Mỗi độ xuân về, một số em thiếu niên thấy mắt ngứa, đỏ, chảy nước mắt và hay tái phát. Khi lộn mi, thấy ở mi mắt có những hạt lớn nằm sát nhau giống như lát sỏi. Ðây là những triệu chứng cần cảnh giác vì có thể các em đã mắc phải một chứng bệnh có tên khá lạ: viêm kết mạc mùa xuân. Bệnh đặc biệt thường chỉ xảy ra ở trẻ nam từ 5 tuổi đến 20 tuổi, rất hiếm khi xảy ra ở người lớn, tần suất cao nhất là 13 tuổi, xảy ra ở những vùng có 4 mùa rõ rệt, khô nóng.
Ðặc điểm của viêm kết mạc mùa xuân
Dị ứng mắt thường xảy ra trên người có cơ địa dị ứng kèm theo các loại bệnh dị ứng khác của cơ thể như: hen phế quản, viêm mũi xoang dị ứng, dị ứng thức ăn, viêm da dị ứng… Khi bị dị ứng, mắt của bạn trở nên nhạy cảm quá mức với một số chất, mặc dù có thể những chất đó không phải là tác nhân gây hại. Ví dụ, bụi được xem là chất vô hại đối với mắt người bình thường, nhưng đối với mắt bệnh, khi gặp bụi, mắt sẽ tiết ra rất nhiều nước và dịch nhầy. Khi một vật lạ (hạt phấn hoa, bụi…) rơi vào mắt, kết hợp với một kháng thể làm vỡ một loại tế bào ở mắt được gọi là dưỡng bào, dưỡng bào này vỡ sẽ làm thoát ra các hoạt chất gây ngứa, đỏ, phù… Dị ứng làm khởi phát một số triệu chứng như viêm kết mạc (đỏ mắt) và hen suyễn. Khi xảy ra đồng thời cả dị ứng mắt và mũi người ta gọi là viêm mũi – kết mạc dị ứng.
Khám mắt cho bệnh nhân để phát hiện bệnh sớm. Ảnh: Trần Minh
Vào mùa xuân hoa nở nhiều, các loại phấn hoa bay tỏa vào không khí, nếu vào mắt người có cơ địa dị ứng sẽ gây nên những triệu chứng bệnh. Bệnh nhân bị đỏ cả hai mắt, ngứa, cảm giác như bị phỏng, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, có ghèn rây, lúc nào cũng muốn lấy tay dụi mắt nhưng càng dụi càng ngứa. Bệnh hay tái phát theo mùa. Khi lộn mi thấy ở mi mắt có những nốt (nhú gai) màu đỏ lớn, đường kính trên 1mm nằm sát nhau, có hình dáng như được lát một lớp sỏi, nhú gai có mạch máu ở đỉnh, hoặc thấy những nốt có màu trắng như sữa ở gần tròng đen.
Hãy làm thử bài trắc nghiệm sau đây để kiểm tra xem bạn có bị dị ứng mắt hay không: Gia đình hay người thân bạn có tiền sử bị dị ứng mắt hay không? Mắt bạn có thường cảm thấy ngứa, đặc biệt là trong mùa xuân (mùa phấn hoa) hay không? Bạn đã từng bị viêm kết mạc bao giờ chưa? Bạn có phải dùng thuốc kháng histamin hoặc thuốc thông mũi để giảm bớt các triệu chứng ho, hắt hơi hoặc sung huyết hay không? Khi có phấn hoa trong không khí bên ngoài, mắt bạn có giảm bớt đỏ ngứa nếu như bạn ở trong môi trường kín có điều hòa ở chế độ bật hay không? Mắt bạn có bị chảy nước khi bạn sử dụng mỹ phẩm hoặc ở gần vùng có hương thơm quá mạnh không? Nếu hầu hết các câu trả lời của bạn là có, rất có thể bạn đã bị dị ứng mắt hoặc là người có cơ địa dị ứng, nên cần cảnh giác với bệnh viêm kết mạc mùa xuân.
Ðiều trị thế nào?
Điều trị viêm kết mạc mùa xuân cũng giống như viêm kết mạc dị ứng khác. Quan trọng nhất là làm sao tìm được dị nguyên và tránh tiếp xúc với nó thì bệnh không thể tái phát được. Bệnh nhân cần đi khám bệnh và dùng thuốc theo đúng chỉ định, không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Thuốc uống và thuốc nhỏ mắt có rất nhiều và cũng đáp ứng rất tốt với bệnh. Trong trường hợp nhẹ hoặc vài lần đầu bị bệnh, ta chỉ nên dùng thuốc nhỏ mắt là đủ. Thuốc nhỏ mắt cũng nên dùng loại tác dụng từ yếu đến mạnh. Vì đôi khi phải điều trị nhiều lần nên ta sẽ đỡ bị tác dụng phụ của những thuốc mạnh. Thuốc uống chỉ dùng khi bệnh nặng và cách dùng cũng theo nguyên tắc trên. Vì là bệnh tái phát thường xuyên nên bệnh nhân cần tuân thủ lời dặn của bác sĩ. Cũng không nên lấy toa thuốc cũ dùng lại vì mỗi thời điểm có thể phải dùng loại thuốc khác nhau. Tuyệt đối không sử dụng mãi một loại thuốc sẽ gây những tác dụng phụ ở mắt. Người bệnh nên nhớ, tác dụng phụ của một số mỹ phẩm hoặc các loại thuốc như thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh cũng có thể gây dị ứng mắt. Một số người bị dị ứng với các chất bảo quản trong thuốc nhỏ mắt. Trong trường hợp này, bạn nên thông báo cho bác sĩ để được chỉ định sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt không chứa chất bảo quản.
Nếu thường xuyên dùng thuốc vẫn không hết, đôi khi phải thay đổi môi trường sống, chẳng hạn như chuyển đến vùng khí hậu ôn hòa, ít ẩm thấp để sống một thời gian. Trường hợp bệnh nặng đã có biến chứng vào giác mạc, cần phải điều trị lâu dài và đúng cách dưới sự chăm sóc của các bác sĩ chuyên khoa.
Phòng bệnh là quan trọng hơn cả
Phương pháp phòng bệnh đơn giản và phổ biến nhất là hạn chế tối đa tiếp xúc với các phần tử gây dị ứng mắt. Nếu bạn cảm thấy ngứa mắt? Giữ môi trường sống của bạn sạch sẽ, hút bụi các ngóc ngách trong ngôi nhà, tạm thời cách li với các loài động vật, giữ thú cưng tránh xa khỏi giường, ghế đệm. Nếu trong không khí có nhiều phấn hoa, nên ở trong nhà nơi có điều hòa. Màng lọc của máy điều hòa nhiệt độ sẽ giúp lọc ra các chất gây dị ứng, nhưng bạn cần thường xuyên làm sạch bộ lọc.
Bạn nên đeo kính mắt ôm sát mặt để hạn chế chất gây dị ứng bay vào mắt. Nên đóng cửa sổ khi lái xe hơi. Năng tập rèn luyện thể lực để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và đẩy lùi các chứng dị ứng.
Trong lúc chờ đợi khám bác sĩ, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp sau đây để giảm bớt khó chịu cho mắt: Ðắp gạc lạnh hay nước đá cho bớt ngứa. Nhỏ các thuốc rửa mắt (nước muối sinh lý 0,9%) hay nước mắt nhân tạo cho trôi hết các phấn hoa hay bụi bặm bám vào mắt. Tránh dụi mắt, nhất là ở trẻ em.
BS. Nguyễn Hiền Thu