Các bậc cha mẹ thường hay chủ quan khi thấy trẻ đau bụng bất thường. Điều này hết sức nguy hiểm. Nếu trẻ bị đau bụng ngoại khoa như viêm tắc ruột, viêm ruột thừa mà không được phát hiện sớm, điều trị dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng mà dễ bị bỏ qua là viêm ruột thừa…
Ruột thừa (ruột dư) là một đoạn ruột hẹp, kín, tận cùng, dài khoảng vài centimet và bám dính vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Lớp lót bên trong lòng ruột thừa tiết ra ít chất nhầy và chảy vào manh tràng. Thành của ruột thừa chứa mô bạch huyết, là một phần của hệ miễn dịch sản xuất kháng thể. Giống như những đoạn còn lại của đại tràng (ruột già) thì thành của ruột thừa cũng có chứa lớp cơ nhưng lớp cơ này phát triển kém. Khi hoạt động mở của chiếc túi cùng này bị cản trở, ruột thừa sưng lên và có thể dễ bị nhiễm khuẩn bởi vi khuẩn.
Ruột thừa bị viêm chính là do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn. Sau khi hiện tượng tắc nghẽn xảy ra, các vi khuẩn bình thường thường trú trong lòng ruột thừa bắt đầu xâm lấn vào thành ruột thừa. Cơ thể đáp ứng với hiện tượng xâm lấn này bằng cách tấn công các vi khuẩn. Hiện tượng tấn công các vi khuẩn đó được gọi là viêm. Nếu hiện tượng viêm và nhiễm khuẩn lan rộng đến thành ruột thừa thì ruột thừa sẽ bị vỡ ra. Sau khi ruột thừa vỡ, nhiễm khuẩn sẽ lan rộng vào trong ổ bụng. Tuy nhiên hiện tượng nhiễm khuẩn này thường giới hạn thành một vùng nhỏ xung quanh ruột thừa được gọi là áp xe quanh ruột thừa. Nếu ruột thừa bị nhiễm khuẩn không được cắt bỏ, nó có thể vỡ và truyền vi khuẩn đi, gây nhiễm khuẩn khắp vùng bụng, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Biểu hiện viêm ruột thừa
Đối với trẻ nhỏ, dấu hiệu nhân biết viêm ruột thừa khá đặc trưng: đau bụng. Trẻ kêu đau bụng tự nhiên, lúc đầu có thể đau vùng thượng vị hay quanh rốn, nhưng sau đau khu trú ở vùng hố chậu phải, đau âm ỉ. Trẻ buồn nôn và nôn. Ở trẻ em có khi thấy đi tiêu lỏng hay bị tiêu chảy. Sốt nhẹ khoảng 37,5o – 38,5oc; trẻ sẽ bị sốt cao khi ruột thừa sắp vỡ hoặc đã vỡ. Môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi đó là trẻ bị đau bụng vùng xung quanh rốn, sốt nhẹ, không muốn ăn, buồn nôn, nôn. Bụng trẻ trương cứng. Do chủ quan nên nhiều bậc cha mẹ tự chẩn đoán bệnh cho con dẫn tới tình trạng ruột thừa bị vỡ, gây những biến chứng khôn lường.
|
Biến chứng do viêm ruột thừa
– Vỡ ruột thừa: Biến chứng này có thể gây ra áp xe quanh ruột thừa hoặc nặng hơn là viêm phúc mạc lan tỏa.
– Tắc ruột: Biến chứng này ít gặp hơn. Tắc ruột xuất hiện khi hiện tượng viêm xung quanh ruột thừa làm cho cơ của thành ruột ngưng hoạt động, ngăn cản không cho các thành phần bên trong lòng ruột được đẩy đi.
– Nhiễm khuẩn huyết: Là hiện tượng vi khuẩn gây nhiễm khuẩn từ ruột thừa vào dòng máu và đi khắp cơ thể. Đây là một biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng.
Không có cách nào để ngăn ngừa viêm ruột thừa, nhưng với các phương pháp kiểm tra và xét nghiệm hiện đại hiện nay, cùng với kháng sinh, hầu hết các trường hợp bệnh viêm ruột thừa có thể được xác định và điều trị mà không gây biến chứng. Trẻ càng nhỏ, viêm ruột thừa càng nguy hiểm. Hiện nay, mổ viêm ruột thừa là một phẫu thuật rất đơn giản. Đặc biệt với phương pháp mổ nội soi, khả năng hồi phục sau mổ của bệnh nhân rất nhanh, đảm bảo thẩm mỹ và tránh được những biến chứng sau mổ. Các bác sĩ khuyến cáo, viêm ruột thừa không thể phòng nên việc phát hiện sớm để giải quyết kịp thời trước khi ruột thừa vỡ là rất quan trọng, đặc biệt với trẻ nhỏ. Vì vậy khi thấy trẻ có dấu hiệu đau bụng nhói ở vùng quanh rốn, hãy đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
BS. Nguyễn Thanh Lâm
Nguyên nhân gây viêm ruột thừa gồm: tắc ruột thừa, nhiễm khuẩn ruột thừa và tắc nghẽn các mạch máu của ruột thừa; nguyên nhân thứ ba thường là hậu quả của hai nguyên nhân trước. Thực tế, hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện khám là do triệu chứng đau bụng. Trên lâm sàng, có nhiều thể bệnh khác nhau cần lưu ý.
Bệnh viêm ruột thừa trên thực tế lâm sàng bao gồm những thể khác nhau. Mỗi thể bệnh lâm sàng có các đặc điểm riêng biệt nhưng việc chẩn đoán xác định căn cứ vào các dấu hiệu toàn thân như sốt 38 – 390C, mạch nhanh; có dấu hiệu cơ năng đau đột ngột ở hố chậu phải, cơn đau ngày càng tăng, buồn nôn và nôn, chán ăn và táo bón; khám thấy có dấu hiệu thực thể ở bụng với phản ứng thành bụng hoặc co cứng thành bụng khu trú ở hố chậu phải, điểm đau khu trú rõ rệt ở điểm Mac Burney hoặc điểm Lanz; biểu hiện này gọi là tam chứng viêm ruột thừa của Dieulafoy; có thể thấy tăng cảm giác ở da và thường hay thay đổi, đôi khi gập đùi chân phải lên bụng thì gây đau. Thăm khám trực tràng hoặc thăm khám âm đạo có thể ghi nhận người bệnh đau bên phải. Xét nghiệm thấy bạch cầu tăng trên 10.000/mm3 máu với sự gia tăng của bạch cầu đa nhân.
