Ca bệnh thứ nhất: sản phụ băng huyết sau sinh
Theo đó, vào tối 26/10, sản phụ Lang Thị Đào 41 tuổi đang mang thai ở tuần thứ 25 của thai kỳ thì chị Đào xuất hiện dấu hiệu ra máu âm đạo, dọa sinh non, bụng nhiều dịch, chướng to. Sản phụ được theo dõi tại 1 cơ sở y tế tại TP Vinh, nhưng nguyên nhân băng huyết của sản phụ không được chẩn đoán chính xác. Nhanh chóng được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với kinh nghiệm xử trí nhiều ca bệnh khó, các bác sỹ xác định ban đầu bệnh nhân bị rau tiền đạo trên vết mổ đẻ cũ. 20h, sản phụ được chuyển mổ tối khẩn với chẩn đoán vỡ tử cung.
Ngay khi bộc lộ vết mổ, ổ bụng sản phụ ngập tràn 2 lít máu tươi. Rau tiền đạo cài răng lược ăn xuyên gây vỡ động mạch tử cung bên trái, ăn một phần đáy bàng quang. Ê kip phẫu thuật nhanh chóng lấy thai, cắt tử cung hoàn toàn và khâu cầm máu, kịp cứu sản phụ qua cửa tử.
Ca bệnh thứ hai sản phụ suy đa phủ tạng vượt hơn 200km xuống viện
Vừa “thở phào” vì ngỡ rằng một ngày làm việc căng thẳng đã qua đi và có thể ngơi tay, thì đến 22h đêm đó bệnh viện lại tiếp nhận sản phụ Vi Thị Hoa (Yên Na, Tương Dương) phải mổ cấp cứu. Ca sinh lần 2 này thực sự là nỗi ám ảnh của sản phụ, khi chị phải trải qua 2 lần đau: chuyển dạ đẻ thường kéo dài mãi không được, sản phụ phải mổ lấy thai cấp cứu tại Bệnh viện huyện Tương Dương. Cứ ngỡ khi bé gái cất tiếng khóc chào đời, chị đã có cuộc vượt cạn an toàn, nhưng tai họa lại tiếp tục ập xuống đầu chị: tai biến băng huyết sau sinh.
Dù đã được các bác sỹ tại 2 bệnh viện huyện Tương Dương và Bệnh viện ĐK Khu vực Tây Nam nỗ lực hồi sức cứu chữa; nhưng tình trạng sản phụ vẫn liên tục chuyển xấu.
Hôn mê sâu, thở máy, đồng tử dãn, bụng chướng, tử cung to nhưng không ra máu âm đạo, không đo được huyết áp; đi kèm tình trạng suy đa phủ tạng là tình trạng vô cùng nguy hiểm của sản phụ Hoa sau khi phải trải qua quãng đường gần 200km để xuống nhập viện tỉnh
Điều đặc biệt của ca bệnh, khiến các bác sỹ Sản khoa rất khó tiên lượng là tình trạng càng truyền máu bù thì bệnh nhân thiếu máu càng nặng, phủ tạng càng suy; mặc dù không xuất hiện chảy máu âm đạo hay hình ảnh tràn dịch máu ổ bụng. Hội chẩn kỹ càng, bác sỹ quyết định chuyển sản phụ lên mổ cấp cứu, xử lý ngoại khoa để chủ động kiểm soát tình hình. Lúc này, xuất huyết nhồi máu trong cơ tử cung; tử cung căng tròn như 1 quả bóng sắp vỡ là nguyên nhân khiến bệnh nhân nguy kịch.
Bệnh nhân được êkip phẫu thuật cắt tử cung bán phần thấp, truyền bù 6 lít máu, tương đương thay toàn bộ lượng máu trong toàn cơ thể. Tình trạng băng huyết được kiểm soát, bệnh nhân được chuyển theo dõi sát sao tại khoa Hồi sức Ngoại khoa trong những ngày tiếp theo.
Ca thứ 3 sản phụ bị nhau cài răng lược xuyên vết mổ cũ bám vào bàng quang
Sau đó 3 ngày, vào lúc 20h30 ngày 29/10, Khoa Cấp cứu và Khoa Sản tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Hiền (32 tuổi, Nghĩa Đàn) bị shock trụy mạch, mất máu sau sinh. Sản phụ được chuyển tuyến từ y tế cơ sở lên trong tình trạng sức khỏe rất xấu, nguy cơ tử vong cao: máu chảy xối xả qua âm đạo, đồng tử dãn, da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, bụng chướng căng… Khẩn trương hội chẩn, các bác sỹ khoa Sản chẩn đoán bệnh nhân bị rau tiền đạo sau mổ đẻ giờ thứ 5, cần mổ cấp cứu tối khẩn để cầm máu. Đúng như chẩn đoán, sản phụ bị chảy máu rất phức tạp. 2/3 tử cung của bệnh nhân đã được cắt tại tuyến dưới; nhưng 1/3 bánh rau còn lại cài răng lược, ăn xuyên vết mổ cũ vào sâu bàng quang, gây nên tình trạng băng huyết liên tục.
Kíp mổ 3 chuyên khoa Sản, Phẫu thuật mạch máu, Ngoại tiết niệu đã kịp thời cắt phần còn lại cổ tử cung có rau bám; bóc tách rõ ràng và tìm thắt động mạch hạ vị nhằm cầm máu triệt để; tạo hình khâu phục hồi bàng quang; huy động 3 lít máu từ ngân hàng máu của bệnh viện truyền bù cho bệnh nhân…
Trước đó, vào lúc 16 giờ cùng ngày, sản phụ đã sinh mổ chủ động con thứ 3 là một bé gái cân nặng 3,2 kg tại Bệnh viện tuyến dưới. Sau sinh, sản phụ bị đờ tử cung, băng huyết, mặc dù đã được các bác sỹ Bệnh viện huyện phẫu thuật cấp cứu cắt tử cung để cầm máu.
Hiện, sức khỏe các sản phụ đã dần hồi phục, và sẽ sớm được xuất viện trong.
Thiên Đức