Các biện pháp phòng ngừa nắng nóng

Cần chú ý, tất cả các biện pháp điều trị cho các nạn nhân nắng nóng hiện nay đạt được hiệu lực rất thấp. Do vậy, chúng ta không nên mong chờ quá nhiều vào vấn đề điều trị. Các biện pháp khả thi có thể áp dụng để đảm bảo sự an toàn tính mạng đều tập trung vào 2 phương thức là phòng ngừa và cấp cứu.

Chúng ta có thể làm gì được gì đề phòng ngừa các rối loạn do nắng nóng đến phát bỏng giữa mùa hè gay gắt? Biện pháp có nhiều, công việc có nhiều, song để dễ thực hành, dễ nhớ, chúng tôi tạm tóm gọn lại trong 3 nhóm biện pháp cơ bản sau: nhóm biện pháp kỹ thuật, nhóm biện pháp tổ chức và nhóm biện pháp bù nước.

Nhóm biện pháp kỹ thuật là tất cả những biện pháp cải tiến vào khâu kỹ thuật của lao động, sản xuất, sinh hoạt. Mục đích của biện pháp này là cải tạo môi trường, vệ sinh lao động và cải thiện các trang bị bảo hộ cá nhân. Chúng ta có thể làm được rất nhiều việc hữu ích trong nhóm này. Đối với công nhân, người lãnh đạo hãy quan sát nhà xưởng, cần phải tạo thêm nhiều lỗ thông hơi nhằm đảm bảo tính thông thoáng. Giữa nguồn phát nhiệt như lò sấy, lò nung và người làm việc cần có vật thể che chắn nhằm cách ly bức xạ nhiệt với người lao động. Một bức tường chắn là cần thiết giúp khắc phục tình trạng này. Với một số lượng lớn người làm việc trong một công xưởng chật hẹp, có lẽ cần phải tích hợp hệ thống quạt gió thông minh, hệ thống quạt làm mát nhằm lưu thông không khí tốt. Đối với gia đình, trong sinh hoạt, việc trồng thêm thật nhiều cây xanh quanh khu vực sinh sống sẽ cắt giảm tối đa bức xạ nhiệt từ mặt trời. Cũng cần phải tính đến sự thông thoáng của khu vực nhà ở. Có lẽ, cần phải cải tạo mái nhà càng dày càng tốt, đặc biệt có lớp xốp cách nhiệt thì khí hậu khu vực sống sẽ ôn hòa hơn. Bạn có thể sử dụng quạt hơi nước, quạt hơi đá, hệ thống phun sương vào vị trí tiếp xúc nhiều với nhiệt nóng như cửa sổ, cửa nhà thì sẽ làm hạ nhiệt xuống đáng kể. Trong đại bộ phận gia đình, việc bố trí thêm điều hòa cho nhà ở là điều chưa dễ thực hiện được. Vì thế cần biết cách cải tạo nhà ở, sẽ làm cho điều kiện vi khí hậu nắng nóng bớt khắc nghiệt.

Cũng cần tính tới trang bị, quần áo mang mặc trên người. Chất liệu sử dụng phải dễ thấm mồ hôi. Để đạt được như vậy, quần áo càng nhiều chất liệu cotton càng tốt. Làm như thế nào để biết được? Có nhiều cách. Nhưng cách đơn giản mà nhân dân vẫn hay áp dụng đó là đốt thử một vài sợi xơ vải xổ ra. Nếu chúng vón cục lại rắn chắc đó là nhiều tơ nilon, không thấm mồ hôi và rất nóng. Nhưng nếu sau khi đốt, chúng vón cục, bóp vào vỡ vụn ra tựa như tro bếp, thì đó là bộ quần áo lý tưởng để mang mặc. Đừng chỉ đọc vào thông số nhãn mác nhà sản xuất dập trên quần áo, trang bị bảo hộ. Một chiếc mũ rộng vành (kiểu mũ du lịch) đội lên đầu thay cho chiếc mũ lưỡi trai hoặc mũ thời trang thì sẽ rất hữu ích cho nhóm người thích du lịch trên bãi biển. Chiếc mũ này sẽ ngăn cản ánh sáng và bức xạ mặt trời chiếu trực tiếp vào đầu và gáy.