Vị trí đau ruột thừa
Ruột thừa bị hoại tử khu trú hoặc lan tỏa do vi khuẩn yếm khí gây nên trên thể trạng bệnh nhân suy yếu. Các dấu hiệu toàn thân rầm rộ nhưng dấu hiệu ở bụng lại kín đáo. Trường hợp này nếu không được phát hiện, chẩn đoán, xử trí can thiệp phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa kịp thời và điều trị kháng sinh mạnh, hồi sức tích cực thì sẽ có nguy cơ dẫn đến tử vong. Tổn thương về giải phẫu bệnh thường không phù hợp với tình trạng toàn thân, khi mổ thấy ruột thừa có một mảng nhỏ hoại tử ở đầu hoặc vẻ bề ngoài chỉ thay đổi ít nhưng mở lòng ruột thừa ra thấy niêm mạc bị hoại tử toàn bộ. Triệu chứng toàn thân được thể hiện hội chứng sốt nhiễm khuẩn nhiễm độc ngay từ đầu. Về tuần hoàn ghi nhận triệu chứng mạch nhỏ, nhanh từ 130 – 140 lần/phút, đập không đều, có khi không bắt được; sau đó bị tụt huyết áp và trụy tim mạch; tình trạng mạch là yếu tố cần thiết giúp cho việc chẩn đoán và điều trị kịp thời. Về hô hấp, ghi nhận triệu chứng khó thở, nhịp thở không đều, cánh mũi phập phồng, môi tím tái. Về thân nhiệt, thấy triệu chứng sốt nhẹ hoặc giảm thân nhiệt, ít khi có sốt cao và sốt rét run. Về tình trạng vận mạch, thấy vẻ mặt lờ đờ, tím tái, mắt trũng, các đầu chi tím và lạnh. Triệu chứng ở bụng không rõ rệt, bụng xẹp hoặc hơi trướng, nắn không đau dữ dội, phản ứng thành bụng khó thấy, không bao giờ có co cứng thành bụng. Thăm khám trực tràng thấy bình thường. Với tính chất nguy kịch đối với thể bệnh nhiễm độc của viêm ruột thừa, biện pháp can thiệp có hiệu quả nhất là phải chẩn đoán sớm và xử trí điều trị kịp thời.
Thể bệnh này hiếm gặp nhưng rất khó chẩn đoán, bệnh thường có diễn biến xấu nhanh chóng vì ở nhóm tuổi này sức đề kháng của cơ thể đối với tình trạng nhiễm khuẩn kém. Trẻ bị đau bụng nhưng rất khó biết điểm đau, cường độ đau và thời gian đau. Tiêu hóa bị rối loạn với triệu chứng nôn, bụng trướng, có khi tiêu chảy. Phần lớn các trường hợp bị sốt cao trên 390C. Do tính chất lâm sàng và diễn biến đặc biệt của viêm ruột thừa ở trẻ còn bú nên khi khám bụng phải rất cẩn thận. Phải khám ngay trẻ được bế trên tay người mẹ, khi nắn bụng cần so sánh thật kỹ giữa bên trái và bên phải, chú ý dấu hiệu đau dội lên khi giảm đột ngột áp lực nắn. Trường hợp nghi ngờ nên tiêm bắp hay thụt hậu môn một ít thuốc barbiturique để khám chính xác. Nếu khám trẻ lúc đang ngủ, khi nắn bụng bên trái trẻ vẫn ngủ yên nhưng chỉ nắn nhẹ bên phải thì trẻ thức ngay hoặc giẫy giụa và phải nghĩ ngay đến viêm ruột thừa. Ở trẻ đang bú, có thể dựa vào hình ảnh phim chụp X-quang không chuẩn bị để giúp thêm cho việc chẩn đoán xác định với hình ảnh tắc ruột do viêm ở ngã ba hồi-đại tràng hoặc hình hoa thị ở hố chậu phải. Tóm lại, đối với trẻ còn bú nếu thấy quấy khóc, mất ngủ đêm, xanh tái, sốt cao, nôn, tiêu chảy, bụng trướng…; sau khi dùng thuốc ngủ nắn bụng bên phải thấy trẻ giẫy giụa, nếu loại trừ các viêm nhiễm về tai mũi họng hoặc viêm phổi, tiêu chảy nhiễm trùng, viêm màng não và viêm đường tiết niệu… kết hợp với kết quả hình ảnh của phim chụp X-quang không chuẩn bị thì có thể chẩn đoán xác định viêm ruột thừa.
Diễn biến lâm sàng viêm ruột thừa ở trẻ em xảy ra xấu và nhanh, sớm có triệu chứng viêm màng bụng
Trường hợp này thường gặp nhiều hơn ở trẻ còn bú. Diễn biến lâm sàng xảy ra xấu và nhanh, sớm có bệnh cảnh triệu chứng viêm màng bụng. Trong chẩn đoán phải loại trừ trường hợp viêm phổi và viêm mạng bụng tiên phát do phế cầu khuẩn. Thực tế thường gặp nhất là trường hợp bệnh lý có hai thì: thì thứ nhất với triệu chứng cơn đau ruột thừa cấp tính ít có dấu hiệu màng bụng, sau đó thuyên giảm, yên lặng; thì thứ hai với triệu chứng viêm màng bụng toàn thể, toàn trạng suy sụp nhanh chóng trong vòng vài giờ nên khá nguy hiểm nếu không được phát hiện, chẩn đoán và xử trí can thiệp phù hợp.
Rất ít khi xảy ra nhưng khó phát hiện, chẩn đoán hơn đối với với người phụ nữ bình thường. Bệnh thường có diễn biến xấu, nhanh với các biến chứng như: thủng và viêm màng bụng ruột thừa, sảy thai, đẻ non. Ở giai đoạn 3 tháng đầu của thời kỳ mang thai, hiện tượng nôn nhiều do viêm ruột thừa dễ gây nhầm lẫn với rối loạn ốm nghén. Khi đau vùng chậu, có thể do tư thế phát triển bất thường của thai hoặc viêm bể thận, giãn khớp và gây đau. Khi thai đã lớn, điểm đau có thể ở hố chậu phải hoặc ở thượng vị hay quanh rốn. Người bệnh có thể không nôn, không sốt; khi khám gặp khó khăn vì tử cung lớn che mất ruột thừa hoặc đẩy ruột thừa ra khỏi vị trí bình thường; nắn thấy đau dọc bên phải tử cung, có thể ấn tử cung từ phía trái sang sẽ gây đau bên phải. Ngoài ra, đặt tư thế bệnh nhân nằm nghiêng bên trái, hai chân hơi co để tử cung rời xa vùng ruột thừa giúp kiểm tra hố chậu phải dễ dàng hơn.
Cũng ít gặp, trường hợp này phát hiện, chẩn đoán hơi khó và xử trí can thiệp phẫu thuật thường muộn. Do đó, theo các nhà khoa học, viêm ruột thừa ở người cao tuổi có tỉ lệ tử vong cao hơn từ 8 – 16 lần so với người còn ít tuổi. Thực tế thường gặp hai thể bệnh trên lâm sàng: thể tắc ruột có kèm sốt không rõ nguyên nhân và thể khối u có thể nắn thấy ở vùng hố chậu phải hoặc thăm khám trực tràng phát hiện, mổ ra thấy ruột thừa có hình chùy. Ở người cao tuổi, viêm ruột thừa thường kết hợp với nhiều bệnh khác như: phổi, tim, nội tiết… nên cũng đã góp phần làm tăng tỉ lệ tử vong.
Viêm ruột thừa tắc ruột xảy ra có thể do ruột thừa nằm ở mạc treo trước hoặc sau hồi tràng hoặc do những quai tiểu tràng cuối dính vào ruột thừa đã làm mủ. Hội chứng tắc ruột diễn biến từ từ kèm theo sốt cao trên 390C; đau ít, táo bón bất thường, trướng bụng. Chụp phim X-quang không chuẩn bị thấy có bóng hơi, mức nước nhỏ ở tiểu khung hoặc bóng hơi hồi tràng nhưng không thấy bóng hơi đại tràng phải.
Tránh ăn quá nhiều thịt và rất ít rau
Bệnh nhân thường đến cơ sở y tế muộn với hội chứng nhiễm khuẩn, có thể nôn hoặc buồn nôn, sốt cao. Khám hố chậu phải thấy đau nhẹ nhưng khám điểm trên mào chậu hoặc hố thắt lưng thì bệnh nhân lại rất đau, có khi chân phải không duỗi thẳng được như viêm cơ đáy chậu. Thăm khám trực tràng có thể thấy đau bên phải.
Thường có các dấu hiệu đi tiểu rắt, tiểu buốt. Thăm khám trực tràng thấy túi cùng Douglas đau, có khi thấy một khối nhỏ ở thành phải trực tràng. Ở phụ nữ phải phân biệt với viêm phần phụ hay có thai ngoài tử cung đe dọa vỡ.
Trong trường hợp này do manh tràng quay chưa hết trong cấu tạo cơ thể, vẫn còn nằm ở vị trí dưới gan nên rất khó phát hiện, chẩn đoán.
Có biểu hiện hội chứng thoát vị cấp tính như bị nghẹt kèm theo sốt. Cần phân biệt với trường hợp viêm màng bụng túi thoát vị, mủ từ ổ bụng vào túi thoát vị do tổn thương trong ổ bụng, đặc biệt là viêm ruột thừa trong bao thoát vị.
Đây là trường hợp viêm ruột thừa do giun chui vào ruột thừa gây viêm. Trường hợp này thường gặp ở những bệnh nhân có nhiều giun và tẩy giun không đủ liều. Bệnh nhân thường lên cơn đau dữ dội ở hố chậu phải sau khi tẩy giun, có triệu chứng sốt nhẹ hoặc không sốt. Khám hố chậu phải thấy đau nhưng có phản ứng thành bụng nhẹ. Khi phẫu thuật có thể thấy ruột thừa ngọ nguậy, cắt ruột thừa ra có thể thấy giun đũa ở bên trong; có trường hợp thấy điểm hoại tử ở ruột thừa và giun đũa đang chui ra từ đó.
Trường hợp này hiếm gặp và thường xảy ra ở bệnh nhân bị bệnh lỵ amíp. Việc phát hiện và chẩn đoán rất khó khăn vì dễ nhầm lẫn với viêm manh tràng. Chỉ khi phẫu thuật mới xác định được viêm ruột thừa đơn thuần hay kèm với cả viêm manh tràng. Xử trí cắt bỏ ruột thừa bị viêm nếu tổn thương ruột thừa rõ rệt mà tổn thương manh tràng không trầm trọng hoặc có thể không cắt bỏ ruột thừa mà chỉ dẫn lưu và điều trị nội khoa nếu tổn thương manh tràng lớn để tránh tình trạng bục mỏm ruột thừa sau phẫu thuật.
Thường có hội chứng viêm ruột thừa cấp tính hoặc bán cấp tính. Phẫu thuật thấy ruột thừa sưng to và rải rác có những hạt màu trắng ngà. Có hạch to ở mạc treo, manh tràng có thể dày và cứng, có dịch trong ổ bụng ít hay nhiều. Xét nghiệm giải phẫu bệnh thấy có hình ảnh lao. Nếu bệnh nhân không được điều trị bằng thuốc chống lao tích cực thì có thể bị bục mỏm ruột thừa và bị rò.
Rất hiếm gặp, có thể xảy ra trước thời kỳ toàn phát của bệnh thương hàn. Biểu hiện lâm sàng với triệu chứng như viêm ruột thừa bình thường và cách xử trí can thiệp cũng giống trường hợp bình thường, có thể xảy ra ở tuần thứ ba của diễn biến bệnh. Ở bệnh nhân mắc bệnh thương hàn, nếu thấy đau hố chậu phải, có một ít phản ứng thành bụng, bụng trướng lên, mạch nhanh thêm, bạch cầu không giảm mà tăng lên, toàn trạng suy sụp nhanh… phải nghĩ đến viêm ruột thừa. Lưu ý khi phẫu thuật phải kiểm tra kỹ xem có kèm với thủng hồi tràng không.
Rất khó phát hiện và chẩn đoán vì một số bệnh truyền nhiễm như sởi, tinh hồng nhiệt… ở giai đoạn đầu có đau bụng và thường các dấu hiệu lâm sàng khá nghèo nàn.
Viêm màng bụng ruột thừa tức thì
Thường xảy ra rất đột ngột ở trẻ em và người cao tuổi, không có biểu hiện của triệu chứng viêm ruột thừa cổ điển, người bệnh đau dữ dội như dao đâm ở quanh rốn, thượng vị, hố chậu phải. Khi cựa mình, ho hoặc chạm nhẹ vào thành bụng thì bệnh nhân cũng kêu đau. Sốt cao đến 390C, toàn trạng suy sụp, sau đó co cứng toàn bụng nhưng nặng nhất ở hố chậu phải. Nếu can thiệp phẫu thuật chậm sẽ bị tắc ruột do liệt, làm cho tình trạng viêm ruột thừa nặng thêm dẫn đến tử vong. Ở những bệnh nhân này dễ nhầm lẫn với các trường hợp thủng dạ dày, viêm túi mật hoặc viêm tụy cấp tính.
Lời khuyên của thầy thuốc
Cùng với sự phát triển của xã hội công nghiệp và tình hình tập trung dân cư ở thành phố ngày càng cao đã tạo điều kiện thuận lợi để bệnh viêm ruột thừa xảy ra ngày càng nhiều. Vì vậy, để phòng bệnh viêm ruột thừa, nên tránh ăn quá nhiều thịt và rất ít rau, phải vận động cơ thể thường xuyên, tránh táo bón, giữ gìn vệ sinh ăn uống và sử dụng nhà vệ sinh đúng quy cách, phòng chống các bệnh ký sinh trùng đường ruột… Đồng thời, lưu ý một vấn đề quan trọng là phải phát hiện, chẩn đoán sớm và xử trí can thiệp phẫu thuật kịp thời khi đã bị viêm ruột thừa để phòng ngừa biến chứng. Để thực hiện được điều này, cần đến cơ sở y tế khám bệnh mỗi khi thấy đau bụng, nhất là đau vùng hố chậu phải kèm theo sốt để có thể can thiệp phẫu thuật sớm trước 6 giờ nếu bị viêm ruột thừa. Nên nhớ rằng, viêm ruột thừa là một bệnh nhất thiết phải xử trí can thiệp bằng biện pháp phẫu thuật sớm, không được tự chữa bệnh bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Viêm ruột thừa là tình trạng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nếu được phát hiện kịp thời việc cắt bỏ ruột thừa diễn ra nhanh chóng, đơn giản. Tuy nhiên, nếu để chậm trễ sẽ dẫn đến ruột thừa bị vỡ hoặc gây áp-xe, nhiễm khuẩn có thể dẫn đến tử vong. Các cơn đau ruột thừa thường có những đặc trưng riêng, nên nếu nhận biết kịp thời sẽ tránh được những khó khăn, phức tạp không đáng có.
