Quá trình nội soi siêu âm gây mê đường tiêu hóa
Nội soi ống mềm hệ tiêu hóa giúp các nhân viên y tế quan sát và đánh giá được bề mặt của ống tiêu hóa một cách tốt nhất, chính xác nhất nhưng nó không cho phép nhận định sự xâm lấn của các tổn thương cũng như những bất thường nằm ở phía dưới lớp biểu mô phủ.
Hiện nay người ta đã gắn vào đầu của ống nội soi một đầu dò cho phép tiến hành thăm khám bằng siêu âm từ trong lòng ống tiêu hóa và kĩ thuật này được gọi là siêu âm nội soi. Đây là kỹ thuật kết hợp giữa nội soi và siêu âm, trong đó đầu dò siêu âm được áp sát với các tổn thương cần thăm dò qua đường nội soi: tổn thương thành thực quản, dạ dày, ruột, gan, tụy mật. Siêu âm nội soi được coi là một trong những thành tựu quan trọng nhất ở lĩnh vực tiêu hóa trong những năm gần đây.
Nội soi gây mê là một trong những kỹ thuật hiện đại được ứng dụng thường quy tại các trung tâm nội soi và thăm dò chức năng lớn. Trong quá trình nội soi, bác sĩ gây mê sẽ sử dụng thuốc gây mê đường tĩnh mạch (theo liều lượng được tính toán phù hợp với từng người bệnh). Người bệnh sau đó sẽ chìm vào giấc ngủ sinh lý, các bác sĩ và kỹ thuật viên gây mê hồi sức đồng thời theo dõi các dấu hiệu sinh tồn trong toàn bộ cuộc mê cũng như sau gây mê nội soi như: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nồng độ oxy trong máu. Thời gian gây mê phụ thuộc vào thời gian nội soi, thông thường là 25-30 phút cho nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên, lượng thuốc mê rất ít nên không hại đến sức khỏe. Bệnh nhân sẽ tỉnh ngay sau khi kết thúc nội soi siêu âm.
Một ca nội soi gây mê, bác sĩ quan sát kỹ lưỡng các tổn thương trong khi người bệnh chìm trong giấc ngủ.
Là một trong những thủ thuật xâm lấn, phòng nội soi siêu âm gây mê phải được đảm bảo vô trùng tối đa nhất. Bên cạnh đó, cần phải có phòng hồi tỉnh sau soi đầy đủ trang thiết bị cấp cứu để bác sĩ theo dõi và xử trí khi cần. Tại các nơi tiến hành nội soi siêu âm gây mê phải có êkíp bao gồm bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức và kỹ thuật viên gây mê được đào tạo chính quy bài bản.
Khi nào cần nội soi siêu âm?
Người bệnh cần được chỉ định nội soi siêu âm khi cần chẩn đoán bất thường ở dưới niêm mạc của ống tiêu hóa. Thủ thuật này giúp bác sĩ phân biệt một tổn thương ở thành ống tiêu hóa hay từ bên ngoài; đánh giá kích thước và cấu trúc khối u; đánh giá độ lớn của các nếp niêm mạc dạ dày; chẩn đoán giãn tĩnh mạch (varices) ở thực quản và dạ dày.
Nội soi siêu âm cũng cần thiết khi cần chẩn đoán giai đoạn các khối u đường tiêu hóa hay cần chẩn đoán một số bệnh lý của tụy và đường mật như: Đánh giá các giai đoạn ung thư; Xác định vị trí của các u nội tiết; Phát hiện sỏi và và giun trong ống mật chủ.
Nội soi siêu âm đem lại lợi ích trong một số trường hợp khác như: Đánh giá kết quả điều trị giãn tĩnh mạch; Bệnh lý viêm nhiễm đường ruột; Bệnh lý nhu động thực quản; Loét lành tính đang liền sẹo; Đánh giá nguy cơ chảy máu ổ loét; Dẫn lưu nang giả tụy dưới sự hướng dẫn của siêu âm nội soi; Viêm tụy mạn; Chọc hút tế bào kim nhỏ dưới sự hướng dẫn siêu âm nội soi; Chẩn đoán và phân loại ung thư; Phá hủy đám rối thần kinh tạng để giảm đau; Co thắt thực quản.
Cần chuẩn bị gì khi làm nội soi siêu âm?
Khi nội soi siêu âm, người bệnh cần tuân thủ các điều sau đây:
Trước tiên người bệnh cần chuẩn bị tốt tâm lý trước khi soi;
Được giải thích về lợi ích và tai biến của thủ thuật và đồng ý;
Nhịn ăn uống 6 giờ trước soi;
Có người nhà đi cùng;
Người bệnh được uống thuốc chống tạo bọt simethicone trước soi 30 phút.
Ngoài ra, người bệnh không nên có các quyết định quan trọng, không nên vận hành máy móc tàu xe sau khi nội soi siêu âm gây mê 12 tiếng đến 24 tiếng.
Người bệnh đang được nội soi siêu âm gây mê tại trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội bởi giáo sư hàng đầu của thế giới về siêu âm nội soi. (Ảnh tác giả cung cấp)
Biến chứng có thể gặp
Hiện nay nội soi siêu âm không còn thực hiện “sống” mà người bệnh sẽ được vô cảm bằng tiền mê bằng senduxen hoặc midazolam/fentanyl gây mê tĩnh mạch hoặc nội khí quản tùy trường hợp (trừ những trường hợp chống chỉ định tuyệt đối). Phải theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở và thực hiện bởi êkíp gây mê chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, nội soi là một thủ thuật có xâm lấn, với phương pháp truyền thống, người bệnh sẽ có cảm giác đau tức, khó chịu, buồn nôn, kích thích nhiều khiến cho nhu động ruột co thắt, gây khó khăn trong việc quan sát cho bác sĩ và nhiều trường hợp thấy đau họng, đau quặn bụng sau khi nội soi. Rất nhiều người bệnh từ chối kỹ thuật này do bị ám ảnh những lần trước đó hoặc do được mô tả lại, từ đó bỏ lỡ cơ hội phát hiện, điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.
Với kỹ thuật nội soi siêu âm hệ tiêu hóa gây mê đảm bảo vừa có lợi cho người bệnh giúp họ cảm giác thoải mái dễ chịu, họ sẽ chìm vào giấc ngủ sinh lý trong quá trình soi, vừa tạo điều kiện cho bác sĩ có thể quan sát các tổn thương một cách kỹ lưỡng, phát hiện bệnh chuẩn xác hơn dưới nội soi siêu âm. Hơn nữa, đối với bệnh nhân gặp phải các vấn đề về huyết áp và tim mạch thì nội soi gây mê sẽ giúp kiểm soát tốt hơn tình trạng các bệnh lý này.
BS. Trần Nguyễn Nhật