BS.CKI. Lê Thị Hoài Thanh, chuyên khoa Hô Hấp – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi hiện là loại ung thư hay gặp nhất trên thế giới, với số ca được chẩn đoán trong năm 2012 là 1.825.000 ca, chiếm 13% trong tổng số các ung thư. Trong số đó, ở nam giới, số ung thư phổi phổi chiếm 16,7%, tức vị trí số 1; còn ở nữ giới là 8,8%, đứng ở vị trí thứ 3.
Tại Việt Nam, ung thư phổi được xếp hàng thứ nhất trong tổng số 10 loại ung thư thường gặp ở cả hai giới. Theo thống kê, đến năm 2013, tỷ lệ người mắc bệnh đã tăng gấp 4 lần, lên con số 20.000 người mắc mới mỗi năm, trong đó có tới 17.000 người tử vong. Nếu ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng được phát hiện sớm thì cơ hội chữa khỏi rất cao. Do vậy, việc phát hiện sớm ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng.
Dưới đây là một số thông tin cần biết về ung thư phổi và các xét nghiệm giúp phát hiện sớm ung thư phổi do BS.CKI. Lê Thị Hoài Thanh.
Các loại ung thư phổi
Ung thư phổi chia thành 2 loại chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
Ung thư phổi tế bào nhỏ là loại ung thư phát triển nhanh, nó có thể lây lan nhanh đến các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư phổi tế bào nhỏ thường xuất hiện ở người sử dụng thuốc lá và hiếm thấy ở người không hút thuốc.
Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ phát triển chậm hơn và phổ biến hơn, đây là loại ung thư ít xâm lấn hơn loại trên.
Trong các bệnh ung thư phổi có đến 85% những người ung thư phổi thuộc loại ung thư không tế bào nhỏ. Loại ung thư này nếu phát hiện sớm, phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị có thể chữa khỏi căn bệnh này.
*Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ, có 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1 – u nhỏ dưới 5 cm chỉ ở một bên phổi, chưa lan ra ngoài phổi và hạch bạch huyết
Giai đoạn 2 – ung thư đã lan ra hạch bạch huyết cùng bên với tổn thương hoặc u đã có kích thước từ 5 đến 7 cm
Giai đoạn 3 – ung thư đã lan ra hạch bạch huyết ở trung thất (giữa hai lá phổi) hoặc kích thước u trên 7 cm
Giai đoạn 4 – ung thư đã lan ra các cơ quan khác ngoài nhu mô phổi như não, xương, gan, màng phổi gây tích tụ dịch trong lồng ngực (tràn dịch màng phổi).
*Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, chỉ có 2 giai đoạn:
Giai đoạn bệnh khu trú – khi u chỉ khu trú ở một bên phổi
Giai đoạn bệnh lan tràn – khi ung thư đã lan sang phổi bên đối diện hoặc các cơ quan khác như não, gan, xương.
Tầm kiểm soát ung thư định kỳ được khuyến cáo 6 tháng hoặc 1 năm/ lần. Riêng đối với người có nguy cơ cao (gia đình có người mắc ung thư, độ tuổi, nghiện thuốc lá…) cần tầm kiểm soát có thời gian ngắn hơn.
Dấu hiệu nhận biết ung thư phổi
Đối với ung thư phổi, giai đoạn sớm các triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. Khi bệnh ung thư phát triển, thường có các triệu chứng sau:
· Các triệu chứng hô hấp:
o Ho khan là triệu chứng hay gặp nhất
o Ho khạc đờm hoặc lẫn máu
o Khó thở
o Hội chứng viêm phế quản phổi cấp hoặc bán cấp
· Các triệu chứng do chèn ép, xâm lấn: khi xuất hiện các triệu chứng này thì UTP thường đã ở giai đoạn muộn.
o Đau ngực
o Nói khàn
o Nuốt nghẹn
o Nấc
o Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên
o Hội chứng 3 giảm do TDMP
· Các triệu chứng di căn xa
o Di căn hạch: sờ thấy hạch vùng nách, cổ
o Di căn não: đau đầu, buồn nôn, nôn, đôi khi bệnh nhân xuất hiện liệt.
o Di căn xương: đau xương ở vị trí di căn, gãy xương bệnh lý.
o Di căn gan: đau hạ sườn phải, sờ thấy gan to, u vùng hạ sườn phải
Di căn da vùng ngực: thấy nốt di căn dưới da vùng ngực.