Ruột thừa là một túi hình ngón tay từ ruột già ở phía dưới bên phải của bụng. Cấu trúc nhỏ này không có mục đích thiết yếu được biết đến, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thể gây ra vấn đề.
Bệnh viêm ruột thừa thường xảy ra ở độ tuổi thanh thiếu niên và người trưởng thành từ 10 đến 30 tuổi, thậm chí có khi bệnh còn xảy ra với các bé từ 3 đến 4 tuổi và bệnh không lây lan, không di truyền. Viêm ruột thừa thường không có nguyên nhân rõ ràng, bởi vì nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh viêm ruột thừa này. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do lỗ thông giữa ruột thừa và ruột già bị tắc nghẽn. Hiện tượng này là do phân từ ruột đi xuống kết hợp với dịch nhầy trong ruột thừa lâu ngày tụ lại và kết tủa cứng gây nên hiện tượng tắc nghẽn. Khi bị tắc nghẽn thì thành ruột thừa bị ép chặt làm máu không thể đi xuống để nuôi các tế bào. Tình trạng thiếu máu nặng dần sẽ hình thành các vi khuẩn và nhiễm trùng bao gồm những vi khuẩn đường ruột, vi khuẩn yếm khí và các vi khuẩn gram… gây nên tình trạng viêm ruột thừa.
Viêm ruột thừa không thể tự điều trị ở nhà, cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để phẫu thuật tránh nguy cơ viêm nhiễm nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Triệu chứng dễ nhận thấy khi bị viêm ruột thừa là đau âm ỉ vùng hố chậu phải. Đau nhức bắt đầu xung quanh rốn và thường chuyển tới vùng bụng dưới bên phải. Cơn đau trở nên rõ nét hơn trong nhiều giờ. Đau nhói ở bụng dưới bên phải xảy ra khi nhấn vào khu vực này. Đau nặng hơn nếu ho, đi bộ hoặc thực hiện các chuyển động khác. Buồn nôn, ói mửa (dấu hiệu thường gặp ở trẻ em). Mất cảm giác ngon miệng. Sốt nhẹ (từ 37,5 đến 380C), táo bón, bí trung tiện, tiêu chảy, trướng bụng…
Khi ruột thừa bị viêm và sưng, vi khuẩn có thể nhân lên rất nhanh bên trong và dẫn đến việc hình thành mủ. Việc phát triển của vi khuẩn và mủ có thể gây ra đau bụng xung quanh rốn, rồi lan xuống bụng dưới bên phải. Đi lại hoặc ho có thể làm bạn thấy đau hơn. Bạn cũng có thể sẽ bị buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
Việc điều trị ngay lập tức là rất quan trọng nếu bị viêm ruột thừa. Nếu viêm ruột thừa không được điều trị, ruột thừa có thể sẽ vỡ ra, giải phóng vi khuẩn và các chất gây hại vào trong ổ bụng. Điều này làm mất nhiều thời gian điều trị trong bệnh viện hơn và thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Khi ruột thừa bị viêm và vỡ, các chất của đường ruột và các sinh vật gây bệnh có thể bị rò rỉ vào khoang bụng và gây ra nhiễm trùng ổ bụng (viêm phúc mạc). Nếu ruột thừa vỡ, nhiễm khuẩn và sự rò rỉ các chất đường ruột có thể hình thành áp-xe – ổ nhiễm trùng ruột thừa áp-xe quanh ruột thừa. Vì vậy, ruột thừa áp-xe cần phải điều trị trước khi vỡ ổ áp-xe, gây nhiễm trùng rộng khoang bụng. Chính vì thế ngay khi có dấu hiệu nhận ra mình bị viêm ruột thừa cần tới ngay bệnh viện để khám và điều trị sớm. Phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm ruột thừa thường là cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm và có thể phẫu thuật dưới hai hình thức sau: mổ hở và mổ nội soi.
Trước khi phẫu thuật: Người bệnh cần tránh ăn và uống ít nhất 8 tiếng trước phẫu thuật. Cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc nghĩ rằng mình có thể đang có thai. Bị dị ứng với một số loại thuốc nhất định (ví dụ như thuốc gây tê, gây mê). Có tiền sử rối loạn chảy máu…
Nguy cơ có thể gặp sau cắt bỏ ruột thừa: Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là một thủ thuật đơn giản và phổ biến. Tuy nhiên, cũng có một số nguy cơ với phẫu thuật, bao gồm: chảy máu, nhiễm khuẩn, tổn thương các cơ quan xung quanh, tắc ruột… Cần nhớ rằng, những nguy cơ này thường ít nghiêm trọng hơn nguy cơ viêm ruột thừa không được điều trị. Cắt bỏ ruột thừa cần được tiến hành ngay để ngăn chặn áp-xe và viêm màng bụng.
Phản ứng của cơ thể người bệnh với phẫu thuật: Vài ngày sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể cảm thấy hơi đau ở vùng vết mổ. Những cơn đau và cảm giác khó chịu sẽ giảm dần sau vài ngày. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc để giảm đau và một vài loại thuốc kháng sinh để ngăn chặn nhiễm trùng sau phẫu thuật. Người bệnh cũng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng cách giữ vết mổ luôn sạch sẽ. Bệnh nhân cũng nên chú ý đến các dấu hiệu nhiễm khuẩn, bao gồm: sưng đỏ quanh vết mổ, sốt cao trên 38 độ, ớn lạnh, nôn mửa, mất vị giác, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài hơn 2 ngày. Nguy cơ nhiễm trùng rất nhỏ, đa số bệnh nhân bị viêm ruột thừa và sau phẫu thuật sẽ hồi phục mà không có khó khăn gì.
Vài lưu ý sau phẫu thuật mổ viêm ruột thừa: Sau phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, bệnh nhân nên tránh hoạt động gắng sức. Hạn chế hoạt động quanh vùng vừa được phẫu thuật. Sau ca phẫu thuật, người bệnh sử dụng thuốc giảm đau mà không thấy hiệu quả thì cần gọi bác sĩ. Hạn chế, lưu ý và cẩn thận trong việc đi lại và di chuyển. Không nên thức khuya. Hạn chế chơi thể thao trong vòng 2 đến 4 tuần sau mổ.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để phòng bệnh viêm ruột thừa, mọi người cần cẩn trọng trong việc ăn uống hằng ngày là đã loại bỏ phần lớn nguy cơ gây bệnh viêm ruột thừa: Uống nhiều nước để giúp đường ruột được thông suốt và hoạt động tốt. Ăn nhiều củ cải, dưa chuột và nước ép trái cây. Ăn nhiều rau để tăng dịch nhầy, ngăn quá trình tích tụ tại ruột thừa và ruột già. Ăn tỏi nhiều để kháng viêm. Đậu xanh là một thực phẩm nên sử dụng giúp làm sạch đường ruột.
