Câu hỏi: Con gái tôi năm nay lên 7 tuổi, cách đây 3 năm bé mắc căn bệnh hội chứng thận hư kháng Prednisone, hiện nay đi khám thì bệnh đang tiến triển tốt Cách đây 1 năm bé lại nhập viện vì bệnh Viêm tụy cấp cho đến nay đã tái phát 03 lần Lần gần nhất Bác sĩ bv Nhi đồng cho chụp MRI, xét nghiệm tại BV Việt Pháp đang chờ kết quả theo lời bác sĩ giải thích thì con gái tôi cần làm xét nghiệm để loại trừ bệnh do GIEN, do miễn dịch và cái này chỉ là loại trừ vì Tụy không do nguyên nhân. Tôi đang rất hoang mang không biết bệnh của con tôi có chữa được không. Phương án điều trị ntn, nếu do gien thì sao và cách điều trị ra sao. Bệnh có nguy hiểm không… Tôi đang rất mong có 1 Bác sĩ khám và tư vấn kỹ cho tôi vì hàng ngày tôi rất lo sợ bệnh sẽ biến chứng nhưng không biết tìm lời giải đáp ở đâu. Rất mong nhận được sự giúp đỡ. Chân thành cảm ơn.
Trả lời:
BS. Nguyễn Thị Hòa – Bác sĩ đa khoa – Bệnh viện đa khoa Đống Đa, cho biết:
Tuyến tụy là một cơ quan nhỏ bé nằm trong ổ bụng (dân gian thường gọi là lá mía), nhưng lại có vai trò khá quan trọng vì nó tiết ra một số men giúp tiêu hóa các chất đường, đạm và mỡ từ thức ăn. Có ba nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm tụy là di truyền, rối loạn chuyển hóa và siêu vi. Ngoài ra, chấn thương vùng bụng, sỏi mật cũng có thể gây viêm tụy.
Hầu hết các trẻ bị viêm tụy cấp đều bị đau bụng, thường sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ. Trẻ bị đau đột ngột quanh rốn hoặc đau ở vùng trên rốn, tăng dần và đau dữ dội vài giờ sau đó, đau nhiều hơn sau khi ăn.
Nếu bệnh do chuyển hóa và di truyền thì sau khi điều trị vẫn có khả năng tái phát; còn nếu do siêu vi, đa số các bệnh nhi sẽ phục hồi hoàn toàn.
Bệnh viêm tụy trẻ em chia ra làm hai thể cấp tính và mạn tính.
– Ở thể cấp tính, bệnh rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ. Khi viêm tụy cấp tính, trẻ sẽ đau bụng và ói dữ dội (có thể sốt). Triệu chứng đau bụng, ói xảy ra đồng thời.
Bệnh viêm tụy thường xảy ra ở trẻ có độ tuổi từ năm trở lên. Phân biệt với các bệnh lý khác có cùng biểu hiện đau bụng, ói, ở bệnh nhi viêm tụy không kèm tiêu chảy.
Một số bệnh nhi bị giun chui vào ống mật làm tụy hư thì thường nằm cong người lúc ngủ.
Bên cạnh các biểu hiện lâm sàng kể trên, để xác định chính xác trẻ bị viêm tụy, phải nhờ vào các kết quả xét nghiệm máu, siêu âm, chụp CT, thậm chí MRI.
Điểm quan trọng của điều trị viêm tụy cấp là theo dõi sát diễn tiến bệnh và cho bé nhịn ăn trong ba – bốn ngày, để tụy có thời gian hồi phục.
Sau đó, bệnh nhi được bù dịch, có thể phải dùng kháng sinh tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh.
– Thể viêm tụy mạn tính đôi khi bắt nguồn từ viêm tụy cấp tính, nhưng cũng có trường hợp ngay từ đầu đã bị bệnh ở thể mạn tính.
Biểu hiện của viêm tụy mạn tính khá mù mờ, khó nhận biết hơn thể cấp tính rất nhiều.
Đa số các bệnh nhi cảm thấy đau bụng âm ỉ, một số bé bị suy kiệt, suy dinh dưỡng. Một số trường hợp bị tiêu chảy, tiểu đường, đi khám mới phát hiện viêm tụy.
Sau khi điều trị bệnh viêm tụy, thể trạng của trẻ kém. Phụ huynh cần chú trọng về dinh dưỡng cho con.
Cần chú ý đến dinh dưỡng cho trẻ để bồi bổ sức khỏe sau cơn bệnh
Hậu quả của bệnh viêm tụy vô cùng nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời, diễn tiến bệnh sẽ phức tạp (mất nước do nôn ói nhiều, hạ huyết áp, bụng trướng, liệt ruột, hạ canxi máu…), có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh nhi viêm tụy có thể gặp phải các biến chứng như: nhiễm trùng, viêm tụy mạn kéo dài sẽ dẫn tới tụy bị hóa nang.
Viêm tụy là một bệnh lý ít gặp ở trẻ em. Chính vì ít gặp nên các dấu hiệu bệnh thường bị bỏ qua, dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Hy vọng các thông tin trên có ích với bạn!
Chúc bé mau khỏe!
BS. Nguyễn Thị Hòa