Nhiếp ảnh gia người Mỹ Debbie Rasiel chia sẻ về những bức ảnh chị chụp về cuộc sống của những đứa trẻ tự kỷ tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới nhân dịp đến Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh về trẻ tự kỷ hối tháng 3-2016. Bản thân chị Debbie Rasiel cũng là một người mẹ có con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ.
Trẻ rối loạn phổ tự kỷ theo mô tả của Bác sĩ tâm thần học Leo Kanner năm 1943 là những trẻ thường có biểu hiện khiếm khuyết về mặt xã hội, giao tiếp không lời và có lời; có những mẫu hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại và có những khó khăn về ăn uống.
Việc điều trị cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ trên thế giới hiện nay có rất nhiều phương pháp can thiệp, tuy nhiên khi bạn áp dụng phương pháp nào đó, bạn nên dựa vào nguyên tắc là Trẻ rối loạn phổ tự kỷ cần bạn Biết và Hiểu những gì mà Trẻ đang cần. Do đó khi chăm sóc, điều trị và huấn luyện cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ và người chăm sóc trực tiếp trẻ nên biết được trẻ rối loạn phổ tự kỷ đang cần gì ở chúng ta. Dưới đây là 10 điều mà những đứa trẻ mắc chứng này muốn bày tỏ với chúng ta:
Ảnh minh họa: Internet.
1. Cháu là một đứa trẻ có chứng tự kỷ. Điều này không định nghĩa hay hàm ý cả con người của cháu.
2. Các cảm nhận về giác quan của cháu bị rối loạn. Não bộ cháu không thể lọc tất cả các thông tin ghi nhận được, và lúc nào cháu cũng trong tình trạng quá tải!
3. Xin nhớ phân biệt giữa won’t (sẽ không: cháu lựa chọn không làm) và can’t (không thể: Cháu không thể làm). Cả ngôn ngữ tiếp thu lẫn ngôn ngữ diễn đạt đều khó đối với cháu.
4. Cháu là một người có lối suy nghĩ cụ thể. Cháu hiểu ngôn ngữ theo nghĩa đen.
5. Hãy kiên nhẫn với vốn từ ít ỏi của cháu.
6. Do ngôn ngữ quá khó đối với cháu, cháu rất có khuynh hướng thiên về thị giác.
7. Hãy tập trung và xây dựng trên những gì cháu có thể làm, chứ không phải những gì cháu không thể làm.
8. Hãy giúp cháu trong việc tương tác xã giao.
9. Hãy cố xác định xem điều gì gây khởi phát cơn bùng giận nơi cháu. Cơn bùng giận như năng lượng phóng xạ, cơn bùng phát, hay cơn thịnh nộ, dù gọi là gì đi nữa thì cũng đáng sợ đối với bản thân cháu hơn đối với cô chú.
10. Nếu là thành viên gia đình, hãy THƯƠNG YÊU CHÁU VÔ ĐIỀU KIỆN. Nên nhớ rằng trải nghiệm này xảy ra với cháu, chứ không phải cô chú.
Ngoài nắm rõ những điều trên, các bậc phụ huynh nếu gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc trẻ có thể tìm đến các cơ sở y tế tư vấn các chuyên gia trị liệu ngôn ngữ cho trẻ để giúp trẻ đạt được những gì tốt đẹp nhất trong giao tiếp xã hội.
Hoàng Văn Quyên
(Chuyên viên Âm ngữ trị liệu, BV Nhi đồng 1)