Viêm gan siêu vi A có thể gây dịch và tử vong do suy gan cấp!

Trong 5 năm qua, San Diego ghi nhận trung bình mỗi năm chỉ 28 ca viêm gan do nhiễm siêu vi viêm gan A (HAV).

Viêm gan siêu vi A do thức ăn hay nước bị ô nhiễm

TS. Wilma Wooten, giám đốc Trung tâm Dịch vụ Y tế Công cộng thuộc Cơ quan Y tế và Dịch vụ Con người của quận San Diego, nói: “Đây là một sự bùng phát của viêm gan siêu vi A với mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy. Hầu hết các trường hợp bị viêm gan siêu vi A đều xảy ra trong cộng đồng những người vô gia cư, sử dụng ma túy bất hợp pháp hoặc kết hợp cả hai”.

Viêm gan siêu vi A thường lây lan khi người ta ăn phải thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm; và  HAV có thể lây truyền từ người sang người thông qua “đường phân – miệng”.

“Về cơ bản, nếu một cá nhân bị HAV và không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh, và sau đó HVA gây viêm gan có thể lây lan hoặc làm ô nhiễm môi trường: tay nắm cửa, máy ATM hoặc bất cứ thứ gì họ chạm vào”, TS Wooten nói. Người khác chạm vào những vật dụng đó, rồi không rửa tay trước khi ăn, hút thuốc hoặc sờ vào khuôn mặt cũng có thể bị nhiễm bệnh.

 

Viêm gan siêu vi A có thể gây dịch và tử vong do suy gan cấp!Siêu vi viêm gan A

 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh  Mỹ (CDC), các triệu chứng viêm gan siêu vi A bao gồm vàng da và mắt, sốt, mệt mỏi, ăn mất ngon, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, nước tiểu sẫm màu, và phân bạc màu. Triệu chứng thường xuất hiện trong một số ngày và kéo dài chưa đầy hai tháng. Tuy nhiên, một số người có thể bị bệnh suốt 6 tháng. Viêm gan siêu vi A đôi khi có thể gây suy gan và thậm chí tử vong. Mặc dù không có phương pháp điều trị đặc biệt, bác sĩ khuyên bệnh nhân bị viêm gan siêu vi A nên nghỉ ngơi, dinh dưỡng và uống nhiều nước. Hầu hết mọi người đều hồi phục hoàn toàn và không bị các tổn thương gan kéo dài.

Viêm gan siêu vi A thường dẫn đến suy gan cấp

Theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, không giống như viêm gan siêu vi B và C, viêm gan siêu vi A không gây ra bệnh gan mạn tính và hiếm khi gây tử vong, nhưng nó có thể gây ra các triệu chứng suy nhược và suy gan cấp, thường dẫn đến tử vong.

Theo ThS.BS. Nguyễn Hiền Minh, phòng khám chuyên khoa Gan (BV. Nguyễn Tri Phương, TP.HCM), viêm gan siêu vi A không thường xuyên gây ra dịch và có xu hướng bùng phát theo chu kỳ. HAV là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của nhiễm trùng do vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo.

Thế giới đã từng ghi nhận dịch bệnh viêm gan này liên quan đến thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm ở Thượng Hải năm 1988, ảnh hưởng tới khoảng 300.000 người. Ở Đông Nam Á, viêm gan siêu vi A thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Một nghiên cứu tiến hành ở Indonesia năm 2014 cho thấy, có những vùng tỉ lệ nhiễm HAV ở trẻ em dưới 4 tuổi lên đến 90 – 100%. Việt Nam cũng là nước có mức độ lưu hành rộng rãi căn bệnh này. Một nghiên cứu thực hiện tại tỉnh An Giang cho biết rằng tỉ lệ nhiễm HAV ở trẻ em là 97%. Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, HAV là nguyên nhân của khoảng 10 – 15% số trường hợp viêm gan cấp.

Ở các nước đang phát triển có điều kiện kém, hầu hết trẻ em (90%) đã bị nhiễm HAV trước 10 tuổi. Trẻ em bị nhiễm như vậy sẽ không gặp bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào; và trẻ lớn hơn và người trưởng thành nói chung được miễn dịch. Tuy nhiên, ở các quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi, và các vùng có điều kiện vệ sinh tốt hơn, trẻ em thường tránh lây nhiễm HAV khi còn thơ ấu, và sẽ không được miễn dịch khi trưởng thành. Những nhóm tuổi lớn hơn thường nhạy cảm hơn với khả năng mắc bệnh viêm gan siêu vi A và có thể dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh.

“Khi nhiễm HAV, sinh lý bệnh tổn thương gan biểu hiện ở sự phá hủy tế bào nhu mô gan và ứ tắc dịch mật. Trên lâm sàng, thời kỳ này tương ứng với thời kỳ toàn phát của bệnh. Thông thường tình trạng cơ thể người bệnh ban đầu khi nhiễm HAV không đặc hiệu nên thường dễ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm hay các bệnh lý nhiễm trùng khác như sốt, ho, nhức đầu, đau mỏi cơ. Sau nhiễm HAV 5 – 7 ngày, bệnh nhân hết sốt, dấu hiệu vàng mắt, vàng da xuất hiện tăng dần, nước tiểu sậm màu và thường diễn tiến kéo dài 2 – 4 tuần. Bệnh viêm gan A cấp tính thường tự khỏi nhưng có khoảng 2% số trường hợp diễn biến nặng, có thể dẫn đến suy gan, hôn mê gan, làm cho người bệnh tử vong”, BS. Hiền Minh giải thích.

Cải thiện vệ sinh, an toàn thực phẩm và tiêm ngừa vắcxin là cách hiệu quả nhất để chống lại viêm gan siêu vi A. Vì thậm chí có một số bệnh nhân không hề có biểu hiện lâm sàng viêm gan siêu vi A cấp tính ra bên ngoài nhưng vẫn là nguồn lây nhiễm bệnh ra cộng đồng. Sự lây lan của viêm gan siêu vi A có thể được giảm thiểu bằng cách: cung cấp đầy đủ nước uống an toàn; xử lý nước thải trong cộng đồng; và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên với nước sạch.

Gần 100% trường hợp sẽ có kháng thể bảo vệ đối với HAV trong vòng 1 tháng sau khi tiêm một liều vắcxin. Thậm chí, một liều vắcxin duy nhất trong vòng 2 tuần sau khi tiếp xúc với HAV cũng có tác dụng bảo vệ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất khuyến cáo nên dùng 2 liều vắcxin để đảm bảo hiệu quả bảo vệ lâu dài khoảng 5 – 8 năm sau khi chủng ngừa.

PHƯƠNG KHÁNH

Rate this post