BS. Hạnh Nguyễn
Bệnh viêm ruột, bao gồm cả bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại tràng là một căn bệnh còn nhiều điều bí ẩn. Cả 2 tình trạng này đều là tình trạng mãn tính và nghiêm trọng, có nguyên nhân là do một phản ứng miễn dịch bất thường, dẫn đến tiêu chảy, đau quặn bụng, chảy máu trực tràng, sốt, đau khớp, mất cảm giác ngon miệng và mệt mỏi. Đó là chưa kể đến các biến chứng của viêm ruột như rò ruột hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác cần phải phẫu thuật để cắt bỏ đoạn ruột bị viêm đi.
Dưới đây là một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị viêm ruột của bạn.
Nơi bạn sinh sống
Những người sống ở các quốc gia phương Tây như Mỹ và châu Âu có nguy cơ bị bệnh viêm ruột cao hơn so với những người sống tại các khu vực khác trên thế giới. Nguyên nhân có thể là do các yếu tố liên quan đến lối sống như hút thuốc lá, chế độ ăn hoặc do ô nhiễm không khí. Tuy nhiên trong khoảng 20 năm trở lại đây, các nước Mỹ Latin, Nhật Bản, Đông Nam Á và Ấn Độ là những khu vực có những ca bùng phát bệnh viêm ruột.
Tuổi
Mặc dù có một sự tăng vọt các ca bệnh mới mắc viêm ruột ở những người trong độ tuổi từ 50-60 tuổi, nhưng đa số các ca bệnh viêm ruột đều đang ở tuổi thanh thiếu niên hoặc là người trưởng thành trẻ tuổi. Và các bác sỹ nhi khoa tin rằng, bệnh viêm ruột đang có xu hướng “trẻ hóa”. Khoảng 15% số bệnh nhân mắc bệnh viêm ruột trước tuổi 18. Và có những bằng chứng tương đối xác thực cho thấy, bạn bị bệnh càng trẻ, thì bệnh càng diễn biến nghiêm trọng. Có một số chuyên gia cho rằng, nếu bệnh phát triển sớm thì nguyên nhân do gen sẽ nhiều hơn, còn nếu bệnh phát triển muộn, thì có thể đó là do các yếu tố về môi trường.
Tình trạng hút thuốc
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe là một điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, vì một số lý do, mà người hút thuốc sẽ có nguy cơ bị viêm loét đại tràng thấp hơn. Nhưng với bệnh Crohn thì ngược lại. Bệnh Crohn sẽ phổ biến ở những người hút thuốc lá hơn, và việc hút thuốc lá cũng làm các triệu chứng bệnh Crohn diễn biến nặng hơn ở những người này.
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa
Những người (thường là những người dưới 20 tuổi) đã từng phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa vì viêm ruột thừa sẽ có nguy cơ bị viêm loét đại tràng thấp hơn và nếu mắc bệnh thì bệnh sẽ ở dạng nhẹ hơn. Tuy nhiên, việc cắt bỏ ruột thừa chỉ đem lại lợi ích nếu phẫu thuật được tiến hành trước khi bệnh viêm loét đại tràng được chẩn đoán.
Những người đã bị viêm loét đại tràng rồi sẽ không thu được lợi ích gì từ việc phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa cả. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, việc cắt bỏ ruột thừa cũng có thể trì hoãn việc phát triển bệnh Crohn. Mối liên quan này có thể là do hệ miễn dịch. Việc cắt bỏ ruột thừa có thể dẫn đến thay đổi một số đáp ứng miễn dịch và có thể sẽ cung cấp miễn dịch bảo vệ chống lại bệnh viêm loét đại tràng.
Tiền sử gia đình
Tiền sử gia đình chắc chắn là một yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm ruột của bạn. Tuy nhiên, các yếu tố liên quan đến di truyền phức tạp hơn bạn nghĩ. Có khoảng 30 gen có liên quan đến bệnh viêm loét đại tràng và 71 gen liên quan đến bệnh Crohn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, yếu tố môi trường mới là yếu tố đầu tiên kích hoạt sự phát triển của 2 tình trạng bệnh này. Sự phối hợp của các yếu tố về di truyền và môi trường là hoàn toàn đúng. Bởi, với các cặp song sinh cùng trứng, nếu một người bị bệnh Crohn thì nguy cơ người còn lại cũng bị bệnh Crohn chỉ là 50%. Với bệnh viêm loét đại tràng, con số này còn thấp hơn, chỉ là 6%.
Tiếp xúc với các loại ký sinh trùng
Có một giả thuyết được đưa ra là, việc tiếp xúc với các ký sinh trùng đường ruột có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh viêm ruột. Nhiều nhà khoa học tin rằng, hệ miễn dịch của con người đã phải tiến hóa qua hàng triệu năm để đối phó với các tác nhân xâm lược từ bên ngoài.
Những người sống ở các quốc gia phát triển, có điều kiện sống tốt, có thể sẽ ít tiếp xúc với các loại ký sinh trùng hơn và do vậy có thể sẽ có các đáp ứng miễn dịch bất thường khi gặp vi sinh vật lạ, và gây ra bệnh viêm ruột. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn chưa được chứng minh. Một số nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu xem liệu việc điều trị bệnh viêm ruột bằng các ký sinh trùng đường ruột có thể giúp làm giảm nhẹ triệu chứng hay không.
Dùng thuốc
Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến nguy cơ bệnh viêm ruột có thể bao gồm cả việc dùng thuốc. Ví dụ, một số nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa việc dùng thuốc tránh thai hàng ngày trong thời gian dài với việc tăng nguy cơ bị viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Trị liệu hormone thay thế trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn. Các loại thuốc khác, ví dụ như isotretinoin dùng để trị mụn, cũng đóng một vai trò nhất định. Các loại thuốc giảm đau không chứa steroid (NSAID) cũng có thể làm nặng thêm các triệu chứng viêm ruột nhưng không làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn.
Chế độ ăn
Có một số nghiên cứu mâu thuẫn nhau về việc, liệu một số thói quen ăn uống nhất định có làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột hay không. Một nghiên cứu tại Nhật Bản báo cáo lại rằng, phụ nữ tiêu thụ nhiều protein, đặc biệt là protein động vật sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn. Một số nghiên cứu khác, lại thấy rằng, có mối liên quan giữa chế độ ăn giàu chất béo và nhiều đường với tình trạng viêm ruột.
Chủng tộc
Bệnh viêm ruột phổ biến ở những người da trắng có nguồn gốc Bắc Âu hơn, so với người dân có gốc Do Thái. Nguyên nhân là do những nhóm người nay thường có các gen liên quan với bệnh viêm ruột nhièu hơn, cũng như sống ở các khu vực công nghiệp nhiều hơn.
Tuy nhiên, tới nay, khoảng cách về dân tộc đang được thu hẹp lại. Các triệu chứng viêm ruột cũng có thể sẽ khác nhau giữa các nhóm dân tộc khác nhau, và đây là một lĩnh vực cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn. Một số nghiên cứu cho rằng, người Mỹ gốc Phi sẽ có thể cần phải phẫu thuật vì bệnh viêm ruột nhiều hơn là người da trắng.
Vi khuẩn trong ruột
Đường ruột có chứa hàng nghìn tỷ vi khuẩn giúp bạn tiêu hóa thức ăn. Chúng là những lợi khuẩn, hay vi khuẩn có lợi. Tuy nhiên, nếu bạn bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại, ví dụ như salmonella và campylobacter, thì có thể những loại vi khuẩn này sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm ruột của bạn. Cả 2 loại vi khuẩn này đều có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua thức ăn bị nhiễm bẩn và là nguyên nhân gây ra hàng nghìn ca ngộ độc thức ăn mỗi năm.
