trẻ. Đặc biệt, dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe, sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Tuy nhiên, trẻ không thể tự học các thói quen ăn uống lành mạnh. Bà Tama Bloch, nhà khoa học thuộc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Abbott cho biết: “Cha mẹ là những hình mẫu vô cùng quan trọng để dạy trẻ thói quen ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên khi bị áp lực về thời gian và sự kiên nhẫn có hạn, cha mẹ nhanh chóng nhượng bộ hoặc không có sự chuẩn bị để đưa ra những lựa chọn lành mạnh. Tuy nhiên, cần dành thời gian rèn cho trẻ khi chúng còn nhỏ, bởi càng lớn, việc này càng khó khăn hơn”.

Dạy cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh là việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể làm được điều đó. Một vài “chiến lược” đơn giản như sau:

Sáng tạo: Chuẩn bị những bữa ăn đa dạng

Bạn càng cho con ăn đa dạng càng tốt. Sự kết hợp thức ăn là vô cùng quan trọng. Nếu trẻ không thích ăn chuối nhưng lại thích ăn bơ đậu phộng, hãy mời trẻ ăn một lát chuối có phết bơ đậu phộng. Đồ chấm ngon hay chỉ một chút pho mai phết lên trên miếng rau cũng có thể khiến con thấy thích thú. Ngoài ra, khi giới thiệu con một món ăn lành mạnh mới, bạn phải đảm bảo rằng trong đó có bao gồm một thứ mà con thích. Bằng cách đó, con sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi ăn món mới.

5 cách giúp trẻ có thói quen ăn uống lành mạnh

Hơn nữa, bằng việc đa dạng các loại thức ăn và thành phần trong một bữa ăn, bạn sẽ đảm bảo được rằng con có được nguồn dinh dưỡng đa dạng, cần thiết cho sự phát triển tối ưu. Nên cho trẻ ăn các loại rau củ, trái cây, ngũ cốc, sữa và các nguồn protein có chất lượng tốt như thịt nạc, các, các loại hạt và trứng.

Hành động: Hãy cho trẻ cảm thấy chúng được chủ động

Bà Bloch cho rằng, bên cạnh việc dạy con tại sao lại quyết định lựa chọn những thực phẩm bổ dưỡng, hãy để trẻ tham gia quá trình đưa ra quyết định, khi đó trẻ sẽ thích ăn những món ăn đó hơn. Hãy thử đưa trẻ cùng đi siêu thị và chọn những loại rau củ, trái cây để thử và thậm chí thử bổ quả dừa làm đôi để trẻ có thể khám phá bên trong. Để con bạn trở thành một phần của quá trình là không thể thiếu trong việc thiết lập những thói quen lâu dài.

Một cách khác để trẻ tham gia vào bữa ăn là hãy cho phép chúng chọn những món đồ như: chén, cốc, thìa… dễ thương, phù hợp với trẻ nhỏ tại cửa hàng.

Kiên nhẫn: Không bỏ cuộc

Khi ăn cùng trẻ, điều quan trọng là cha mẹ cần giữ cho trẻ bình tĩnh và không dùng món tráng miệng như một phần thưởng để trẻ ăn hết thức ăn. Bà Bloch cho biết: “Một nghiên cứu mới tại Đại học Aston chỉ ra rằng sử dụng thức ăn như một phần thưởng trong giai đoạn đầu đời sẽ vô tình dạy cho trẻ dựa vào thức ăn để đối phó với cảm xúc. Do đó, đừng tức giận hay thất vọng. Con bạn không nên cảm thấy mối liên hệ về mặt cảm xúc nào trong bữa ăn cả”. Bà còn khuyên nên áp đặt một quy tắc đơn giản: Con không cần ăn hết cả đĩa thức ăn, nhưng mỗi món con đều phải thử ít nhất một miếng.

Làm gương: Hãy ăn theo cách mà bạn muốn con mình ăn

Nếu bạn muốn trẻ ăn một bữa sáng đầy đủ mỗi ngày trong khi bản thân lại bỏ qua bữa sáng, con bạn sẽ thấy bối rối, không biết có phải “bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày” hay không. Cha mẹ cần cho con thấy rằng mình cũng xem trọng những thói quen dinh dưỡng và mong con làm theo như: ăn uống đầy đủ, ngồi xuống khi ăn và ăn đa dạng các thực phẩm lành mạnh, sẵn sàng thử các món mới, các món ăn khác nhau và thử ăn những món mà họ đã từng không thích trong lần thử đầu tiên. (Rất may là khẩu vị của chúng ta thay đổi theo thời gian).

Đúng lịch: Ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày

Một thời gian biểu có cấu trúc rõ ràng, đều đặn bao gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày sẽ làm cho mọi thứ trở nên quy củ hơn, cung cấp năng lượng cho con bạn đầy đủ hơn và dạy chúng rằng, nếu chúng không ăn trưa thì chúng sẽ phải đợi đến 2 giờ chiều để được ăn bữa phụ. Sẽ không có chuyện ra hàng mua kẹo trong vòng một giờ ngay sau khi từ chối bữa trưa. Bữa ăn không nên kéo dài quá 20 đến 30 phút. Hãy tuân thủ quy tắc đó và đừng từ bỏ. Sau thời gian đó, hãy nói cho con bạn biết khi nào thì đến bữa chính hay bữa phụ tiếp theo.

Cũng cần đảm bảo rằng mỗi bữa chính và bữa phụ luôn cung cấp đầy đủ dưỡng chất với những thức ăn lành mạnh. Đừng nhầm lẫn bữa phụ với việc ăn vặt 2 lần 1 ngày. Bữa phụ cũng cần đóng góp vào tổng lượng dinh dưỡng chung.

 

Dinh dưỡng đúng chính là nền tảng cho sức khỏe tốt, là điều kiện tiên quyết để mọi người ở mọi độ tuổi có thể có cuộc sống trọn vẹn nhất. Chuyên mục “Dinh dưỡng cho cuộc sống trọn vẹn” do Báo Sức khỏe & Đời sống kết hợp với Abbott Việt Nam – công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu thực hiện sẽ giới thiệu những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về dinh dưỡng, những kiến thức hữu ích về thực hành dinh dưỡng trong cuộc sống và điều trị bệnh, bao gồm các chủ đề dinh dưỡng cho phụ nữ; bà mẹ và trẻ em; dinh dưỡng cho người lớn tuổi và người bệnh; dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe.

THANH TRÀ

Rate this post