Các xét nghiệm cần thiết trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi
Chụp X-quang phổi:
Có thể phát hiện u phổi, nhưng với những tổn thương nhỏ đôi khi không thấy. Kích thước, vị trí, mức độ xâm lấn), kể cả những tổn thương nhỏ, ngoài ra có thể thấy hạch trung thất, tổn thương di căn phổi, màng phổi. Ngoài ra, CLVT còn là phương tiện giúp định hướng trong sinh thiết xuyên thành ngực để chẩn đoán xác định mô bệnh học UTP.
Soi phế quản:
Qua soi phế quản ta có thể quan sát được khối u xuất phát từ phế quản và thực hiện được các kĩ thuật để lấy bệnh phẩm làm tế bào học, mô bệnh học như sinh thiết phế quản, chải rửa phế quản, sinh thiết phế quản xuyên thành ở vùng tương ứng với khối u.
Xét nghiệm mô bệnh học: giúp chẩn đoán xác định thông qua bệnh phẩm được lấy từ nội soi phế quản, hoặc qua sinh thiết xuyên thành ngực dưới dưới dẫn cắt lớp vi tính
Một số xét nghiệm đánh giá tình trạng di căn:
PET/CT: giúp đánh giá chính xác các tổn thương di căn, từ đó chẩn đoán đúng giai đoạn bệnh
Xạ hình xương: phát hiện các tổn thương di căn xương
Chụp cộng hưởng từ sọ não: phát hiện di căn não
Siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính bụng: phát hiện ổ di căn gan, thượng thận…
Xét nghiệm khác
Xét nghiệm máu chỉ điểm khối u như CEA, SCC, Cyfra 21-1
Kỹ thuật sinh học phân tử như FISH, PCR, giải trình tự gen, là cơ sở để điều trị liệu pháp trúng đích
Chẩn đoán xác định bệnh dựa trên triệu chứng lâm sàng phối hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng (chụp X quang, cắt lớp vi tính, nội soi phế quản), kết hợp với kết quả mô bệnh học, tế bào học các bệnh phẩm lấy qua nội soi phế quản, sinh thiết, chọc hút qua thành ngực, dịch màng phổi, hạch thượng đòn… Đây là tiêu chuẩn vàng xác đinh ung thư phổi.
Xét nghiệm dấu ấn khối u CYFRA 21-1 là một trong các dấu ấn góp phần phát hiện ung thư phổi tế bào không nhỏ và phát hiện khối u có bị di căn hay không
CYFRA 21-1: Xét nghiệm cho biết dấu ấn của ung thư phổi tế bào không nhỏ
Nhiều người mắc ung thư phổi hầu như không biểu hiện dấu hiệu và triệu chứng trong quá trình tiến triển. Vì vậy, việc chẩn đoán ung thư cần phải dựa vào các dấu ấn ung thư, các xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư phổi như: CYFRA 21-1 , SCC, CEA, CYFRA, NSE, ProGRP… nhằm phát hiện sớm bệnh ung thư tiềm ẩn cơ thể.
Dấu ấn ung thư hay còn gọi là dấu ấn khối u là những chất hóa học của cơ thể, thường là các protein, được sản xuất bởi bản thân các tế bào ung thư hoặc đôi khi do cơ thể sản xuất ra để đáp ứng với sự phát triển ung thư. Do một số các dấu ấn ung thư có thể được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm của cơ thể như máu và các mô nên chúng có thể được sử dụng cùng với các xét nghiệm và các kỹ thuật cận lâm sàng khác để phát hiện và chẩn đoán một số loại ung thư, tiên lượng, theo dõi đáp ứng điều trị và phát hiện tái phát.
Có khoảng hơn 20 dấu ấn ung thư có thể được thực hiện để biết bệnh sớm. Việc tầm kiểm soát ung thư phổi nói riêng và các loại ung thư nói chung cần được thực hiện định kỳ giúp phát hiện các căn bệnh ung thư từ giai đoạn mầm mống, khi bệnh chưa có biểu hiện hay triệu chứng nghiêm trọng, hoặc khi khối u còn rất nhỏ, chưa phát triển hay di căn ra các mô xung quanh.