Liên Hương – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Viêm ruột thừa cấp là một trong những bệnh lý cấp cứu ngoại khoa hay gặp nhất, thường xảy ra ở nam giới, đặc biệt vào tuổi dậy thì. Nguyên nhân chủ yếu là do tắc nghẽn lòng ruột thừa, sỏi phân. Ngoài ra, có thể do phì đại mô bạch huyết, do rau và quả hạt; do giun đũa. Cần chẩn đoán nhanh, chính xác và điều trị phẫu thuật kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng có thể xảy ra…
Đau bụng: Đây là triệu chứng đầu tiên của viêm ruột thừa cấp. Về kinh điển thì đau bụng bắt đầu lan toả ở vùng thượng vị và vùng rốn. Đau vừa phải, không thay đổi, đôi khi có những cơn co thắt trội lên. Sau một thời gian từ 1-12 giờ (thường trong vòng 4-6 giờ), cơn đau sẽ khu trú ở hố chậu phải. Ở một số bệnh nhân, đau của viêm ruột thừa bắt đầu ở hố chậu phải và vẫn duy trì ở đó.
Ngoài ra, nếu ruột thừa không ở đúng vị trí giải phẫu làm cho triệu chứng đau phức tạp hơn và khó dự báo hơn.
Chán ăn: Đây là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm ruột thừa.
Nôn: Xảy ra trong khoảng 75% bệnh nhân, nhưng không nổi bật và không kéo dài, hầu hết bệnh nhân chỉ nôn 1-2 lần.
Nếu chưa có biến chứng thì bệnh nhân có thể có sốt nhưng nhiệt độ ít khi tăng quá 39oC, mạch bình thường hay hơi tăng. Những thay đổi quá mức thường gợi ý là đã có biến chứng hoặc nên xem xét đến một chẩn đoán khác.
Khi đến cơ sở y tế, bác sĩ sẽ làm thêm một số nghiệm pháp như tìm điểm đau Mac Burney, làm dấu hiệu Blumberg, dấu hiệu Rovsing để xác định thêm chẩn đoán.
Tuy nhiên, nếu ruột thừa ở sai vị trí giải phẫu, thì tùy theo vị trí mà biểu hiện lâm sàng sẽ có những điểm khác nhau.
Với viêm ruột thừa sau manh tràng, dấu hiệu lâm sàng ở vùng bụng trước ít nổi bật và nhạy cảm đau có thể nổi trội nhất ở vùng mạn sườn hay trên gai chậu sau trên.
Khi viêm ruột thừa thể tiểu khung, triệu chứng ở bụng thường nhẹ nhàng và có thể chẩn đoán nhầm trừ khi có thăm trực tràng.
Vị trí ruột thừa trong ổ bụng.
Ở những bệnh nhân viêm ruột thừa cấp chưa có biến chứng, bạch cầu tăng nhẹ (từ 10.000-18.000/mm3) kèm theo tăng bạch cầu đa nhân vừa phải.
Chụp X-quang ổ bụng tư thế thẳng ít có giá trị trong chẩn đoán viêm ruột thừa cấp.
Siêu âm ổ bụng là một biện pháp được áp dụng trong chẩn đoán các bệnh lý ở ổ bụng nói chung và viêm ruột thừa cấp nói riêng. Hình ảnh viêm ruột thừa cấp điển hình trên siêu âm với hình một quai ruột không có nhu động, một đầu cụt và xuất phát từ manh tràng. Khi ép đầu dò tối đa, đo đường kính của ruột thừa theo kích thước trước sau. Kết quả được cho là dương tính khi kích thước > 6mm theo đường kính ngang nếu như không thể ép ruột thừa được nữa theo chiều trước sau. Có sỏi ở ruột thừa sẽ là chẩn đoán xác định. Hình ảnh siêu âm được xem như là âm tính nếu như không nhìn thấy ruột thừa và không có dịch hoặc một hình khối ở quanh manh tràng. Chẩn đoán xác định viêm ruột thừa cấp bằng siêu âm có độ nhạy từ 78-96% và độ đặc hiệu từ 85-98%.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng sau: Tạo đám quánh ruột thừa; vỡ mủ hình thành áp xe ruột thừa; vỡ mủ hay hoại tử gây viêm phúc mạc toàn thể; hình thành áp xe ruột thừa sau đó áp xe ruột thừa vỡ gây viêm phúc mạc; ruột thừa viêm mạn. Đặc biệt viêm ruột thừa vỡ mủ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác, thậm chí là tử vong.
Chẩn đoán phân biệt viêm ruột thừa cấp là chẩn đoán rất cần thiết trong trường hợp đau bụng cấp. Tính chính xác của chẩn đoán trước mổ chỉ đạt khoảng 85%. Cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý sau:
Viêm dạ dày- ruột cấp: Rất hay gặp ở trẻ em, nhưng thường dễ dàng phân biệt được với viêm ruột thừa. Viêm dạ dày ruột do virus, một nhiễm trùng cấp tự giới hạn do nhiều nguyên nhân khác nhau đặc trưng bởi tiêu chảy nhiều nước, buồn nôn và nôn. Cơn co thắt ở bụng do tăng nhu động ruột xuất hiện trước khi đại tiện phân nước. Bụng giãn mềm giữa cơn co thắt, và không có dấu hiệu khu trú. Xét nghiệm cận lâm sàng đều bình thường.
Bệnh lý của nam giới bao gồm xoắn tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn cấp tính.
Viêm túi thừa Meckel: Bệnh này gây ra hình ảnh lâm sàng rất giống với bệnh cảnh của viêm ruột thừa cấp.
Lồng ruột.
Loét dạ dày-tá tràng bị thủng: Loét dạ dày tá tràng bị thủng gần giống với viêm ruột thừa nếu như chất trong dạ dày tá tràng theo trọng lượng đi xuống rãnh kết tràng với manh tràng và nếu như chỗ thủng sớm được bịt lại, do đó dấu hiệu ở bụng trên rất ít.
Các thương tổn khác: Viêm túi thừa, ung thư manh tràng, viêm túi thừa mạc nối đại tràng, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm thận-bể thận cấp (đặc biệt ở bên phải), viêm hoặc áp xe cơ thắt lưng chậu bên phải, sỏi niệu quản, viêm phúc mạc nguyên phát, viêm phần phụ và vỡ nang De Graaf.
Bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em
Chẩn đoán viêm ruột thừa cấp ở trẻ nhỏ khó hơn ở người trưởng thành. Quá trình diễn tiến rất nhanh, nguy cơ bị vỡ cao làm cho bệnh rất nặng ở trẻ em.
Viêm ruột thừa ở người già
Mặc dù tần suất viêm ruột thừa ở người già thấp hơn ở bệnh nhân trẻ tuổi, nhưng tỷ lệ bệnh tật và tử vong tăng đáng kể ở nhóm bệnh nhân này. Nếu chẩn đoán muộn thì nhanh chóng dẫn đến thủng.
