Nghiện game tuổi học đường: Báo động đỏ!

(suckhoedoisong.vn) – Nghiện game là một tình trạng sử dụng quá nhiều thời gian vào các trò chơi trên máy tính gây ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Người bệnh phải chơi game một cách cưỡng bức và tách rời bản thân khỏi gia đình, bạn bè, những mối quan hệ xã hội khác lơ là học tập, tập trung hầu hết thời gian vào việc làm sao để có thể đạt được thành tích cao nhất trong các trò chơi game.

 

Theo Tổ chức Y học Mỹ, người nghiện game có thể sử dụng 2 giờ/ngày hoặc từ 6- 12 giờ/tuần vào việc chơi game. Và theo nhiều nghiên cứu về dịch tễ học trên thế giới thì cứ khoảng 10 người chơi game thì có 1 người nghiện.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Nghiện game gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Có học sinh vì không có tiền chơi game đã đi trộm cắp, giết người, có sinh viên từng là học sinh giỏi, do chơi game đã không thể qua khỏi các kỳ thi, nợ môn và cuối cùng bị nhà trường cho nghỉ học và đến lúc đó gia đình mới biết con mình đã bị nghiện game.

Nghiện game tuy chưa được công nhận và phân loại một cách chính thức trong các bảng phân loại bệnh tâm thần của Mỹ (DSM V) hoặc của Tổ chức Y tế Thế giới nhưng Hội Tâm thần học Mỹ đã coi đây là một rối loạn tâm thần.

Những biểu hiện về tâm lý

Khi nghiện game, trẻ không còn hứng thú học tập để có được kết quả tốt ở trường. Cảm thấy tức giận,  thất vọng, căng thẳng và buồn chán khi không được chơi game, nhất là trường hợp đã bị bệnh lâu ngày. Trẻ thường nghĩ đến buổi chơi game sắp tới và thường mơ ngủ về các trò chơi game.

Trẻ cảm thấy bình tĩnh, thư giãn hoặc hưng phấn khi chơi game.

Trẻ không còn thích thú với những hoạt  động trước kia trẻ vẫn thích.

Cuộc sống hằng ngày bị ảnh hưởng, trẻ dành thời gian cả ngày và đêm để chơi game.

 Hình ảnh não người ngủ đủ giấc (trên) và mất ngủ do chơi game quá mức (dưới) thể hiện ở các điểm sáng tối.

Việc chơi game làm cho trẻ lơ là việc học hành ở trường và bài vở ở nhà, bỏ học để đi chơi, chơi hai ba ngày mới về nhà, ăn luôn tại quán chơi game.

Thiếu sự kiểm soát về thời gian, trẻ ban đầu có ý định chỉ chơi khoảng 15-20 phút nhưng không thể kiểm soát được thời điểm ngừng chơi và thời gian trôi qua mà không hề nghĩ là lại nhanh đến thế và cần phải tăng thời gian chơi nhiều hơn trước để thỏa mãn sự ham muốn.

Ham mê một cách mãnh liệt, tìm mọi cách để có thể được chơi game khi bị cấm: ví dụ trốn nhà đi, ăn trộm cắp để có tiền chơi… chúng tôi đã gặp những ông bố đến tâm sự với bác sĩ, cháu nhà tôi thường trốn học đi chơi, cháu đi chơi vài ngày mới về, ăn, ngủ ở quán internet, đến khi mệt quá kiệt sức mới quay về nhà. Và đã nhiều lần, bố của các em này phải đi tìm hết quán này đến quán kia, phải ngồi theo dõi các em hàng giờ ở lớp học để ngăn cản chúng bỏ học đi chơi điện tử.

Những biểu hiện về cơ thể của nghiện game

Rối loạn giấc ngủ: Nguyên nhân là do não quá bị kích thích bởi những ám ảnh khi chơi game, đặc biệt là trò chơi bạo lực với những biểu hiện như mất ngủ, ác mộng, ngừng thở khi  ngủ…

Lơ là việc vệ sinh cá nhân: trẻ lười tắm giặt, gội đầu, đánh răng mà dành nhiều thời gian vào việc chơi game, mức độ tùy theo sự nặng của bệnh.

Ăn uống kém hoặc ăn uống thất thường: trẻ thường ăn uống qua quýt, ăn những đồ ăn nhanh gọn như mì tôm, sữa, bánh mỳ… là những thức ăn không đủ chất, thậm chí những trường hợp nghiện nặng còn bỏ cả ăn.

Đau đầu: thường gặp chứng đau đầu migrain vì trẻ tập trung vào chơi và phải nhìn vào màn hình quá lâu.

Khô mắt và đỏ mắt.

Đau lưng, đau tay, đau cổ do trẻ phải ngồi quá lâu ở một tư thế.

Hội chứng ống cổ tay: đám dây thần kinh, gân cơ ở giữa cẳng tay và cổ tay sưng lên do cử động quá nhiều khi làm việc với máy tính hoặc sử dụng chuột.

Hậu quả của nghiện game

Hậu quả về xã hội: trẻ ít tham gia vào hoạt động xã hội, không giao tiếp với mọi người dẫn đến bị cô lập và cảm thấy cô đơn, mất bạn bè.

Hậu quả về giáo dục và nghề nghiệp: trẻ học hành giảm sút, bỏ thi, thi trượt, có thể bị lưu ban, bị đuổi học hoặc không thể xin việc được dù đã tốt nghiệp ngành nghề nào đó.

Những hậu quả về tâm lý, cảm xúc: trẻ có thể mắc các chứng trầm cảm, lo âu, mất tự tin, dễ bị kích động, cảm giác có tội lỗi vì không kiểm soát được hành vi chơi game của mình.

Hậu quả về gia đình, tài chính: trẻ không làm công việc trong gia đình, căng thẳng mâu thuẫn phát sinh, tiêu tốn tiền của bố mẹ, trẻ có thể lấy tiền học để chơi game thay vì nộp học phí cho nhà trường…

Mời xem tiếp trên báo SK&ĐS số  176 ra ngày 3/11/2012

 BS. Trịnh Thị Bích Huyền

Rate this post