Vừa qua, trong một thời gian
ngắn trên địa bàn một số tỉnh như Nghệ An, Đồng Nai, Đăk Lăk, Hà Nội, Nam Định,
Quảng Nam và một số tỉnh thành khác liên tục xảy ra tình trạng trẻ đuối nước.
Vì vậy, trẻ đuối nước ở ao, hồ, sông suối đang là vấn đề đáng báo động đối với
gia đình, nhà trường và xã hội, cần có biện pháp phòng ngừa.
Trẻ đuối nước: chuyện khổ
lắm, biết rồi, vẫn phải nhắc lại
Cứ mỗi dịp mùa hè đến, khi
học sinh được nghỉ học, tình trạng trẻ em bị đuối nước lại có chiều hướng gia
tăng. Nhiều vụ đuối nước do trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối không có sự giám sát
của người lớn đã xảy ra một cách thương tâm. Vụ đuối nước vừa xảy ra trên địa
bàn Hà Nội khiến 2 học sinh thiệt mạng là một ví dụ điển hình, rồi đến 8 em học
sinh ở Nam Định bị đuối nước. Người dân khi nghe tiếng kêu cứu đã cứu được 7
em, còn 1 em mất tích mới tìm thấy xác… Ở nước ta, theo thống kê thì tỷ lệ
đuối nước chiếm khá cao trong các loại thương tích ở trẻ, đặc biệt đuối nước
xảy ra vào những tháng các cháu nghỉ hè do ít được quan tâm của gia đình hoặc
nhà trường. Trẻ chết đuối xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ đâu chỉ cần lơ là là
mọi chuyện có thể xảy ra một cách đáng tiếc. Trẻ đuối nước có liên quan đến gia
đình, nhà trường và xã hội cũng như đặc điểm thời tiết khí hậu, địa lý của nước
ta. Đặc biệt, vùng đồng bằng sông Cửu Long nước ta do kênh rạch chằng chịt, mùa
nước nổi, mùa mưa lũ là nguyên nhân gây hiện tượng đuối nước gia tăng, đặc biệt
là trẻ em. Ngoài ra, những gia đình có điều kiện thì vào dịp hè thường cho con
em mình đi tắm biển nhưng nếu thiếu sự kèm cặp của gia đình thì tai nạn đuối
nước cũng luôn rình rập. Ở những vùng miền núi thường có các suối sâu, thậm chí
vực thẳm là những nơi thu hút trẻ đến tắm, rửa, đùa nghịch nên cũng hay xảy ra
đuối nước. Vùng nông thôn, thành thị, đặc biệt là các địa phương đang đô thị
hóa có nhiều ao, hồ mới xuất hiện kích thích sự tò mò trẻ đến tắm, bơi. Một
nguyên nhân cũng thường gặp ở nước ta là một số gia đình vì phải lo mưu sinh
hoặc đông con không kiểm soát được để trẻ tự do bơi lội dẫn đến đuối nước một
cách bất ngờ.
Hà hơi thổi ngạt cấp cứu trẻ
bị đuối nước. |
Cần phải làm gì?
Bất kỳ ai nếu thấy có người
bị đuối nước cần kêu gọi mọi người cùng giúp sức để nhanh chóng đưa người đuối
nước lên bờ càng nhanh càng tốt. Nếu người không biết bơi mà nước sâu thì cần
phải hết sức cẩn thận, nếu vội vàng nhảy xuống để cứu người bị đuối nước, đôi
khi ngay cả bản thân mình cũng không thoát ra được. Trong trường hợp này nếu có
một chiếc sào, gậy hoặc sợi dây dài quẳng ra vị trí người đuối nước đang chơi
vơi để họ bám vào rồi kéo thật nhanh đưa lên bờ. Nếu người biết bơi thì nhanh
chóng xuống nước để kéo người bị hại lên bờ (nắm tóc, áo, quần, tay, chân …).
Khi đã lên khỏi mặt nước thì
cần tát vào má nạn nhân vài tát để gây phản xạ hồi tỉnh. Ngay sau đó cần nhanh
chóng đưa nạn nhân lên bờ hay lên thuyền, đặt nạn nhân đầu nghiêng sang một bên
cho nước trong miệng, họng, phổi chảy ra. Tại đây cần cởi quần áo ướt của nạn nhân
rồi hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt càng nhanh càng tốt (nếu có người khác hỗ
trợ thì càng thuận lợi). Nên nhớ rằng cấp cứu ban đầu là hết sức quan trọng,
chạy đua với tử thần. Tiến hành bằng cách dùng hai ngón tay (ngón cái và ngón
trỏ) bịt mũi nạn nhân và hà hơi trực tiếp vào miệng, đồng thời dùng gạc, khăn
móc hết đờm, dãi trong mồm để khai thông đường thở.
Nếu sờ tay vào động mạch cổ thấy không đập thì
phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực bằng cách dùng hai tay chồng lên nhau rồi đặt
lên lồng ngực ép lồng ngực. Nếu chỉ có một người làm cấp cứu thì cứ 2- 3 lần hà
hơi thì ép lồng ngực 10 – 15 nhịp. Trong trường hợp có 2 người cùng cấp cứu thì
một người hà hơi, người kia xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Phải kiên trì thực
hiện cho đến khi nạn nhân thở được, mạch đập trở lại. Khi thấy nạn nhân đã
tỉnh, thở được, mạch đập trở lại thì kê cao vùng vai bệnh nhân để đề phòng ngạt
trở lại do đờm, dãi, chất nôn gây ra. Chỉ được ngừng hô hấp nhân tạo và xoa bóp
tim ngoài lồng ngực khi đã sau hai giờ mà không thấy hy vọng gì. Ngược lại, khi
hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực có kết quả thì khẩn trương gọi
xe cấp cứu ngay để cùng hỗ trợ và chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời khi
nạn nhân tỉnh lại.
Biện pháp phòng đuối nước
Trong kỳ nghỉ hè nếu không có
sự giám sát của gia đình thì nguy cơ đuối nước luôn rình rập các em. Trong thời
gian này, việc giáo dục trẻ và ngăn chặn không để trẻ tắm sông, suối, ao, hồ
gây đuối nước càng trở nên cấp bách. Cần tuyên truyền rộng khắp cho toàn dân
những vùng có nguy cơ cao đuối nước để tuân thủ các nguyên tắc phòng đuối nước
như cấm trẻ chơi đùa, tắm ở vùng ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch mà không có
người lớn kèm cặp.
ThS. BS. Mai Hương