Các động tác kéo giãn cơ giúp cho khớp duỗi được hết mức khi chuyển động. Ví dụ trong trường hợp bạn chạy bộ, nếu tập kéo giãn cơ trước khi chạy sẽ giúp bước sải chân của bạn dài hơn, cơ sẽ bớt mệt hơn và cơ thể sẽ bớt tiêu hao năng lượng hơn.
Các bài tập kéo giãn cơ sẽ giúp ngăn ngừa chấn thương. Chúng làm cho toàn bộ cơ thể dẻo dai hơn, hạn chế những chấn thương co rút căng cơ hay rách cơ. Ngoài ra, những bài tập kéo giãn đúng và đủ sẽ giúp dây chằng và gân quanh các khớp vững chắc hơn, làm giảm nguy cơ bong gân, rách gân, trật khớp.
Kéo giãn cơ còn giúp cơ mau hồi phục, giảm cảm giác mỏi cơ bắp sau vận động và chơi thể thao do chúng giúp cơ mau đào thải những chất độc và chất thải tích tụ trong bắp cơ trong quá trình vận động thể lực.
Kéo giãn cơ là liệu pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao cho hệ cơ xương khớp và cơ thể. Ảnh: Trần Minh
Kéo giãn cơ còn giúp cơ thể thư giãn, tránh trạng thái cảm xúc mệt mỏi, căng thẳng và chống stress rất hiệu quả.
Những bắp cơ ở trạng thái luôn co cứng sẽ làm cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng. Kéo giãn cơ sẽ giúp chúng ta biết tình trạng cơ của vùng nào đang ở trạng thái co cứng thường xuyên gây đau hay khó chịu.
Ngoài ra, kéo giãn cơ còn giúp chữa được nhiều bệnh đau nhức cơ thể và phòng tránh di chứng do các bệnh lý khớp gây ra.
Mỗi nhóm cơ và khớp có các bài tập kéo giãn cơ thích hợp, các bài tập này có thể áp dụng cho mọi đối tượng từ trẻ em đến người lớn tuổi, từ nhân viên văn phòng, bà nội trợ đến vận động viên chuyên nghiệp. Và chúng có thể được thực hiện mọi lúc mọi nơi, kể cả lúc nghỉ ngơi sau thời gian làm việc căng thẳng, cho đến khởi động làm nóng trước khi chơi thể thao. Sau đây, xin giới thiệu với các bạn 6 tư thế kéo giãn cơ toàn thân dễ thực hiện mà lợi nhiều bề cho sức khỏe:
1. Bài tập kéo giãn của người chạy bộ
A. Bước chân phải lên trước và khuỵu gối xuống, hai tay chạm đất.
B. Hít vào đồng thời khi khuỵu chân phải, sau đó thở ra khi duỗi chân thẳng lên như hình. Chầm chậm trở lại tư thế A ban đầu. Lặp lại 4 lần và đổi chân.
2. Kéo giãn bên ở tư thế đứng
A. Đứng thẳng, hai bàn chân chụm lại và hai tay giơ thẳng qua đầu. Đan hai bàn tay vào nhau với hai ngón trỏ duỗi ra như hình. Hít vào khi thân người vươn thẳng lên trên.
B. Thở ra đồng thời với lúc uốn thân người sang phải tối đa. Hít thở nhẹ nhàng, giữ tư thế trong 10 giây, rồi dần trả lại tư thế trung tính A. Lặp lại động tác uốn sang trái.
3. Treo cúi ra trước
Đứng dang hai bàn chân, gối hơi chùng.
A. Đan hai bàn tay phía sau lưng. Hít vào và duỗi thẳng cánh tay để ưỡn ngực hết mức ra trước.
B. Thở ra và gập hông lưng cúi xuống đến mức hai tay kéo thẳng lên trên. Giữ trong 10 giây.
4. Uốn người ra trước
Bước chân phải về phía trước và khuỵu gối trái thấp xuống sàn nhà (có thể lót gối vải hay khăn dưới gối).
A. Hai tay duỗi thẳng phía trước gối phải, hai ngón cái móc vào nhau, lòng bàn tay song song mặt sàn.
B. Hít vào đồng thời khi duỗi thẳng hai tay ra trước lên qua đầu, kéo căng lưng càng nhiều càng tốt. Giữ yên 10 giây rồi đổi chân.
5. Vặn lưng tư thế ngồi
Ngồi thẳng lưng và duỗi thẳng hai chân trên sàn.
A. Gập gối phải và đặt bàn chân phải qua bên ngoài đùi trái. Chống bàn tay phải lên sàn, các ngón tay xòe ra ngoài. Gập khuỷu trái tì vào mặt ngoài gối phải. Hít vào khi ngồi thẳng lưng.
B. Thở ra khi vặn người, ép khuỷu tay trái tì vào mặt ngoài gối phải, đồng thời ngoái đầu nhìn qua vai bên phải tối đa. Giữ tư thế 10 giây và sau đó từ từ trở lại tư thế trung tính. Đổi bên.
6. Góc tới hạn
Ngồi trên sàn, hai chân duỗi thẳng.
A. Rút gối gập lại và hai lòng bàn chân áp vào nhau, ép hai gối xuống chạm mặt sàn. Hít vào và ưỡn ngực ra trước.
B. Thở ra đồng thời lúc cúi gập người ra trước, lưng vẫn giữ thẳng và hai tay duỗi trườn ra trước mặt sàn. Giữ tư thế 10 giây.
BS. Nguyễn Trọng Anh