Viêm ruột thừa trong thai kỳ
Viêm ruột thừa là bệnh từ bên ngoài tử cung hay gặp nhiều nhất mà cần phải điều trị ngoại khoa trong thai kì. Tần suất xấp xỉ 1/2000 người mang thai. Viêm ruột thừa cấp có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào trong thai kỳ, nhưng thường gặp nhất trong hai quý đầu. Khi thai nhi phát triển, chẩn đoán viêm ruột thừa ngày càng trở nên khó khăn hơn do ruột thừa bị di lệch lên trên và ra ngoài. Phẫu thuật trong khi mang thai sẽ có nguy cơ đẻ non từ 10-15%, và nguy cơ này giống nhau ở cả hai trường hợp mở bụng âm tính (ruột thừa bình thường) và trường hợp cắt ruột thừa viêm đơn thuần. Nguy hiểm nhất là thủng ruột thừa sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Tỷ lệ tử vong của thai trong viêm ruột thừa sớm là 3-5%, nó tăng lên đến 20% khi ruột thừa viêm bị thủng. Vì vậy, cần chẩn đoán nhanh và can thiệp phẫu thuật khi nghi ngờ viêm ruột thừa trong thai kì.
Phẫu thuật là lựa chọn duy nhất trong điều trị viêm ruột thừa cấp. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, nhưng không nên làm giảm tầm quan trọng của việc can thiệp phẫu thuật sớm. Sử dụng kháng sinh trước mổ có hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng sau mổ. Tùy theo tình trạng viêm, thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương án điều trị tối ưu.
BS. Nguyễn Hữu Khánh
Viêm ruột thừa là một bệnh hay gặp trong cộng đồng, lứa tuổi nào cũng có thể gặp bệnh này. Bệnh nếu không phát hiện sớm để điều trị rất dễ gây những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
Ruột thừa là một thành phần bên trong cơ thể, dài từ 3 – 13cm. Ruột thừa do phần đầu của manh tràng bị thoái hóa, dính với phần đầu manh tràng của ruột già, cách phía dưới góc hồi manh tràng (góc tạo bởi manh tràng, hồi tràng của ruột non) khoảng 2 – 3cm. Ruột thừa có gốc tại điểm hội tụ của 3 dải cơ dọc trên ruột già là điểm giữa của đoạn thẳng nối từ gai chậu trước trên và rốn (1/3 ngoài và 2/3 trong).
Theo những nghiên cứu gần đây của 2 nhà khoa học William Parker và Randal Bollinger thuộc trường Đại học Duke (North Carolina, Hoa Kỳ) cho thấy ruột thừa có vai trò nhất định, thậm chí rất quan trọng trong hệ tiêu hóa. Bởi vì, trong hệ thống ống tiêu hóa, có nhóm vi khuẩn có lợi sống cộng sinh và đóng vai trò thiết yếu trong việc lên men thức ăn, tổng hợp vitamin… và theo quan sát, nhận thấy rằng số lượng vi khuẩn này sẽ giảm dần từ ruột thừa trở đi.
Như vậy, ruột thừa là nguồn dự trữ vi khuẩn có ích cho tiêu hóa. Đặc biệt, trong trường hợp tiêu chảy nặng và sử dụng kháng sinh, hệ tiêu hóa bị “thất thoát” một lượng lớn vi khuẩn có ích, sự “chi viện” từ ruột thừa là vô cùng cần thiết để lập lại hệ vi khuẩn đường ruột, tránh các vi khuẩn gây hại lợi dụng xâm nhập. Thành của ruột thừa chứa mô bạch huyết, là một phần của hệ miễn dịch sản xuất kháng thể.
Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng viêm ruột thừa là do lòng ruột thừa tích tụ quá nhiều chất nhầy hoặc do phân từ manh tràng đi vào ruột thừa. Sau một thời gian, chất nhầy và phân trở nên cứng, rắn và gây ra hiện tượng bít tắt lỗ thông gây viêm cấp. Phân cứng như đá nằm trong lòng ruột thừa người ta gọi là “sỏi phân” (phân có kích thước bằng hạt đậu, cứng và bị canxi hóa gây tắc nghẽn lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng).
Viêm ruột thừa còn có thể do hiện tượng mô bạch huyết của ruột thừa bị phù và làm tắc nghẽn ruột thừa. Sau khi hiện tượng tắc nghẽn xảy ra, các vi khuẩn bình thường cư trú trong lòng ruột thừa bắt đầu xâm lấn vào thành ruột thừa. Cơ thể đáp ứng với hiện tượng xâm lấn này bằng cách tấn công các vi khuẩn. Hiện tượng tấn công các vi khuẩn đó được gọi là viêm. Nhiều trường hợp viêm ruột thừa do giun ở đường ruột chui vào (giun kim, giun đũa…). Giun chui vào ruột thừa mang theo vô số vi khuẩn đường ruột và gây viêm cấp. Hiện tượng viêm ruột thừa cấp rất dễ lan rộng từ lòng đến thành ruột thừa và rất dễ bị vỡ (thủng ruột thừa). Nếu khi ruột thừa vỡ vi khuẩn sẽ nhanh chóng phát triển lan rộng gây nhiễm trùng cấp toàn ổ bụng trong đó đáng sợ nhất là viêm phúc mạc toàn bộ (màng bụng). Đa số các trường hợp viêm ruột thừa thường khu trú ở một vùng nhỏ xung quanh ruột thừa được gọi là ápxe quanh ruột thừa. Một số trường hợp khi bị bệnh viêm ruột thừa được sử dụng kháng sinh ngay từ đầu bởi nhiều lý do khác nhau (không biết là viêm ruột thừa, nghi ngờ nhưng chưa thể đến bệnh viên ngay được vì đường sá xa xôi, do chủ quan xem thường…) cho nên hiện tượng viêm chưa lan rộng vào ổ bụng hoặc bị vỡ nhưng được các cơ quan xung quanh bao bọc, nhất là phúc mạc có thể trở thành đám quánh ruột thừa, về sau đi khám bệnh mới phát hiện đã bị viêm ruột thừa và sẽ được xử trí đám quánh để tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Thường hay gặp nhất là viêm phúc mạc toàn bộ do ruột thừa viêm và bị vỡ (thủng), người bệnh sẽ có hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc (sốt cao, rét run, mạch nhanh, huyết áp tụt, bí trung đại tiện, chướng bụng do liệt ruột, phản ứng thành bụng rất điển hình (sờ vào vị trí nào của bụng cũng đau). Đây là biến chứng nặng nhất nếu không phát hiện sớm và không cấp cứu kịp thời tính mạng người bệnh sẽ bị đe dọa do nhiễm trùng nhiễm độc. Tại thời điểm trước 36 giờ kể từ khi các triệu chứng đầu tiên (đau bụng hố chậu phải, sốt nhẹ, buồn nôn, nôn…) xuất hiện thì nguy cơ thủng ruột thừa thấp nhất là 15%. Do đó, một khi chẩn đoán là viêm ruột thừa nên phẫu thuật, tránh những trì hoãn không cần thiết. Tuy vậy, nếu sức đề kháng tốt và sự kết dính của quai ruột và mạc treo tốt có thể trở thành đám quánh ruột thừa. Trường hợp này, sốt và đau có thể giảm và hố chậu phải sẽ xuất hiện một khối chắc, không di động, ấn đau ít. Nếu xét nghiệm máu có thể thấy bạch cầu không tăng cao như lúc ban đầu, thậm chí bình thường. Đám quánh cũng có thể tiến triển theo hai hướng hoặc tan dần hoặc tạo thành ápxe ruột thừa.
