Cận thị học đường Không thể xem thường

Khi trục nhãn cầu bị kéo dài ra dẫn tới cấu trúc bên trong của mắt cũng bị kéo giãn, đặc biệt là võng mạc. Từ đó sẽ xuất hiện những thay đổi do đáy mắt bị thoái hóa, hậu quả là thị lực giảm, không hồi phục.

Cận thị trẻ em nặng dần theo năm tháng đi học

Cận thị là sự suy giảm khả năng nhìn xa. Cận thị học đường nói riêng hay cận thị trên người trẻ (từ 8 – 22 tuổi) tăng số dần theo năm tháng đi học, mỗi năm 0,5 – 1 đi-ốp (D), dừng lại khoảng 6D. Cá biệt có trường hợp cận bệnh lý (cận thị thoái hóa): có yếu tố di truyền, số kính tiếp tục gia tăng sau tuổi trưởng thành, cận đến 10D hoặc hơn, không thể đeo đúng số, nhiều biến chứng, thị lực khó đạt mức tối đa mặc dù đã cố gắng chỉnh kính. Tùy số cận của trẻ, độ thỏa mãn khi dùng kính, tình trạng bệnh lý kèm theo mà bác sĩ sẽ đặt lịch khám lại cho trẻ. Cận thị nhỏ hơn 6D khoảng 1 năm khám 1 lần. Trên 6D khoảng 6 tháng khám mắt 1 lần. Phòng bệnh và hạn chế cận thị ở trẻ em cần đảm bảo đủ ánh sáng khi trẻ đọc hoặc viết, lưu ý là ánh sáng thích hợp không quá chói hoặc quá mờ vì cả hai đều làm ảnh hưởng đến mắt. Trẻ giữ mắt đọc và viết tối thiểu cách xa 30cm. Ngồi cách khoảng 50cm với máy tính. Hạn chế đọc truyện với phông chữ nhỏ hoặc mờ. Trẻ không vừa ăn vừa đọc, vừa đi vừa xem, không nằm xuống đọc, hầu hết trẻ đều có thói quen nằm trên giường để đọc sách, đọc truyện hoặc nằm ra sàn nhà, điều này sẽ khiến mắt của trẻ bị mỏi. Mắt cần được nghỉ một lát, nhìn ra xa thư giãn sau một giờ đọc sách, xem tivi. Ngủ sớm, ngủ đủ giấc và đúng giờ. Chăm sóc dinh dưỡng đúng và đủ: vitamin A-C-E, khoáng chất, kẽm, selen… Học kết hợp với vui chơi và hoạt động ngoại khóa, luyện tập thể dục thể thao sẽ làm hạn chế gia tăng cận thị.Nên định kỳ khám mắt cho trẻ 6 tháng 1 lần. Ảnh: Trần Minh

Nên định kỳ khám mắt cho trẻ 6 tháng 1 lần. Ảnh: Trần Minh

Phương pháp điều trị

Để ngăn ngừa cận thị tiến triển, đặc biệt giúp nhãn cầu ổn định, các bác sĩ chuyên khoa đã ứng dụng phương pháp tạo hình củng mạc nhằm gia cố củng mạc (lớp màng ngoài cùng của nhãn cầu). Phương pháp này ngăn chặn sự tiến triển của cận thị do trục nhãn cầu bị kéo dài, nhờ đó ngăn chặn sự suy giảm thị lực và ổn định cận thị. Phương pháp được tiến hành cho trẻ trên 10 tuổi gây tê tại chỗ, dưới 10 tuổi gây mê. Thông qua một vết cắt rất nhỏ trong mắt, các chuyên gia sẽ đưa vào thành sau của nhãn cầu bốn miếng ghép củng mạc, gắn chặt vào củng mạc của bệnh nhân giúp củng mạc bền chắc nhờ đó nhãn cầu không bị kéo giãn ra, đồng thời nó có tác dụng hoạt huyết cho nhãn cầu giúp ngăn chặn thoái hóa võng mạc ngoại vi – một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân cận thị nặng và tiến triển. Chỉ định của phương pháp này là những bệnh nhân bị cận thị từ 3D trở lên và tăng dần hàng năm. Sau phẫu thuật 5-7 ngày, bệnh nhân bình phục mà không phải áp dụng chế độ sinh hoạt đặc biệt nào, chỉ cần tránh tiếp xúc hay va đập trực tiếp vào mắt. Đặc biệt, phương pháp gần như không có chống chỉ định cũng như tác dụng phụ nghiêm trọng.

Đối với các trường hợp cận thị tiến triển hoặc cận thị nặng được thực hiện  bởi phương pháp Lasik, một trong những phương pháp điều trị phổ biến hiện nay. Bằng một dụng cụ chuyên dụng, người ta tạo một vạt giác mạc rồi nâng lên để bộc lộ phần giác mạc phía dưới. Sự bào mòn giác mạc được thực hiện tinh xảo làm cho một phần mô của giác mạc như bị “bốc hơi” từ bề mặt giác mạc. Phần giác mạc được bộc lộ sẽ chịu tác động để thay đổi cấu trúc đáp ứng những yêu cầu đặt ra, sau đó vạt giác mạc sẽ được đặt lại vào vị trí cũ. Phương pháp này có độ chính xác cao, cho kết quả ổn định, giảm được đáng kể các biến chứng sau điều trị. Tuy nhiên, với phương pháp này, từ 2-4 ngày của giai đoạn phục hồi là thời gian bệnh nhân phải chịu cảm giác khó chịu nhất. Đó là thời gian giác mạc biểu mô hoá, bệnh nhân có cảm giác sợ ánh sáng, thấy cộm, đau nhức nhẹ và còn chưa nhìn rõ. Thời gian thích nghi thường kéo dài khoảng 3-4 tuần. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thực hiện được ở các bệnh nhân trên 18 tuổi. Đặc biệt, với bệnh nhân có tật khúc xạ không ổn định do trục nhãn cầu bị kéo dài…

Lời khuyên của thầy thuốc

Kiểm soát tốt độ cận cho trẻ là một vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng. Nhiều người cứ nghĩ cận thị là một tật khúc xạ đơn giản, chỉ cần đeo kính, nhưng thực tế, cận thị tiến triển nếu không được điều trị sẽ gây thoái hóa mắt, mất thị lực và mù lòa. Cận thị học đường gây ảnh hưởng đến khả năng nhận biết hình thể, sử dụng bàn tay, sự nhanh nhạy, năng động gây ra nhiều hạn chế trong sinh hoạt, học tập và giao tiếp khám phá thế giới xung quanh. Đặc biệt, các bệnh về mắt còn làm cho quá trình giảm thị lực và lão hoá xảy ra nhanh hơn. Đối với trường hợp nhẹ, ít tiến triển thì trẻ có thể đeo kính và điều trị nội khoa để làm giảm mức độ tiến triển của bệnh cận thị và ngăn chặn sự xuất hiện các biến chứng gây giảm thị lực cho trẻ. Với những trường hợp tiến triển nhanh, độ cận thị ngày một gia tăng thì các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất.

BS. Nguyễn Hồng Minh

Rate this post