Câu hỏi: Thưa Bác sĩ! Bé được 30 ngày tuổi, bị vàng da kéo dài hơn 20 ngày. Cháu đưa đi bệnh viện xét nghiệm máu và thấy kết quả nồng độ bilirubin TT là 16,2 và TP là 267,5. Bác sĩ nói vàng da ở mức độ nhẹ nên cho về nhà sưởi nắng. Bé đã sưởi nắng được gần 1 tuần nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khỏi. Cháu đã xin Bác sĩ ở lại bệnh viện để chiếu đèn nhưng Bác sĩ vẫn nói không quan trọng. Vì cháu nghe nói nếu vàng da sinh lý kéo dài sẽ dẫn đến vàng da nhân gây tổn hại cho não bé. Vậy mong Bác sĩ cho cháu biết giờ nên làm gì có cần đi bệnh viện khác xin chiếu đèn không? Chiếu đèn và sưởi nắng thì phương pháp nào nhanh hơn và có ưu nhược điểm gì ạ? Xin cảm ơn Bác sĩ nhiều!
Trả lời:
BS. Nguyễn Văn An – Chuyên khoa Nội – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, cho biết:
Vàng da sinh lý thường xuất hiện sau khi sinh khoảng 2 – 3 ngày và hết sau khoảng 10 – 14 ngày. Còn hiện tượng vàng da bệnh lý thường xuất hiện sớm, có thể xảy ra ngay sau khi sinh và kéo dài tới nhiều tuần sau sinh. Màu vàng là màu của Bilirubin gián tiếp một sản phẩm thoái hóa của Hemoglobin do hồng cầu bị vỡ, ngấm vào tổ chức mỡ dưới da. Bilirubin toàn phần gồm có bilirubin trực tiếp và bilirubin gián tiếp. Dạng gián tiếp không tan trong nước được chuyển hóa tại gan thành dạng trực tiếp và đào thải ra ngoài qua thận. Do vậy, khi trẻ bị vàng da nhiều thì cần phải được tắm nắng hoặc nặng hơn cần phải được chiếu đèn để có tác dụng chuyển dạng gián tiếp thành dạng trực tiếp và thải ra ngoài qua nước tiểu. Tuy nhiên, trong trường hợp, bilirubin toàn phần quá cao, > 340 micromol/lit, nhất là trong vòng 15 ngày đầu sau sinh khi mà hàng rào bảo vệ não chưa hoàn thiện, lượng bilirubin không kịp đào thải ra ngoài và không chỉ ngấm vào da mà còn ngấm vào tổ chức não gây tổn thương tế bào não và để lại di chứng nặng nề. Đó là hiện tượng vàng da nhân não.
Tuy nhiên, hiện nay bé nhà bạn được 30 ngày tuổi và lượng bilirubin toàn phần cũng không phải là quá cao nên bạn cũng không nên lo lắng quá. Bạn nên tiếp tục điều trị cho bé theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa đã khám cho bé và tái khám đúng theo hẹn hoặc khám lại ngay nếu có gì bất thường. Phương pháp chiếu đèn trong lồng kính sẽ có hiệu quả hơn tắm nắng vì dựa vào mức độ bệnh khác nhau bác sĩ sẽ lựa chọn được mức độ và thời gian chiếu đèn cho phù hợp và đạt hiệu quả tốt nhất.
BS. Nguyễn Văn An