Móng tay, móng chân là một phần phụ của da, được cấu tạo bởi chất sừng có nhiều lưu huỳnh, cứng và có chức năng bảo vệ cho đầu các ngón khi sinh hoạt và làm việc. Cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, móng tay cũng có những bệnh do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm… gây ra.
Bệnh lý móng có thể do các nguyên nhân là chấn thương, biểu hiện của một bệnh da như vẩy nến, bệnh liken, nấm móng, viêm móng…, do nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm, các u tân sinh tại móng và là biểu hiện của bệnh lý toàn thân như biểu hiện của bệnh lý tim mạch, tâm phế mạn, bệnh lý hệ thống như luput đỏ, viêm bì cơ… Xin đề cập tới những bệnh lý về móng thường gặp và cách điều trị, phòng ngừa trong trường hợp mắc bệnh.
Viêm quanh móng tay.
Bệnh nấm móng tay, móng chân
Có hai loại bệnh lý nấm ở móng tay, móng chân thường gặp. Nấm Candida thường hay gây bệnh ở móng tay và gây nên viêm quanh móng mạn tính. Candida là một loại nấm men, thường gây bệnh ở những người làm việc trong môi trường ẩm ướt, tiếp xúc nhiều với thực phẩm, đặc biệt là làm ở cơ sở bánh kẹo, ngày nay hay gặp ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Móng tay bị viêm, kèm theo viêm quanh móng mạn tính, đôi khi có đợt viêm cấp tính, làm quanh móng đỏ, đau và có thể có mủ. Móng tay lâu ngày bị teo, đổi màu có thể có màu vàng, xanh hoặc đen và mặt móng bị sần sùi, bị kẻ vạch. Móng bị dày, đôi khi bị tách ra khỏi nền móng. Một số trường hợp nặng có thể bị áp-xe ở nền móng. Người bệnh có thể bị một hay nhiều móng. Những người có sức đề kháng bình thường thì ít khi bị nhiều móng, nhưng ở người suy giảm miễn dịch thì không những bị tổn thương nhiều móng mà còn bị nhiễm nấm Candida ở niêm mạc miệng, họng và có thể phủ tạng. Điều trị bôi tại chỗ bằng kem lamisil, nizoral… và uống fluconazol, itraconazol. Thường thời gian điều trị khá dài trong nhiều tháng và cần cải thiện môi trường làm việc, vệ sinh thường xuyên các ngón sau khi làm việc.
Nấm móng tay do các loại nấm sợi có biểu hiện khác nấm móng do Candida. Thông thường, nấm gây thương tổn ở bờ tự do của móng hoặc cạnh móng. Móng bị đục, mủn sùi lên và rất dễ gãy. Nấm ăn dần móng từ bờ tự do vào và có thể ăn hết toàn bộ móng. Nhưng may mắn là nấm không gây tổn hại mầm móng nên sau khi khỏi thì móng lại mọc ra bình thường. Nấm móng loại này hay do chủng nấm Trichophyton rubrum gây nên và có thể bị nấm ở da vùng lân cận hoặc vùng da khác trên cơ thể, thường do gãi làm nấm ăn vào móng. Điều trị cũng như đối với nấm Candida.
Viêm móng và quanh móng
Là bệnh rất hay gặp hiện nay. Biểu hiện móng bị mất độ bóng, trở nên sần sùi, quanh móng viêm đỏ, đôi khi nhiễm khuẩn có mủ và đau. Sở dĩ nhiều người mắc bệnh này hiện nay vì đây là bệnh có liên quan rất rõ với viêm da kích ứng do nghề nghiệp phải tiếp xúc với hoá chất. Hay gặp nhất là những người nội trợ phải giặt, rửa chén bát sử dụng các chất tẩy rửa. Thêm vào là bội nhiễm vi khuẩn làm cho bệnh trở nên nặng hơn, người bệnh khó chịu hơn. Người bệnh thấy rõ là bàn tay thuận phải tiếp xúc nhiều thì bị nặng hơn rõ ràng so với bàn tay kia. Vì đặc điểm tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa nên đa số người mắc bệnh là chị em phụ nữ do phải làm các công việc nội trợ. Kèm theo là da bàn tay, ngón tay cũng bị bệnh mà dân gian hay gọi là bị á sừng. Trong trường hợp này, điều đầu tiên là phải hiểu được về bệnh, tránh tiếp xúc với hoá chất, nước bằng cách đi găng tay bảo vệ khi làm việc, chú ý sử dụng găng tay vải bên trong và bên ngoài là găng tay ni lông, không dùng găng tay cao su vì chính cao su cũng gây dị ứng tiếp xúc. Điều trị ngay nhiễm khuẩn nếu có và điều trị viêm da bằng các loại thuốc có corticoid. Bệnh thường dai dẳng, khó điều trị nhưng không phải là không chữa được khi kiên trì chữa và bảo vệ tay thật tốt.
Bệnh móng bị tách.
Bệnh móng bị tách (onycholysis)
Cũng gặp nhiều hiện nay. Bệnh có thể là biểu hiện của móng trong bệnh vẩy nến, nhiễm nấm móng, do thuốc, do tiếp xúc với hoá chất và do chấn thương. Các nguyên nhân gây móng tách do vẩy nến, do nhiễm khuẩn, do nấm thì cần phải điều trị theo phác đồ. Điển hình móng tách do chấn thương hoặc do tiếp xúc hoá chất thì móng bị tách dần, có thể một vài móng và có người bị tất cả 10 móng tay. Móng tay thường trở nên mỏng hơn, có thể bị cong và tách dần khỏi nền móng từ bờ tự do của móng. Bắt đầu thì chỉ bị tách một phần, nhưng lâu dài có thể móng tách khỏi nền móng cho đến tận gốc móng, giữa móng và nền móng khi đó có khe hở rộng, móng trở nên đục và mỏng. Chấn thương trong trường hợp này là do người bệnh phải sử dụng bàn tay làm việc như đánh máy, làm công việc hàng ngày… Điều trị bệnh móng tách phải mất thời gian khá dài và cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi định kỳ. Điều quan trọng là cần phải tránh sang chấn hoặc hóa chất gây móng tách.
PGS.TS. Nguyễn Duy Hưng (Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam)