Chỉ vừa mới tối qua (18/10/2018), một bé sơ sinh còn nguyên dây rốn đã bị rơi xuống từ chung cư Linh Đàm và tử vong. Cơ quan chức năng đã phải gõ cửa từng nhà để tìm mẹ đẻ của bé. Thậm chí một số người nghi rằng bé sơ sinh đã bị ném từ tầng cao xuống. Dù chưa rõ nguyên nhân tại sao bé bị rơi xuống từ tầng cao, nhưng vụ việc này khiến những người chứng kiến đều cảm thấy xót xa.
Vài năm trở lại đây, ở Việt Nam đã diễn ra nhiều vụ việc đau lòng như hồi tháng 2/2018 vừa qua ở Tiền Giang, bé sơ sinh 5 tháng tuổi chết trên tay mẹ đẻ, trong tay người mẹ cầm một con dao. Trong vụ này, cơ quan điều tra nghi người mẹ đã giết con do mắc trầm cảm sau sinh.
Còn năm ngoái, vụ một sản phụ trẻ ra tay sát hại đứa con đứt ruột đẻ ra mới 33 ngày tuổi ở Hà Nội gióng lên hồi chuông cảnh báo về phát hiện sớm và chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho những đối tượng đặc biệt này.
Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA), trầm cảm sau sinh là 1 tình trạng trầm cảm xuất hiện trong vòng 4 tuần sau sinh với các biểu hiện đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm theo DSM 5 (sổ tay chẩn đoán các bệnh lý tâm thần phiên bản lần thứ 5). Tỷ lệ dao động từ 8-15% tùy theo tác giả và tùy theo thống kê tại các quốc gia khác nhau.
Các mức độ trầm cảm khá đa dạng dưới biểu hiện một cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ (mood swings) thường được biết dưới thuật ngữ “Baby Blues”. Đây là 1 dạng trầm cảm sau sinh nhẹ và thoáng qua, thường chỉ kéo dài 1-2 tuần (đa số bà mẹ tự vượt qua) đến những trường hợp trầm cảm có mức độ nặng hơn (major depression) cần phải có sự can thiệp về y khoa từ tư vấn tâm lý đến dùng thuốc chống trầm cảm.
Nhiều trường hợp trầm cảm sau sinh có tiềm ẩn từ trong thời kỳ mang thai nên nhiều tác giả Anh Mỹ có khuynh hướng nhập chung cả thời kỳ mang thai và thời kỳ hậu sản vào chung với nhau.
Tầm soát trầm cảm sau sinh
Do trầm cảm sau sinh chiếm 1 tỷ lệ khá cao với nhiều mức độ khác nhau nên Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo cần tầm soát tình trạng trầm cảm trên các bà mẹ khi trẻ sơ sinh được 1, 2 và 4 tháng tuổi.
Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) cũng khuyến cáo cần tầm soát tình trạng trầm cảm trên các sản phụ ít nhất 1 lần trong thời kỳ mang thai.
10 dấu hiệu nhận biết trầm cảm sau sinh (Theo Mayo Clinic-USA)
1/ Cảm xúc hay thay đổi, dễ bùng nổ (mood swings trong baby blues)
2/ Cảm thấy buồn bã hầu như cả ngày.
3/ Một cảm giác khó thở như bị đè chặt
4/ Lo lắng quá mức với các biểu hiện bồn chồn, bất an.
5/ Thu rút và từ chối các giao tiếp xã hội.
6/ Giảm trí nhớ và kém tập trung.
7/ Khóc nức nở (với những lý do nhỏ nhặt)
8/ Rối loạn giấc ngủ.
9/ Chán ăn.
10/ Một cảm giác kiệt sức và mất năng lượng.
Nếu có từ 5 triệu chứng trở lên, trong đó có ít nhất 3 triệu chứng xếp từ 1 đến 5 thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Lưu ý nếu sản phụ có hành vi ngược đãi hay xâm hại trẻ hoặc nghiêm trọng hơn là có 1 ý tưởng “sát nhi” hoặc ý tưởng tự sát cả mẹ lẫn con thì là 1 cấp cứu về tâm thần, cần can thiệp y khoa khẩn cấp.