Tầm kiểm soát ung thư định kỳ được khuyến cáo 6 tháng hoặc 1 năm/ lần. Riêng đối với người có nguy cơ cao (gia đình có người mắc ung thư, độ tuổi, nghiện thuốc lá…) cần tầm kiểm soát có thời gian ngắn hơn. Các xét nghiệm cần làm để phát hiện ung thư phổi là CYFRA 21-1 , SCC, CEA, CYFRA, NSE, ProGRP…
Theo BS.CKI. Lê Thị Hoài Thanh: Xét nghiệm dấu ấn khối u CYFRA 21-1 là một trong các dấu ấn góp phần phát hiện ung thư phổi tế bào không nhỏ và phát hiện khối u có bị di căn hay không?
Khi bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nghi ngờ ung thư phổi và CYFRA 21-1 >30ng/mL thì nghĩ đến khả năng bị ung thư phổi không tế bào nhỏ và cần làm thêm các xét nghiệm khác như đã nói ở trên để chẩn đoán xác định.
Ngoài ra, xét nghiệm CYFRA 21-1 cũng có thể sử dụng kết hợp với một số dấu ấn khác để chẩn đoán các ung thư khác như ung thư thực quản, tụy, bàng quang, vú và cổ tử cung (đối với nữ).
Ai nên làm xét nghiệm CYFRA 21-1
Người nghi ngờ ung thư phổi, có khối u hoặc có tổn thương bất thường ở phổi;- Bệnh nhân đang theo dõi và điều trị ung thư phổi tế bào không nhỏ;
Người có bệnh lý mạn tính ở phổi; người làm việc ở môi trường độc hại, bụi phổi; người hút thuốc lá, thuốc lào, tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào.
Bệnh nhân đang theo dõi các ung thư thực quản, vú, tụy, cổ tử cung hoặc bàng quang làm marker thứ 2 để theo dõi.
Thanh Loan
(Lê Tuấn Anh – Phú Yên)
Để chẩn đoán viêm loét đại tràng, ngoài khám xét lâm sàng, bệnh nhân sẽ được yêu cầu làm một số xét nghiệm.
Thử máu: nhằm xác định thiếu máu hoặc nhiễm trùng. Xét nghiệm nhằm tìm kiếm kháng thể để xác định thể viêm loét đại tràng.
Xét nghiệm phân: tìm kiếm hiện diện của bạch cầu nhằm xác định hiện tượng viêm, đồng thời cũng giúp loại trừ các bệnh khác: vi trùng, virút và ký sinh trùng. Đặc biệt có thể xác định nhiễm khuẩn Clostridium gây tiêu chảy.
Nội soi đại trực tràng: đánh giá mức độ tổn thương và lấy mẫu mô làm giải phẫu bệnh; soi trực tràng với ống mềm: xác định các tổn thương ở đoạn hậu môn trực tràng; chụp X-quang bụng, chụp cắt lớp điện toán (CTScan). Việc điều trị nhằm mục đích giảm hiện tượng viêm là nguyên nhân gây ra triệu chứng của bệnh. Trong trường hợp tốt nhất bệnh không chỉ giảm triệu chứng mà còn thuyên giảm lâu dài. Một số trường hợp cần phải can thiệp phẫu thuật nếu gặp biến chứng.
Thuốc kháng viêm gồm: Sulfasalazin, Mesalamine, corticoide… Các thuốc hỗ trợ miễn dịch có thể giúp giảm viêm và hạn chế phản ứng tự miễn dịch, các thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng khi không đáp ứng với thuốc thông thường (Azathioprine, Mercaptopurine, Cyclosporine), thuốc khác: Infliximab, Adalimumab áp dụng cho những trường hợp viêm loét đại tràng thể trung bình đến nặng mà không dung nạp với điều trị thuốc khác.
Những thuốc điều trị triệu chứng gồm: kháng sinh, chống tiêu chảy, giảm đau, viên sắt… Phụ nữ có thai bị viêm loét đại tràng cũng có thể an toàn, đặc biệt khi bệnh thuyên giảm trong giai đoạn có thai. Phụ nữ nên có thai vào giai đoạn bệnh thuyên giảm. Một số thuốc điều trị nêu trên có thể không được dùng khi mang thai (đặc biệt ở ba tháng đầu thai kỳ). Việc tầm soát ung thư đại tràng là cần thiết ở người bị viêm loét đại tràng bởi khi mắc bệnh tần suất mắc phải ung thư sẽ tăng lên.
Người ta khuyến cáo sau khi bị viêm loét đại tràng toàn thể 8 năm thì phải bắt đầu tầm soát ung thư bằng nội soi, đối với thể viêm đại tràng trái thì tầm soát sau 10 năm, còn thể viêm loét ống hậu môn thì mỗi 10 năm kiểm tra một lần khi bắt đầu tuổi 50.
