Để đảm bảo cho người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có được niềm vui trọn vẹn, tránh được các nguy cơ do nắng nóng gây ra, kiểm soát tốt bệnh ĐTĐ thì người bệnh phải biết được các nguy cơ và cách phòng tránh.
Nguy cơ thường gặp
TheoThS. Đỗ Đình Tùng – Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hoá, nguy cơ thường gặp nhất đối với người ĐTĐ là tình trạng mất nước khi thời tiết nắng nóng, nhất là ở những người kiểm soát đường máu không tốt, đường máu cao sẽ làm tăng nguy cơ mất nước. Khi lao động hay thể thao ra mồ hôi nhiều thì thường khát nước, thông thường chúng ta sẽ bổ sung bằng các loại nước giải khát, các loại nước uống liền như các loại nước ngọt Coca, nước uống tăng lực… hoặc nước chanh đường, chè đường… Đối với người bình thường, việc bổ sung các loại nước này không gây hại cho sức khỏe trừ khi uống quá nhiều. Đối với người mắc ĐTĐ thì việc bổ sung một lượng đường lớn như vậy sẽ làm tăng đường máu ngay sau uống, còn nếu uống quá nhiều trong thời gian dài thì việc kiểm soát đường máu sẽ khó khăn.
Người bệnh đái tháo đường bảo quản thuốc trong túi giữ nhiệt khi đi du lịch.
Hiện nay, việc điều trị ĐTĐ không buộc bệnh nhân kiêng đường, có nghĩa là chúng ta có thể uống các loại nước trên với lượng vừa đủ, ít hơn 01 khẩu phần (<25g đường/ngày). Một ví dụ rõ nhất trong 1 lon Coca có khoảng 39g đường/lon; nước uống tăng lực Red bull có 27g đường/lon - uống 1 lon đã vượt quá tiêu chuẩn/ngày.
Một vấn đề thường gặp nữa là khi trời nắng nóng, người mắc ĐTĐ có nguy cơ tăng đường máu hoặc bị hạ đường máu quá mức do tiêu hao năng lượng, do mất nước quá nhiều. Người đi du lịch mùa hè cũng có thể bỏ bữa ăn hoặc ăn uống không đúng giờ, uống thuốc không đúng liều, đôi khi mải vui mà quên uống thuốc.
Ở những bệnh nhân phải tiêm insulin thì vấn đề quan trọng là phải bảo quản insulin khi phải đi xa. Trời nắng, nóng nếu để insulin ở những nơi có ánh nắng trực tiếp rọi vào hoặc nóng quá sẽ làm biến đổi chất lượng thuốc insulin.
Cách nào để phòng tránh nguy cơ?
Để đảm bảo phòng tránh được các nguy cơ trên, ThS. Đỗ Đình Tùng khuyên người bệnh ĐTĐ cần phải tăng cường bổ sung nước, uống nước thường xuyên hơn kể cả khi không thấy khát. Lượng nước bổ sung trong ngày cần phải đủ 2-2,5 lít nước hoặc nhiều hơn nếu có mất nước do luyện tập, lao động dưới trời nắng, nóng.
Cần đặc biệt lưu ý tránh nắng, nóng khi đi ra khỏi nhà bằng việc sử dụng các phương tiện bảo vệ như áo chống nắng, mũ, kính, ô…
Bổ sung muối và khoáng chất: Mồ hôi ra mang theo muối và các khoáng chất trong cơ thể – những chất rất cần thiết và phải được bổ sung ngay. Việc bổ sung có thể dễ dàng bằng cách uống nước có pha ít muối hoặc các loại nước khoáng không đường có sẵn.
Những bệnh nhân cao tuổi mắc ĐTĐ thường không cảm giác được khát nên phải bổ sung đủ nước ngay cả khi không thấy khát.
Khi đi dưới trời nắng, nóng, với bệnh nhân đã có biến chứng thần kinh ngoại vi thì nên nhớ luôn đi giày, đi dép khi đi bộ, không được đi chân trần tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, mặt sân để phòng tránh bỏng nhiệt do bị mất cảm giác bàn chân. Đã có rất nhiều trường hợp bị tổn thương bàn chân (bỏng) do đi chân trần khi phơi thóc hoặc khi đi dã ngoại.
Việc ăn uống đúng giờ, đủ khẩu phần, uống hoặc tiêm thuốc đúng là rất cần thiết đối với người mắc ĐTĐ. Vì vậy, để cuộc vui được trọn vẹn khi đi du lịch thì bản thân người mắc ĐTĐ cũng như các thành viên trong gia đình cần có sự chia sẻ cảm thông, biết được đặc điểm này để có thể sắp xếp thời gian ăn, nghỉ hợp lý, tránh vui quá chén, ăn quá nhiều; người bệnh càng cần phải tuân thủ tuyệt đối đơn thuốc, tránh bỏ thuốc; khi đi xa, cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng về các loại thuốc mang theo, bánh kẹo phòng khi có hạ đường huyết mà chưa đến bữa ăn.
Mùa nắng nóng, insulin thường phải để trong ngăn mát của tủ lạnh, một số loại insulin khi sử dụng có thể để ở nhiệt độ phòng nhưng phải được để nơi mát mẻ, tránh ánh nắng trực tiếp. Khi đi du lịch thì chú ý phải để insulin ở trong một túi cách nhiệt, chống nắng, chống nóng; khi có điều kiện nghỉ ngơi thì có thể bảo quản insulin ở nơi mát, thoáng gió, tránh ánh nắng hoặc giữ ở trong ngăn mát tủ lạnh.
Thu Hà