Hiện thế giới có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen và xu hướng ngày nay càng gia tăng, 20 vạn người bệnh hen tử vong hằng năm. Ở Việt Nam có 4-5% dân số mắc bệnh hen, đặc biệt mùa xuân trăm hoa đua nở cùng khí hậu lạnh ẩm, khói hương, khói thuốc của dịp lễ Tết là nguy cơ tiềm ẩn phát tác bệnh hen.
Ðiểm mặt kẻ kích hoạt cơn hen
Các tác nhân kích thích phế quản có thể tác động trực tiếp lên cơ trơn phế quản hoặc gián tiếp do giải phóng các trung gian hóa học như: histamin và các yếu tố hoạt hóa tiểu cầu. Các chất này tác động gây co thắt, phù nề, tăng tiết phế quản và hình thành cơn hen. Các tác nhân kích thích được điểm mặt phải kể đến là: nhiễm khuẩn, đặc biệt nhiễm virut đường hô hấp trên; hít phải dị nguyên: bụi nhà, bụi lông gia súc, gia cầm, bụi xác côn trùng, nấm mốc, phấn hoa…; bụi ô nhiễm môi trường; thay đổi thời tiết như độ ẩm và sương mù, đặc biệt khi thời tiết lạnh và khô, hít phải khói thuốc lá, thuốc lào; thuốc aspirin và các thuốc giảm đau không steroid; bệnh nhân làm việc gắng sức; các loại thức ăn: tôm, cua, cá…; tiếp xúc một số muối kim loại, bụi gỗ, hơi xăng dầu…; xúc động mạnh, vui buồn quá độ; thay đổi nội tiết khi thai nghén, kinh nguyệt…
Nhận biết các thể hen để phòng ngừa
Hen ngoại sinh hay hen dị ứng thường khởi phát từ khi còn trẻ, thường kèm với eczema, viêm mũi dị ứng, có tiền sử gia đình bị hen.
Hen nội sinh hay hen nhiễm khuẩn là những trường hợp hen không do dị ứng, thường hen muộn trên 30 tuổi, không có tiền sử gia đình bị hen, triệu chứng dai dẳng, không rõ yếu tố làm bùng nổ cơn hen.
Hen trẻ em: cơn khó thở rít, đặc biệt là khi có nhiễm virut đường hô hấp cấp. Nếu trẻ không có cơ địa dị ứng chỉ bị thở rít khi có nhiễm virut đường hô hấp, khi trẻ lớn hơn, đường thở lớn hơn sẽ tự khỏi. Trường hợp trẻ co cơ địa dị ứng bị khó thở nặng hơn khi có nhiễm virut đường hô hấp, nhưng sẽ bị hen suốt thời kỳ trẻ con và thường kèm theo các bệnh eczema, viêm mũi dị ứng, dị ứng với thức ăn. Cả hai cơ địa trên nếu điều trị tích cực đều có kết quả tốt.
Hen nghề nghiệp: trường hợp bị hen khi tiếp xúc với bụi ô nhiễm do nghề nghiệp như: cao su, mạt cưa gỗ, bánh mì, bông, vải, sợi, lông thú…
Biểu hiện một cơn hen điển hình
Cơn hen thường xảy ra ban đêm, bệnh nhân khó thở cơn chậm, rít, đôi khi có triệu chứng báo trước như hắt hơi, sổ mũi, ho khan, tức ngực; chủ yếu khó thở thì thở ra, cơn nặng bệnh nhân phải ngồi chống tay, há miệng thở, cơn có thể kịch phát hoặc liên tục. Khi gần hết cơn, ho tăng dần, khạc đờm trắng, dính quánh, nếu bội nhiễm thì đờm nhầy, mủ màu vàng hoặc xanh, càng khạc được đờm ra bệnh càng đỡ dần và hết cơn.
Cơn hen kịch phát điển hình: khó thở chậm, rít xuất hiện đột ngột trong vài phút đến hàng giờ, thường là 1 – 3 giờ; Cơn liên tục: khó thở chậm rít, kéo dài từ 4 – 5 giờ đến một vài ngày; Cơn ác tính hen liên tục nặng trên 24 giờ do tắc nghẽn phế quản tận, điều trị bằng thuốc hen thông thường không kết quả, biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, suy tim phải thậm chí tử vong nếu không được xử trí đúng và kịp thời.
Ðiều trị thế nào?
Bệnh nhân hen phải được kiểm soát bởi các thuốc: chống co thắt phế quản như theophylin, salbutamol, ventolin,..; kháng cholinergic. Chống viêm (prednisolon, methyl prednisolon, corticoid); Chống dị ứng: zaditen, các thuốc kháng histamin tổng hợp; Chống bội nhiễm bằng kháng sinh các loại, nhưng tránh dùng các thuốc dễ gây dị ứng như penixilin. Trường hợp cấp cứu, bệnh nhân được cho thở ôxy, khi cần thiết cho thở máy, dùng thêm các thuốc long đờm, giảm ho, truyền dịch, trợ tim mạch, đặc biệt dùng corticoid liều cao.
Những sai lầm thường gặp trong điều trị hen
Bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc cắt cơn khi có triệu chứng mà không điều trị phòng ngừa cơn. Do đó có thể gặp những cơn hen kịch phát nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc cắt cơn còn dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc, càng về sau càng phải tăng liều. Khi cơn cấp xảy ra thường rất nặng.
Bệnh nhân có điều trị dự phòng tuy nhiên không đều đặn. Khi thấy bệnh đã ổn định thường hay ngưng thuốc vì cho rằng không cần thiết hoặc lo ngại tác dụng phụ khi sử dụng kéo dài. Thực chất theo phác đồ của Tổ chức Phòng chống hen Thế giới, thuốc ngừa cơn hen được dùng hằng ngày kể cả khi không còn triệu chứng và ít nhất 3-6 tháng. Không nên ngưng thuốc ngừa cơn đột ngột.
BS. Hoàng Văn Thái