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ
Hiện nay, các chuyên gia da liễu đã phát hiện ra mối tương quan giữa kháng nguyên HLA-DR2 và bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE) cũng như biến chứng thận trên bệnh nhân SLE. Giá thành của xét nghiệm tìm HLA-DR2 có thể chấp nhận được (khoảng 300 ngàn đồng). Do đó, xét nghiệm tìm kháng nguyên HLA-DR2 có thể được đưa vào sử dụng trên thực tế lâm sàng đối với bệnh nhân nghi ngờ SLE nhưng chưa đủ tiêu chuẩn chẩn đoán xác định.
SLE là một trong những bệnh viêm tự miễn mãn tính gây tổn thương đa cơ quan.Cơ chế bệnh sinh của bệnh phức tạp, đến nay vẫn còn nhiều cơ chế chưa được hiểu rõ. Nhiều nghiên cứu đã tìm ra được các gen nhạy cảm với bệnh, trong đó có hệ thống kháng nguyên bạch cầu người HLA. Đặc biệt, HLA-DR2 có tiềm năng là dấu chỉ để chẩn đoán SLE, tiên lượng khả năng chuyển thành SLE ở nhóm bệnh nhân chưa đủ tiêu chuẩn chẩn đoán. Đồng thời, HLA-DR2 cũng có tiềm năng trở thành yếu tố dự đoán lupus thận trên nhóm bệnh nhân SLE, tiên lượng khả năng mắc lupus ở các thành viên trong gia đình của bệnh nhân lupus cũng như là một yếu tố tư vấn khả năng lupus gia đình ở nhóm bệnh nhân nữ trẻ và đang ở độ tuổi sinh đẻ. Một vài nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ kháng nguyên HLA-DR2 tăng cao trên nhóm bệnh nhân SLE người châu Á.
Tại Việt Nam, SLE cũng là một trong những bệnh tự miễn có tỉ lệ cao, tuy nhiên, bệnh nhân thường được chẩn đoán muộn khi đã có tổn thương các cơ quan nặng gây khó khăn trong điều trị và ảnh hưởng nhiều đến tiên lượng bệnh. Vai trò của gen nói chung và HLA-DR2 nói riêng sẽ góp phần vào công tác chẩn đoán, tiên lượng diễn tiến bệnh của bệnh nhân.
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Theo một nghiên cứu khảo sát một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và miễn dịch học của bệnh nhân SLE của ThS.BS. Phạm Thị Uyển Nhi đã xác định tỉ lệ kháng nguyên HLA-DR2 trên nhóm bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống. Xác định mối liên quan giữa HLA-DR2 và SLE hệ thống. Xác định mối liên quan giữa HLA-DR2 và tổn thương thận do lupus. Nghiên cứu này kéo dài 9 tháng đã thu thập được 80 bệnh nhân (74 nữ và 6 nam) và 30 người ở nhóm chứng.
Tỉ lệ HLA-DR2 dương tính ở nhóm bệnh nhân SLE có biến chứng thận là 61,8%
Kết quả cho thấy, sự gia tăng cao có ý nghĩa thống kê giữa tỉ lệ kháng nguyên HLA-DR2 ở nhóm SLE so với nhóm chứng (51,2% ở nhóm bệnh và 20% ở nhóm chứng). Khi phân tích mối liên quan trên nhóm bệnh lupus đỏ hệ thống có biến chứng thận, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ kháng nguyên HLA-DR2 tăng cao hơn hẳn so với nhóm chứng (61,8% so với 20%). Phân tích riêng giữa hai nhóm SLE có và không có biến chứng thận, kết quả cho thấy tỉ lệ giữa hai nhóm này cũng khác biệt có ý nghĩa thống kê (61,8% so với 28%).
Qua đó, tỉ lệ HLA-DR2 trong nghiên cứu của chúng tôi khá cao (51,2%) và tỉ lệ HLA-DR2 ở nhóm bệnh cao hơn hẳn nhóm chứng. Tỉ số nguy cơ tính được trong nghiên cứu của chúng tôi khá cao, điều này cho thấy nguy cơ bị bệnh SLE ở cao gấp 4 lần so với người không có gen HLA-DR2.