Các yếu tố nguy cơ thúc đẩy trầm cảm sau sinh
– Có tiền sử đã từng bị trầm cảm trước đó.
– Có tiền sử bị rối loạn lưỡng cực đặc biệt là type 2 (thể rối loạn lưỡng cực với xu thế trầm nhiều hơn hưng)
– Có tiền sử đã từng bị rối loạn lo âu trước đó.
– Có biến cố tâm lý trước ngày sinh (mất người thân, mất việc làm, bạo hành gia đình…)
– Có tiền sử lạm dụng rượu hoặc ma túy.
Các yếu tố thúc đẩy trầm cảm bao gồm những khó khăn về kinh tế, có thai ngoài ý muốn, mang thai và sinh không có thân nhân, bạn bè. Tại Việt Nam thì thêm yếu tố gia đình chồng. Các trường hợp sinh con so nên về nhà cha mẹ ruột nếu có thể được. Trẻ sinh non, trẻ có bệnh, trẻ quấy khóc nhiều làm người mẹ quá vất vả.
Nguyên nhân
Như hầu hết bệnh lý về tâm thần, trầm cảm và trầm cảm sau sinh không rõ nguyên nhân. Sự tụt giảm đột ngột hormone sinh dục oestrogen và progesterone được cho là 1 trong những nguyên nhân cùng với các yếu tố nguy cơ và yếu tố thúc đẩy.
Điều trị trầm cảm sau sinh có khó không?
Sau khi thăm khám, bs điều trị sẽ quyết định phương thức điều trị sau khi cân nhắc giữa lợi ích (trẻ không được bú mẹ do mẹ dùng thuốc) và nguy cơ (trẻ bị ngươc đãi). Những trường hợp nhẹ có thể chỉ cần tư vấn tâm lý (cả vợ chồng, gia đình mẹ ruột/mẹ chồng nếu có sống chung). Trường hợp có ý định sát nhi hay tự sát thì cần can thiệp khẩn cấp, việc bé không được bú sữa mẹ trở thành thứ yếu trước sự an toàn của mẹ và bé.
Có một số thuốc dùng trong căn bệnh này cần lưu ý như:
– Nhóm MAOI: tuyệt đối không sử dụng.
– Nhóm 3 vòng được khuyến cáo không sử dụng vì khởi phát chậm và nguy cơ tự sát bằng chính thuốc chống trầm cảm cao (do độc tính của nhóm 3 vòng khá cao)
– Nhóm SSRI (ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonine) được ưu tiên chọn lựa do khởi phát nhanh và độc tính thấp. Trong nhóm này Fluoxetine được khuyến cáo không nên sử dụng vì có thể gia tăng tình trạng bồn chồn vốn thường gặp ở bệnh nhân trầm cảm và thời gian bán hủy (T1/2 khá dài)
– Nếu bà mẹ bị mất ngủ nhiều và nếu mẹ có người thay để chăm sóc con thì mirtazapine có thể là sự lựa chọn tốt vì khởi phát khá nhanh (so với SSRI)
Lưu ý: do các thuốc chống trầm cảm có thể làm gia tăng nguy cơ tự sát trong vòng 2 tuần đầu nên với những bà mẹ có ý tưởng tự sát thì cần chú ý quan sát kỹ trong khoảng thời gian 2 tuần khi bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm.
Trường hợp có triệu chứng lọan thần thì cần điều trị loạn thần trước. Có thể cho thêm benzodiazepine trong trường hợp bà mẹ bị lo âu và bồn chồn.
Làm gì để phòng ngừa trầm cảm sau sinh?
– Tầm soát các trường hợp trầm cảm trong thời kỳ mang thai và các trường hợp có tiền sử liên quan đến trầm cảm trước đó.
– Tăng cường giáo dục sức khỏe và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ trước và sau khi sinh.
– Do đa số các trường hợp trầm cảm sau sinh thường xảy ra ở người sinh con đầu lòng nên tập quán của người Việt Nam là “con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng” là rất tốt sẽ giúp bà mẹ không rơi vào tâm trạng cô đơn và cảm giác hụt hẫng.
Bs CK 2 Huỳnh Thanh Hiển
(Bệnh viện tâm thần TP HCM)