Mùa hè đến cũng là lúc mà câu chuyện về sự thiếu hụt các sân chơi công cộng cho trẻ em lại nóng lên. Tại nhiều khu đô thị ở Hà Nội, dù đã có quy hoạch khu vui chơi, thậm chí là đã xây dựng các khu vui chơi, song các diện tích này lại đang bị chiếm dụng để phục vụ mục đích khác.
Thay vì ra ngoài vui chơi, nhiều trẻ em tại không ít các khu đô thị, chung cư đang bắt đầu kỳ nghỉ hè trước màn hình tivi, máy tính, trò game, trong khi đó, phần đất được quy hoạch là khu vui chơi của khu chung cư, đô thị này lại đang được sử dụng để phục vụ cho mục đích khác. Đơn cử như tại cụm chung cư CT3, khu đô thị Mỹ Đình 2, Hà Nội, trong quy hoạch của khu có khu vui chơi giải trí cho người già và trẻ em rất rộng nhưng không hiểu vì lý do gì mà từ trước năm 2010 đến giờ, khu vui chơi lại bị biến thành nhà hàng (?!). Đây chỉ là một trong rất nhiều khu chung cư kể cả cũ và mới xây dựng đang trong tình trạng bị chiếm dụng khu vui chơi, sinh hoạt cho trẻ em để phục vụ mục đích kinh doanh.
Cần phải nhấn mạnh rằng, trong quy hoạch phát triển đô thị từ trước tới nay, diện tích dành cho khu vui chơi công cộng là một tiêu chí bắt buộc phải thực hiện đối với tất cả các chủ đầu tư. Thế nhưng thực tế, chỉ cần dạo quanh một vòng các khu đô thị tại Hà Nội, không khó để chứng kiến cảnh các khu vui chơi, vườn hoa bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe hoặc các điểm bán hàng. Không có khu vui chơi dành cho lứa tuổi của mình, điều dễ hiểu là trẻ em sẽ tìm tới những nơi không đảm bảo an toàn hay những thú vui thiếu lành mạnh khác.
Theo các chuyên gia xây dựng, khi xây dựng các khu chung cư, chúng ta có quy hoạch và thiết kế đầy đủ sân chơi dành cho trẻ em và sinh hoạt cộng đồng, nhưng tại sao khi xây dựng xong và đi vào hoạt động thì các khu đất làm sân chơi lại không còn là điểm vui chơi nữa? Nó được chuyển đổi sang mục đích khác? Ở đây cần phải xem lại trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương. Đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cũng thừa nhận sự quan ngại về tình trạng thiếu hụt sân chơi hiện tại vì theo qui hoạch, diện tích cây xanh tối thiểu tại Hà Nội là 1m2/người. Song thực tế, con số này chỉ đạt 1/25 so với tiêu chuẩn.
Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta đã đặt ra tiêu chuẩn ở mức tối thiểu so với các quốc gia trong khu vực, thế nhưng thực tế là các công trình về sân chơi công cộng cho trẻ con cũng như người già đang rất thiếu, ví dụ có những khu dân cư 17.000 người nhưng chỉ có một sân chơi khoảng 30m2 cho các cháu thì đấy là một sự báo động rất lớn cho Hà Nội chúng ta về vấn đề sân chơi cho trẻ con. Thậm chí có nơi sân chơi cũng bị chiếm dụng làm việc khác.
Ở thời điểm hiện tại, để xây dựng một công viên mới, một khu vui chơi dành cho toàn thành phố sẽ đòi hỏi nguồn vốn rất lớn từ ngân sách. Chính vì vậy, với cơ sở là các khu vui chơi sẵn có nằm trong các khu đô thị, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định là cần phải có sự chấn chỉnh ngay từ bây giờ, chấm dứt tình trạng chiếm dụng sân chơi tại các khu đô thị để trả lại cho trẻ em những điểm vui chơi phù hợp với lứa tuổi. Ở đây đòi hỏi ý thức và sự vào cuộc quyết liệt của chính người dân, chính quyền địa phương, có như thế mới trả lại chỗ vui chơi cho các em, cho cộng đồng, từ đó giảm thiểu những tai nạn, rủi ro đáng tiếc đối với trẻ em khi các em vì thiếu sân chơi tìm đến những nơi nguy hiểm, không có sự quản lý của người lớn để chơi trong những ngày hè.
Huyền Minh