(Tuyết Lan – Long An)
Ở điều kiện sinh lý bình thường, mỗi người trong chúng ta, khi bàng quang chứa đầy nước tiểu từ 300 – 400ml, sẽ gửi tín hiệu lên hệ thần kinh trung ương kiểm soát bàng quang và lập tức cơ vòng bàng quang sẽ giãn ra để nước tiểu thoát ra ngoài. Sau khi tiểu xong, bàng quang xẹp xuống và cơ vòng bàng quang sẽ co lại không cho nước tiểu thoát ra. Ngoài cơ vòng bàng quang tham gia bài tiết nước tiểu, còn có sự phối hợp của cơ bàng quang và sự hỗ trợ của các cơ sàn chậu. Khi quá trình trên bị rối loạn do nhiễm trùng, chấn thương… sẽ gây ra tình trạng trên gọi là tiểu không tự chủ.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tiểu không tự chủ, từ bệnh lý đường tiết niệu như nhiễm trùng đường tiết niệu, bướu hay sỏi bàng quang…; bệnh rối loạn hệ thần kinh trung ương kiểm soát bàng quang do tổn thương não hay tủy sống như bệnh Parkinson, Alzeimer, đột quỵ…; tiểu không tự chủ do stress tạo áp lực, căng thẳng lên bàng quang; do cơ sàn chậu bị suy yếu do tuổi tác, do mang thai…; do bàng quang bị kích thích do bia, rượu, cà phê…; do thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn mang thai hay sau khi sinh hoặc sau thời kỳ mãn kinh…
Về điều trị, cần làm khỏe cơ thắt vùng chậu, thường là bước đầu tiên để kiểm soát tiểu không kiểm soát do tăng áp lực ổ bụng, cần đến nhân viên tập vật lý trị liệu hướng dẫn. Một số bài đặc biệt có thể được áp dụng cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang hay chạy kích thích xung điện. Cần chăm sóc kỹ hơn vùng sinh môn để tránh kích ứng da, tránh rửa và ngâm nước cơ quan sinh dục quá thường xuyên bởi vì những việc này có thể làm mất đi tác dụng của hàng rào bảo vệ chống nhiễm trùng bàng quang. Cần kết hợp tăng cường luyện tập thể dục, thể thao như: đi bộ, bơi lội… tránh béo phì. Thay đổi lối sống như không hút thuốc, tránh các chất kích thích như bia, rượu, cà phê… Tập thói quen đi tiểu đúng giờ..
Việc sử dụng thuốc nhất thiết phải được chỉ định bởi thầy thuốc chuyên khoa. Tùy theo nguyên nhân gây ra tiểu không tự chủ mà bác sĩ có thể chỉ định nhóm thuốc kháng sinh như: nhóm beta-lactamin, quinolon… được sử dụng trong điều trị tiểu không tự chủ do viêm nhiễm đường tiết niệu; nhóm thuốc kháng cholinergicnhư oxybutynin, tolterodin, darifenacin… có tác dụng thư giãn bàng quang nên thường được sử dụng trong điều trị tiểu không tự chủ do thôi thúc; nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòngnhư imipramin, duloxetin… được sử dụng trong điểu trị tiểu không tự chủ do căng thẳng. Một số thuốc khác như Botulinum toxin loại A, tiêm loại độc tố botulinum A này vào cơ bàng quang có thể có lợi những người có bàng quang hoạt động quá mức. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy đây là một liệu pháp đầy hứa hẹn, nhưng Cục Quản lý dược thực phẩm (FDA) chưa phê duyệt cho tiểu không tự chủ.
BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG