(suckhoedoisong.vn) – Bạo lực học đường đang trở thành vấn đề xã hội nguy hiểm, phức tạp và gây bất an trong đời sống nhân dân, trong khi đó các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này vẫn chưa đem lại hiệu quả tích cực…
Tuổi học trò được xem là lứa tuổi tươi đẹp và hồn nhiên nhất. Thế nhưng, thực tế đáng buồn trong xã hội hiện nay đang có một bộ phận không nhỏ những học sinh sẵn sàng dùng vũ lực cho tới những hành động tàn ác mất nhân tính đối với bạn bè cùng trang lứa, thậm chí với cả thày cô giáo, những người đã dạy bảo mình.
Nhức nhối xã hội
“Học sinh trường PTTH dùng dao đâm bạn… Hành hung bạn học ngay giữa sân trường… Ghen tuông vô cớ đâm chết bạn cùng lớp… Đấm thầy giáo vì điểm kém…”. Đây là những thông tin về các vụ học sinh ẩu đả, đâm chém nhau hay học sinh hỗn láo xúc phạm giáo viên được phản ánh trên báo chí thời gian qua. Quả thực những thông tin về tình trạng bạo lực học đường hiện nay đã trở thành quá quen thuộc với xã hội, gần như ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng có một vài thông tin về các vụ việc, vụ án do lứa tuổi còn đang cắp sách tới trường gây ra, khiến dư luận xã hội vô cùng nhức nhối, đau lòng cho nhiều bậc phụ huynh và các nhà quản lí giáo dục.
Tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng. |
Có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra do lứa tuổi học sinh gây ra chỉ vì những lý do vô cùng lãng xẹt, không đâu vào đâu. Trong giờ học thể dục tại Trường THPT ở Quảng Ngãi chỉ vì một học sinh lớp 10 đá bóng văng vào lớp của một học sinh lớp 11 mà xảy ra mẫu thuẫn giữa hai nhóm học sinh khác khối nhau, dẫn tới vụ ẩu đá, đâm chém kinh hoàng giữa hai nhóm học sinh làm một học sinh lớp 10 bị đâm trọng thương và chết trên đường đi cấp cứu.
Không chỉ có sự xích mích, mâu thuẫn và bạo lực xảy ra giữa học sinh nam mà còn không ít những vụ ẩu đả kinh hoàng do nữ sinh gây ra khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Mới đây, một nữ sinh ở trường THPT ở Hà Nội do xích mích với bạn vì bạn vô tình dẫm lên chân mình mà không xin lỗi cũng bị đám bạn kéo nhau, đánh đập, kéo tóc và xé áo làm nhục bạn giữa thanh thiên bạch nhật.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều vụ ẩu đả đầy bạo lực trong học đường còn được một số học sinh quay video clip lại và ngang nhiên đưa lên các mạng xã hội, để khoe khoang “thành tích” bất hảo cuả mình. Gần đây nhất là video clip hành hung bạn gái của nhóm học sinh ở Trường THPT ở Lạng Sơn dài hơn 9 phút được các nữ quái “áo trắng quần xanh” thực hiện và tung lên mạng với nhiều hành động “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” và những lời nói “hàng tôm, hàng cá” được ghi lại trong clip mà nếu chỉ xem qua không xem dòng chú thích thì nhiều người nghĩ đấy là những cảnh trong một bộ phim chưởng Hồng Kông.
Thậm chí, một bộ phận học sinh không chỉ dừng lại ở những vụ ẩu đả, đâm chém lẫn nhau mà nghiêm trọng hơn còn không ít vụ việc, thầy cô giáo bị chính học trò của mình dạy dỗ hành hung ngay tại lớp chỉ vì điểm kém hay trách mắng vì nghịch ngợm. Cùng với đó là nhiều vụ trộm cắp, cướp giật do một số đối tượng trong lứa tuổi học đường gây ra ngày càng gia tăng.
Bỏ ngỏ kỹ năng sống và văn hóa ứng xử
Rõ ràng, hàng loạt vụ án, vụ việc xảy ra có liên quan tới lứa tuổi học đường được phản ánh trong thời gian qua chỉ là một phần nổi của “tảng băng chìm” về tình trạng suy thoái, biến chất về đạo đức của một bộ phận không nhỏ giới trẻ ở tuổi thiếu niên hay vị thành niên hiện nay.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng bạo lực học đường không phải mới nổi lên trong thời gian gần đây mà đã kéo dài vài năm qua, nhưng rất nhiều biện pháp mà Bộ Giáo dục đào tạo, các cơ quan chức năng, hay nhà trường đưa ra vẫn chưa giải quyết ngăn chặn được triệt để mà xem ra vấn đề bức xúc này còn trầm trọng, phức tạp hơn. Dưới góc độ của người làm giáo dục, cũng là một chuyên gia tâm lý, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng bạo lực học đường gia tăng do thiếu sự tôn trọng trong ứng xử giữa bạn bè.
Người nào cũng muốn khẳng định mình, muốn là người chiến thắng và cách thích hợp được lựa chọn là trấn áp bằng vũ lực. Tuy nhiên, theo TS. Lâm về sâu xa, bạo lực học đường ngày càng gia tăng và phức tạp hơn là do trong quá trình giáo dục, cả gia đình và nhà trường chưa tạo cho học sinh những nhận thức đúng về giá trị của văn hóa ứng xử giữa người với người. Kỹ năng sống của học sinh rất kém, các em không có cách giải quyết vấn đề thích hợp mà chủ yếu sống theo bản năng của mình. Cùng với đó vẫn chưa có các biện pháp hay quy định về pháp luật để xử lý kỷ luật đủ mạnh để học sinh biết sợ.
Hơn nữa, sự thiếu quan tâm của bố mẹ, gia đình và người thân, một số bậc phụ huynh cũng vì lo toan cuộc sống mưu sinh mà quên đi việc giáo dục con cái, thậm chí còn gây ra bạo lực trong cuộc sống gia đình, làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý con cái. Cùng với đó là mặt trái của cơ chế thị trường cũng như sự xuống cấp của đạo đức xã hội và sự bùng nổ của internet đã gây ra ảnh xấu đến lứa tuổi thanh thiếu niên. Rất nhiều vụ án, hay bạo lực xảy ra bắt nguồn từ việc các em dành quá nhiều thời gian chơi game bạo lực hay xem phim ảnh thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý.
Trước thực trạng rất đáng lo ngại và báo động về tình trạng học đường, không ít chuyên gia về giáo dục và pháp luật cho rằng, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ thường xuyên và liên tục và nhịp nhàng giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó gia đình giữ vai trò nền tảng quan trọng và luôn đóng góp công sức giáo dục con em.
Các tổ chức đoàn thể cũng cần phối hợp, theo dõi, nắm bắt những chuyển biến trong tâm lý nhận thức của học sinh, nhất là học sinh cá biệt để có biện pháp uốn nắn, xử lý kịp thời những sai phạm nếu có. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh, đặc biệt chú trọng vào các văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác để uốn nắn học sinh. Quan trọng hơn là cần phải có những hình thức kỷ luật thích đáng, coi việc đánh nhau của học sinh là hành vi xâm phạm thân thể người khác và xử nghiêm theo Bộ Luật Hình sự.
Minh Khang