Chính vì vậy, có HLA-DR2 có thể là một yếu tố giúp nghi ngờ chẩn đoán bệnh trong những trường hợp chưa đủ tiêu chuẩn chẩn đoán. Tỉ lệ HLA-DR2 dương tính ở nhóm bệnh nhân SLE có biến chứng thận là 61,8% và cao hơn hẳn so với nhóm chứng. Điều này dự đoán những bệnh nhân SLE có xét nghiệm HLA-DR2 dương tính có nguy cơ diễn tiến đến tổn thương thận cao gấp 4 lần so với nhóm bệnh nhân lupus đỏ có HLA-DR2 âm tính.
PGS.TS. VĂN THẾ TRUNG
Nguyễn Văn Việt ([email protected])
Theo Đông y, can khai khiếu ra mắt. Do vậy khi niêm mạc mắt vàng, da vàng có thể phản ánh cơ thể đang có bệnh liên quan đến tạng can (gan, mật)… Tuy nhiên có nhiều bệnh có thể gây vàng da. Để xác định nguyên nhân gây vàng da, cần chú ý tiền sử cá nhân. Nếu vàng da mà nước tiểu trong thì thường là do huyết tán, còn nước tiểu vàng đậm là dấu hiệu các bệnh gan mật. Với người bệnh tiểu đường trên 50 tuổi, vàng da thường là biểu hiện ung thư tụy; người nghiện rượu lâu năm, đó là dấu hiệu xơ gan, viêm gan; Nếu bị ung thư mới phẫu thuật hoặc mới điều trị thấy xuất hiện vàng da có thể báo hiệu là đã bị di căn vào gan. Nếu có tình trạng ngứa lâu năm, nay lại vàng da, cần nghĩ đến chứng ứ mật trường diễn trong gan. Nếu bố bạn từng sống ở những vùng có ký sinh trùng gây bệnh vàng da có thể là hậu quả của sự hình thành các kén nước trong gan. Việc khám lâm sàng đóng vai trò quan trọng tìm nguyên nhân gây vàng da.
Tuy nhiên, để xác định chắc chắn, cần làm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu cho biết chức năng gan (thể hiện men gan tăng cao chứng tỏ có tổn thương tế bào gan; siêu âm ổ bụng (phát hiện u cục, kén, sỏi trong gan); Xquang (tìm sỏi túi mật); soi phúc mạc (phân biệt ứ mật trong hay ngoài gan, phát hiện tính chất ung thư và tiên lượng); sinh thiết gan (phân biệt ung thư gan, xơ gan…). Trường hợp của bố bạn hãy đi khám chuyên khoa nội sớm để tìm nguyên nhân và điều trị sớm.
BS. Trần Quang Nhật
PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật – Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, một số loại ung thư có thể biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng ung thư như ung thư da, cổ tử cung, vú, trực tràng và miệng… có thể chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm.
Theo PGS. TS Nguyễn Nghiêm Luật, việc chẩn đoán ung thư cho kết quả chuẩn xác nhất cần phải dựa vào: Xét nghiệm máu, nước tiểu; Chẩn đoán hình ảnh (chụp X quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hoặc PET-CT); Tế bào học và nhiều phương pháp khác.
Dưới đây là một số xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán sớm bệnh ung thư
1. Xét nghiệm máu, nước tiểu:
Phương pháp tìm dấu ấn ung thư hay chính xác hơn là định lượng dấu ấn ung thư trong máu cũng có giá trị nhất định nếu biết cách sử dụng. Xét nghiệm này thật sự hữu ích trong đánh giá tình trạng nặng, nhẹ cũng như dự đoán diễn tiến của bệnh trong quá trình điều trị.
Một xét nghiệm máu giúp hỗ trợ trong chẩn đoán ung thư như xét nghiệm kháng nguyên PSA giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt; xét nghiệm kháng nguyên CA 125 – một dạng kháng nguyên ung thư 125 trong máu giúp phát hiện ung thư buồng trứng; xét nghiệm CA 199 phát hiện ung thư tụy, dạ dày…
Tuy nhiên, xét nghiệm máu thường phải kết hợp cùng các xét nghiệm khác để đưa ra kết quả chính xác nhất.
Các chuyên gia cho biết, xét nghiệm máu không khẳng định chắc chắn tìm ra tế bào ung thư bởi kết quả xét nghiệm có lúc cho âm tính, có lúc cho dương tính.
PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật – Bệnh viện Đa khoa Medlatec
2. Chẩn đoán hình ảnh
Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh được sử dụng trong chẩn đoán ung thư bao gồm: chụp X quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hoặc PET-CT giúp các bác sĩ quan sát chi tiết các bộ phận bên trong cơ thể, đồng thời phát hiện ra các bất thường, chẳng hạn như khối u.
Phương pháp PET/CT là thiết bị y khoa hạt nhân áp dụng công nghệ kết hợp giữa máy PET và máy CT, có thể phát hiện được khoảng 80% các loại ung thư, cả ung thư giai đoạn sớm ngay sau khi cơ thể chỉ mới có sự thay đổi bệnh lý về chuyển hóa mà chưa hình thành tổn thương về mặt cấu trúc.
Ngoài ra, thiết bị còn giúp tìm kiếm ở các bệnh nhân vị trí ung thư di căn, vị trí ung thư nguyên phát, giúp các bác sĩ tiên lượng và có nững phương pháp điều trị hiệu quả.
3. Sinh thiết:
Sinh thiết là một xét nghiệm chẩn đoán ung thư được áp dụng cho hầu hết tất các loại ung thư, vì nó cung cấp kết quả chính xác nhất.
Thông thường, các bác sĩ sẽ cho làm sinh thiết sau khi một loạt các xét nghiệm, chẩn đoán chẳng hạn như X-quang, CT,… và đã xác định được khối u.
Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ 1 số mô và quan sát dưới kính hiển vi để tìm kiếm dấu hiệu của ung thư.
4. Xét nghiệm tủy để phát hiện ung thư máu:
Xét nghiệm tủy có nhiều phương pháp để xác định các dạng ung thư máu, bao gồm: Xét nghiệm Immunophenotyping; Xét nghiệm tế bào di truyền; Xét nghiệm dịch não tủy.
Phương pháp này giúp xác định chính xác hơn khả năng mắc ung thư máu của bệnh nhân. Theo phương pháp này, các chuyên gia sẽ tiến hành chọc tủy và đem đi xét nghiệm để phân loại và xác định các loại tế bào máu trong tủy. Nếu lượng Junvenile cell trong máu tăng cao, vượt quá 5% hoặc thậm chí có thể hơn 30% thì có thể xác định bệnh nhân bị ung thư máu.
5. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung:
Xét nghiệm Pap dùng để phát hiện tế bào tiền ung thư trước khi chúng có thể chuyển thành ung thư xâm lấn. Nếu tế bào tiền ung thư được tìm thấy, có thể tiến hành điều trị và ngăn chặn trước khi nó bắt đầu ung thư.
Hiện nay, nhiều nơi đã sử dụng xét nghiệm ThinPrep Pap để phát hiện ung thư cổ tử cung.
Theo PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật – Bệnh viện Đa khoa Medlatec, ThinPrep Pap là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) được cải tiến, trong đó các chất liệu cổ tử cung thu lượm không phải được phết (smear) vào một lam kính để làm tiêu bản như xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung thông thường mà được rửa toàn bộ vào một chất lỏng định hình trong một lọ ThinPrep và được chuyển đến phòng thí nghiệm để được sử lý bằng máy ThinPrep để làm tiêu bản một cách hoàn toàn tự động.
Xét nghiệm ThinPrep Pap có khả năng phát hiện các tổn thương biểu mô tế bào vảy, những thay đổi tiền ung thư và ung thư cổ tử cung tốt hơn nhiều so với xét nghiệm Pap smear thông thường.
6. Nội soi đại trực tràng:
Theo PGS.TS.BS Hoàng Công Đắc Chuyên khoa Ngoại – Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, ung thư đại trực tràng là loại ung thư gặp khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam, trong đó nam và nữ đều có thể mắc phải, đây cũng loại ung thư đứng hàng thứ 5 sau ung thư: phổi, dạ dày, gan, vú.
Phần lớn ung thư đại trực tràng xuất hiện ở những người trên 50 tuổi. Chính vì vậy cần tiến hành soi đại tràng cho tất cả mọi người ở lứa tuổi dưới 50, kể cả những người không có triệu chứng.
Theo PGS . Đắc, nội soi đại trực tràng ảo thường áp dụng cho những người già không chịu đựng được soi đại trực tràng ống mềm.
Nội soi đại trực tràng ống mềm: là phương pháp duy nhất có thể tiến hành sinh thiết (hoặc cắt bỏ polype đại trực tràng) để chẩn đoán xác định ung thư đại trực tràng bằng mô bệnh học.
Thanh Loan