Những cơn ho dai dẳng, ngạt mũi, hắt hơi liên tục từng tràng khiến chất lượng cuộc sống của nhiều người bệnh suy giảm, thậm chí khiến họ hoang mang vì lo lắng mình đã mắc chứng bệnh nan y! Các bác sĩ tai mũi họng cho biết đây là thời điểm rất thuận lợi cho các bệnh lý ở những bộ phận này phát triển, đặc biệt là nguyên nhân do dị ứng, người bệnh sẽ phải chịu những biến chứng nguy hiểm nếu tự ý trở thành thầy thuốc của chính mình.
Tự chữa không khỏi mới đến bệnh viện
Gần 2 tuần nay bỗng nhiên bà Trịnh Thị Th, 62 tuổi (Hà Đông- Hà Nội) mắc chứng ho khan, những cơn ho tăng dần về đêm khiến bà mất ngủ, mệt mỏi, sút cân. Bà nghĩ rằng mình mắc bệnh viêm họng nên tự ý đi mua thuốc về uống. Ban đầu bà uống thuốc ho bổ phế như tivi vẫn quảng cáo nhưng không thấy đỡ, cô dược tá ở cửa hàng thuốc gần nhà khuyên bà nên dùng hẳn loại zinnat 500mg cho mau khỏi. Đáng tiếc là bà Thu đã dùng hết cả vỉ thuốc kháng sinh ngoại “xịn” này nhưng bệnh tình vẫn không biến chuyển mà còn nặng hơn. Nghĩ đến người hàng xóm mới phát hiện bị ung thư phổi khiến bà càng lo lắng và quyết định đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để khám.
Thật may mắn, kết quả khám bệnh của bà Th chỉ là ho do kích ứng. Bác sĩ Khoa tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trong số bệnh nhân có các triệu chứng ho, ngạt mũi kéo dài đến khám, có nhiều người mắc chứng bệnh như của bà Th. Họ thường tự làm thầy thuốc cho mình, tự kê đơn uống thuốc kháng sinh nhưng không thấy đỡ mới đến bệnh viện khám bệnh. Tuy không gây ra những nguy hiểm chết người song chứng ho dai dẳng vì kích ứng với môi trường, thời tiết trong mùa này lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí sự lo lắng về bệnh tật khiến người bệnh có thể mắc chứng trầm cảm.
1001 hậu quả từ những bệnh tưởng như đơn giản
Các bác sĩ hô hấp và tai mũi họng cho biết, thời tiết mùa xuân ẩm ướt rất thuận lợi cho các bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới phát triển. Biểu hiện ho, chảy nước mũi, ngạt mũi, sốt… có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi, trong đó người già và trẻ em là những đối tượng dễ mắc nhất. Khi vi khuẩn, virut mới xâm nhập cơ thể, người bệnh được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ mang lại kết quả tốt. Nhưng nếu người bệnh chủ quan sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là viêm phổi.
Khác với các bệnh mũi họng do vi khuẩn, virut gây ra thường có ho kèm theo chất xuất tiết ở mũi họng và có sốt, thì ho do kích ứng thường ho khan, không có đờm, không sốt nhưng làm người bệnh rất khó chịu. Đây là bệnh thường gặp ở người có cơ địa dị ứng, viêm nhiễm đường hô hấp (trên hoặc dưới) mạn tính, trong đó có một nguyên nhân ít được chú ý là bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Theo ThS. Phạm Huy Tần, do hầu hết các bệnh nhân đến bệnh viện khám sau khi đã tự điều trị nên cùng với những thăm khám cụ thể, hiện nay nhờ có sự hỗ trợ của các phương tiện thăm khám hiện đại như nội soi tai mũi họng, chẩn đoán hình ảnh mà việc chẩn đoán những bệnh lý liên quan đến ho kéo dài được phát hiện sớm và chính xác hơn. Bác sĩ cũng cần phải hỏi kỹ tiền sử, diễn biến bệnh của bệnh nhân, xem họ đã dùng những thuốc gì, thời gian bao lâu, yếu tố nghề nghiệp… thì mới có được những chỉ định điều trị hiệu quả.
Các bác sĩ cho biết, hậu quả của bệnh mũi họng do dị ứng trở nên trầm trọng hơn thường do hiểu biết hạn chế của người bệnh. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là họ lạm dụng thuốc xịt và nhỏ mũi khi ngạt mũi vì thấy tác dụng tức thì, dễ sử dụng. Nhưng trên thực tế thì đây là thuốc được chỉ định rất nghiêm ngặt, có những loại thuốc chỉ được sử dụng không quá 10 ngày. Do chủ quan và không được bác sĩ chỉ định nên người bệnh thường dùng liên miên trong thời gian kéo dài, họ chỉ ngừng thuốc và đi khám khi sử dụng thuốc không đạt hiệu quả. ThS. Tần cho biết, rất nhiều người sử dụng thuốc xịt và nhỏ mũi kéo dài, đến viện khi đã có biến chứng viêm mũi do thuốc, mất khả năng ngửi mùi, mọi thuốc điều trị lúc này không còn đáp ứng, bắt buộc phải có chỉ định điều trị ngạt mũi bằng phẫu thuật.
Những người bệnh cần đặc biệt chú ý Các bác sĩ khuyến cáo, mặc dù không trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng song các chứng bệnh kể trên lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh, chính vì vậy để phòng và giảm thiểu những hậu quả của bệnh, người dân cần giữ ấm, tránh tối đa tiếp xúc với những nguyên nhân gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, bụi, mạt nhà, lông thú nuôi. Khi có dấu hiệu của bệnh cần đi đến các chuyên khoa hô hấp, tai mũi họng hoặc dị ứng để khám và chỉ định điều trị đúng, đồng thời sẽ phân biệt được những nguyên nhân khác gây ra triệu chứng ho kèm theo có dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản, ung thư ở phổi, phế quản, họng, thanh quản… vì vậy người bệnh cần đi khám nội soi tai mũi họng, tiêu hóa, hô hấp… Đặc biệt không nên tự ý trở thành bác sĩ cho chính mình. ThS. Tần – Khoa Tai mũi họng BV Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh đến những đối tượng cần đặc biệt chú ý khi mắc bệnh là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh hen suyễn mạn tính. Những đối tượng này cần được phòng ngừa bệnh chặt chẽ, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, cần môi trường sống trong lành, ít bị ô nhiễm. Riêng phụ nữ có thai nếu bị ho, viêm mũi do dị ứng phải thận trọng khi sử dụng thuốc, trong trường hợp bắt buộc điều trị thì nên lựa chọn các thuốc được bào chế từ thảo dược. |
Lê Hảo