 

Nhóm biện pháp thứ hai là nhóm biện pháp tổ chức làm việc. Tổ chức làm việc ở đây nghĩa là lên kế hoạch làm việc sao cho hợp lý. Hãy tổ chức làm việc vào giờ mát trong ngày, nghỉ lúc nắng nóng. Nếu có thể được, hãy bắt đầu công việc từ lúc 6h sáng và kết thúc lúc 10h. Buổi chiều bắt đầu làm việc từ 14h và kết thúc vào lúc 18h. Như vậy khung giờ nắng gay gắt từ 10h sáng đến 14h chiều đã bị cắt bỏ hoàn toàn.

Nên tổ chức làm theo ca, ai làm ca sáng thì thôi làm ca chiều, nhằm để cơ thể có thời gian hồi phục. Cứ làm việc 4h thì nên có tối thiểu 1h nghỉ ngơi để cơ thể bình ổn lại các rối loạn tạm thời tiềm ẩn bên trong. Điều này đặc biệt ý nghĩa với nhóm người làm các công việc nặng. Với người dân sinh hoạt gia đình, nếu không thật sự cần thiết, không nên di chuyển ở ngoài đường, nhất là đường bê tông và đường nhựa, trong khung giờ từ 11h sáng đến 15h chiều. Nên tìm chỗ tránh nắng, tìm chỗ mát, tìm chỗ bóng râm, cách xa tường bê tông, mặt đường thì sẽ không bị hấp thụ nhiệt từ bức xạ mặt trời rọi xuống.

Nhóm biện pháp thứ ba là nhóm biện pháp bù nước. Thật ra tên gọi đầy đủ của nhóm biện pháp này là nhóm biện pháp dinh dưỡng. Song trong vấn đề nắng nóng, nước và muối là vấn đề quan trọng nhất so với các thành phần dinh dưỡng khác. Một nguyên tắc bất di bất dịch là bù đủ nước, ít nhất 2 lít nước một ngày tương đương với 4 chai nước khoáng thiên nhiên loại 500ml (chai cao chứ không phải chai lùn). Bù nước khi chưa thiếu, uống nước khi chưa khát mới có tác dụng khống chế tác hại của nắng nóng rõ nét. Tác dụng của nước và muối như thế nào, chúng ta sẽ không bàn lại. Điểm cần quan tâm hơn ở đây là uống loại nước nào và uống như nào?

Loại nước tốt nhất để sử dụng là nước đường pha muối. Bạn chỉ cần ra hiệu thuốc mua gói oresol cho người lớn, pha với 1 lít nước, sáng pha chế 2/3 chai coca cola cỡ đại (loại chai 1,5 lít), chiều pha chế 1 chai tương tự thì đã đủ nước cho cả ngày. Loại nước này tốt hơn rất nhiều nước tinh khiết thông thường, nước hoa quả đóng chai hoặc nước ngọt có ga, mặc dù vị của nó không dễ uống. Nó cung cấp nước, muối, đường làm cân bằng hóa rối loạn đầu tiên và rõ nét nhất của các bệnh lý nắng nóng là rối loạn nước và điện giải. Loại nước này cũng làm hết khát nhanh hơn tất cả các loại nước ở trên, kể cả nước đường chanh có đá.

Hãy uống nước đủ từ ngày hôm trước, trước khi bước vào làm việc hãy uống 2 ngụm nước to, tương đương với 150ml nước, hoặc uống 2/3 cốc nước thủy tinh vẫn để uống hàng ngày. Sau đó, cứ định kỳ 1 tiếng thì lại uống 1 cốc như vậy, tương đương với 200ml, mặc dù không khát. Một cốc nước như vậy tương đương với 3 ngụm nước to của người lớn. Làm việc 4h buổi sáng, bạn sẽ uống đủ 0,8 – 1 lít nước hữu ích. Nếu chẳng may bạn quên uống nước trong khi sinh hoạt hoặc khi làm việc. Cũng đừng lo lắng. Hãy uống ngay khi có thể. Uống từ từ, đầu tiên là uống chừng 1 cốc nước, ước chừng 200ml. Sau đó, cứ 15 phút lại uống 1 ngụm to. Uống cho tới khi nào giảm khát, người đỡ mệt, đi tiểu được thì khi đó thành công, thường sau 2h nghỉ ngơi. Nếu trong quá trình làm việc mồ hôi của bạn túa ra, không cần làm gì cả, cũng không nên lấy khăn lau hết mồ hôi đi. Hãy để mồ hôi tự bay hơi, như vậy, mới có giá trị thải nhiệt.

Phòng ngự sâu sắc và cấp cứu chuẩn mực dựa trên nền tảng khoa học sẽ giúp ích rất nhiều trong việc khắc phục thiệt hại do nắng nóng gây ra.

BS. PHÚC HƯNG

(Học viện Quân y)

Rate this post