Cách sơ cứu nạn nhân sau thảm họa sạt lở đất đá do bão lũ

Hiện nay đang vào mùa bão lũ, do hoàn lưu bão gây mưa lớn nên khu vực miền núi thường xảy ra thảm họa sạt lở đất đá và lũ quét với hậu quả đáng buồn, trong đó đã có những trường hợp tử vong.

Thực tế thảm họa sạt lở đất ở vùng đồi núi thường do lượng mưa lớn tạo ra một dòng chảy rất mạnh kèm theo sự thấm ẩm đất quá nhiều làm lực kết dính đất đá không còn bền chắc cộng với độ dốc cao và tình trạng chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy do con người tạo ra đã gây nên hậu quả. Vì vậy, tại vùng đồi núi, cộng đồng người dân cần coi trọng việc giữ gìn rừng che phủ tự nhiên, mở rộng việc trồng rừng, kiên quyết chống lại việc chặt phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy để gây nên sự xói mòn, hoang hóa thảm thực vật; vận động dân trồng các lũy tre để chống sóng nước tạo ra khi có mưa lớn. Nếu không thực hiện được vấn đề này thì thảm họa sạt lở đất sau bão lũ gây thiệt hại nghiêm trọng vẫn còn tiếp tục xảy ra. Thảm họa đáng sợ nhất có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng con người là hội chứng vùi lấp và hội chứng đè ép chi thể kéo dài.

Hội chứng vùi lấp

Hội chứng này xảy ra khi có cả một khối lượng đất đá rơi và đổ ập xuống vùi lấp kín cả cơ thể người hoặc phần lớn cơ thể người. Nguy cơ chính do tai nạn gây ra sẽ làm cho người bị ngạt thở vì thiếu không khí; ngoài ra còn có thể bị các tổn thương khác do sự va đập của đá vào người gây gãy xương, sai khớp xương, vỡ dập các cơ quan nội tạng, bị mảng sườn di động… Tình trạng bệnh lý mảng sườn di động là điều đáng quan tâm, chúng xảy ra do nạn nhân bị gãy 3 xương sườn trở lên, gãy ở cả hai đầu xương và gãy ở các xương sườn liền nhau. Đây là một loại chấn thương nặng phải được nhân viên cứu hộ khám kỹ để phát hiện các thương tổn của phổi và các cơ quan khác ở trong lồng ngực; cần chú ý đến triệu chứng khó thở nặng, hô hấp đảo chiều, thiếu oxy phát triển.

Diễn tập sơ cấp cứu nạn nhân sạt lở đất

Diễn tập sơ cấp cứu nạn nhân sạt lở đất

Việc xử trí hội chứng vùi lấp phải được đội cứu hộ tiến hành khẩn trương ngay khi có thảm họa xảy ra. Cần tổ chức đào bới, giải phóng cơ thể người bị nạn do vùi lấp theo đúng quy định; sơ cấp cứu nhanh chóng tình trạng bị ngạt thở và các tổn thương khác do sự va đập gây gãy xương, sai khớp xương, vỡ dập cơ quan nội tạng; đặc biệt là thương tổn mảng sườn di động vì nguy cơ tử vong cao. Khi phát hiện nạn nhân bị mảng sườn di động, phải cố định thành ngực bằng kết xương với loại đinh chuyên dụng hoặc treo mảng sườn để cố định; mở khí quản, hô hấp trợ lực, cho thở oxy, thuốc trợ tim mạch… Nếu phát hiện nạn nhân có tình trạng luồng máu trở về tim phải của hệ tĩnh mạch chủ trên bị đè ép, ứ phù nửa thân trên, rỉ máu dưới da và kết mạc, khó thở; cần phong bế thần kinh giao cảm cổ, ổ gãy xương sườn, cố định thành ngực, cho thuốc trợ tim mạch, hút đờm dãi, thở oxy, mở khí quản… Tất cả các trường hợp sau khi sơ cấp cứu ban đầu để giúp nạn nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch phải chuyển ngay người bị nạn đến bệnh viện nơi gần nhất có đủ điều hiện để tiếp tục xử trí hồi sức cấp cứu phù hợp nhằm cứu sống nạn nhân.

Hội chứng đè ép chi thể kéo dài

Hội chứng này xảy ra trong trường hợp nạn nhân bị sạt lở đất đá vùi lấp một hay nhiều chi thể do một khối trọng lượng rất nặng đè ép liên tục trong 2 – 3 giờ liền hoặc lâu hơn dẫn đến hội chứng Bywater khi nạn nhân được cứu thoát ra khỏi sự đè ép vào chi thể đó. Hội chứng đè ép chi thể kéo dài, hội chứng Bywater gây nên do các yếu tố làm đau đớn và sự thoát huyết tương ở chi thể đã được cứu thoát khỏi sự đè ép do bị vùi lấp, sự nhiễm độc các chất tan hủy từ những cơ bị đè ép vỡ nát như: myohemoglobin, creatinin, histamin, adenosin… xâm nhập vào cơ thể nạn nhân. Vì vậy, thời gian các chi thể bị đè ép càng lâu thì bệnh lý xảy ra càng nặng sau khi thoát khỏi sự đè ép; nếu nhiều khối cơ bị đè ép dập nát thì tình trạng bệnh cũng càng nặng. Trên lâm sàng cần chú ý 3 thời kỳ xảy ra. Thời kỳ thứ nhất từ khi nạn nhân được cứu thoát khỏi sự đè ép đến ngày thứ 3 có thể bị sốc, rối loạn tuần hoàn và điện giải, chi thể phù nề. Thời kỳ thứ hai xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày 12 biểu hiện trình trạng suy thận cấp; nạn nhân bị thiểu niệu, vô niệu, đi tiểu ra myohemoglobulin, albumin; kali máu tăng. Thời kỳ thứ ba là thời kỳ phục hồi với các di chứng xảy ra từ ngày thứ 9 đến ngày 60; nạn nhân bị viêm cơ, xơ hóa cơ, viêm dây thần kinh.

Việc xử trí hội chứng đè ép chi thể kéo dài, hội chứng Bywater cũng phải được tiến hành khẩn cấp. Đội cứu hộ thảm họa cần tổ chức đào bới sớm, giải phóng ngay đầu và cổ của nạn nhân; moi hết đất cát ở mũi và miệng ra. Sau đó bới đất đá ở quanh vai, phần ngực trước khi đào bới các phần khác của cơ thể và lôi kéo nạn nhân ra một cách nhẹ nhàng. Nếu phát hiện thấy nạn nhân đã bị ngạt thở như tím tái, ngừng thở thì ngay sau khi bới hết phần miệng, cổ, ngực phải thực hiện ngay kỹ thuật sơ cấp cứu hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực; đồng thời gọi sự trợ giúp của các cấp cứu viên khác tiếp tục đào bới các phần khác của cơ thể ra. Có thể tiêm thuốc hỗ trợ tim mạch, nếu nạn nhân còn tỉnh thì cho uống nước đường. Khi cơ thể đã được đào bới hẳn ra khỏi đống đất đá vùi lấp phải để nạn nhân nằm yên, cần khám xét kỹ và xử trí sơ cấp cứu theo kỹ thuật cấp cứu do sức ép sau khi cứu khỏi tình trạng ngạt thở.

Sau khi xử trí sơ cấp cứu nạn nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch phải chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện nơi gần nhất có đủ điều kiện để tiếp tục xử trí điều trị phù hợp với diễn biến bệnh lý xảy ra vào các thời kỳ sau đó.

BS. NGUYỄN TRÂM ANH

Rate this post