Nếu ruột thừa viêm và bị vỡ nhưng chưa tràn vào ổ bụng nhờ mạc nối và các quai ruột bao bọc xung quanh làm thành hàng rào khu trú vùng viêm không lan ra ổ bụng tạo thành khối ápxe ruột thừa. Lúc này người bệnh vẫn đau hố chậu phải và sốt cao hoặc rất cao, nếu xét nghiệm bạch cầu sẽ tăng cao. Trường hợp này không được xử trí đúng, ápxe có thể vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc giống như trường hợp vừa trình bày ở phân trên, sẽ đỡ nguy hiểm hơn nếu ápxe vỡ ra ngoài.
TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG
Trẻ bị viêm ruột hoại tử có thể bị các biến chứng như: thủng ruột, viêm phúc mạc, tắc ruột dẫn đến tử vong.
Viêm ruột hoại tử là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa đường tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh non tháng. Ngay với trẻ sinh đủ tháng cũng có thể mắc bệnh này nhưng tỷ lệ ít hơn. Bệnh viêm ruột hoại tử cấp tính ở trẻ em gặp nhiều vào mùa hè và mùa thu. Các dấu hiệu của bệnh là:
Đau bụng: Trẻ mắc bệnh mới đầu đau bụng nhẹ, sau đó nặng dần và kéo dài, dữ dội từng cơn. Thường đau ở quanh rốn hoặc vùng bụng trên.
Nôn: Sau khi xuất hiện đau bụng khá lâu, trẻ có thể buồn nôn. Thứ nôn ra là chất hòa tan trong dạ dày, có thể chứa mật gan, nặng có thể nôn ra chất giống màu như cafe.
Dấu hiệu vùng bụng: Vùng bụng của trẻ mắc bệnh thời kỳ đầu mức nhẹ là trướng hơi, mềm, có thể đau nhẹ, nhưng không có điểm đau nhất định. Cùng với trướng bụng, sau đó có thể xuất hiện điểm đau nhất định. Lớp cơ thành ruột thời kỳ cuối hoại tử chảy máu, chức năng vận động đường ruột trở ngại dẫn đến ruột tê liệt, tiếng kêu của ruột giảm hoặc mất hẳn. Khi ruột hoại tử mạnh hơn hoặc ruột thủng lỗ, xuất hiện triệu chứng viêm màng bụng, lúc đó đau bụng dữ dội, trướng bụng rõ rệt, cơ bụng tăng, đau ép và đau quặn người, đây là dấu hiệu bệnh rất nặng.
Đi ngoài và đại tiện ra máu: Sau khi đau bụng khá lâu, xuất hiện đi ngoài, phân loãng màu vàng hoặc giống canh trứng, số lần không ổn định. Sau đó niêm mạc chảy máu, hoại tử chuyển thành phân có máu, có màu đỏ sẫm dạng sánh hoặc dạng canh màu đỗ đỏ, có khi có chất hoại tử màu trắng xám, mùi hôi, rất tanh, có thể có ít dịch nhờn, không mủ. Nếu bệnh nhẹ, niêm mạc ruột hoại tử chảy máu ít, vì thế phân không thấy có máu, nhưng phân tích máu ẩn trong phân cho thấy dương tính cao.
Mất nước và mất máu: Khi bệnh tiến triển nặng dần, thường phát sinh mất nước, dung lượng máu giảm, natri thấp, kali thấp và trúng độc axit, khiến bệnh nguy hiểm hơn.
Triệu chứng nhiễm độc trong máu: Do sự hấp thụ của thành ruột hoại tử và chất độc, đa số trẻ em mắc bệnh ban đầu bị sốt, tinh thần sa sút bất an hoặc thèm ngủ, sắc mặt nhợt nhạt. Bệnh nặng lên nhanh chóng, thường từ 1-2 ngày sau khi phát bệnh, xuất hiện triệu chứng độc trong máu nghiêm trọng và ngất, nếu không kịp thời cấp cứu người bệnh rất nhanh tử vong.
Nhiều yếu tố như thiếu máu cục bộ đường tiêu hóa hoặc tổn thương tái tưới máu, yếu tố nhiễm trùng. Có bằng chứng về sự phát tán vi khuẩn vào máu gây nên triệu chứng toàn thể. Biểu hiện ban đầu không đặc hiệu. Biểu hiện về sau nằm trong bối cảnh bệnh nặng giống nhiễm trùng và hội chứng đáp ứng viêm hệ thống. Viêm ruột hoại tử sơ sinh thường gặp ở trẻ non tháng, cân nặng thấp. Bệnh liên quan tới nhiều vấn đề: nuôi dưỡng đường ruột; trẻ suy hô hấp kéo dài, giảm lưu lượng máu ở hệ thống tạng (ngạt, đa hồng cầu), trong bệnh nhiễm trùng, bệnh tim bẩm sinh, bất thường chuyển hóa hoặc có quá trình phát triển bào thai bất thường.
Viêm ruột hoại tử là một bệnh đường ruột cấp tính, nó có thể phá hủy các mô của niêm mạc ruột. Khi trẻ non tháng sinh ra, cơ thể yếu, các cơ quan có thể chưa hoàn thiện, do vậy trẻ dễ bị suy hô hấp sau sinh. Cho trẻ ăn sữa ngoài không đúng cách, số lượng sữa tăng nhanh, vi khuẩn hoặc các virut xâm nhập vào đường ruột tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp gây bệnh, tổn thương thường khu trú ở ruột non nhất là đoạn hỗng tràng. Tổn thương có thể từ vài centimét đến suốt cả chiều dài ruột non. Tổn thương vi thể dưới dạng phù nề, xuất huyết, hoại tử, có thâm nhập bạch cầu đa nhân. Dẫn đến các biến chứng: thủng ruột, viêm phúc mạc, tắc ruột.
Thông thường, bệnh xuất hiện khi trẻ đang được cho ăn qua đường miệng với tiến triển tốt. Biểu hiện ban đầu hay gặp nhất là sự kém dung nạp thức ăn, trẻ có những biểu hiện khác thường. Ứ trệ dịch dạ dày là triệu chứng sớm. Tuy nhiên, đôi khi bệnh cũng khởi phát rầm rộ, đột ngột bằng dấu hiệu suy sụp tuần hoàn.
Dấu hiệu điển hình: triệu chứng tiêu hóa và toàn thân nặng. Triệu chứng tiêu hóa: ọc sữa, tiêu phân đen, vàng da, bụng trướng. Triệu chứng toàn thân: trẻ lờ đờ bỏ bú, suy kiệt. Trong trường hợp bệnh nặng có thể có xuất huyết dưới da.
Chẩn đoán viêm ruột hoại tử ở trẻ dựa vào chất nôn, dịch dạ dày và phân của trẻ. Trẻ bị viêm ruột hoại tử sẽ được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, theo dõi lâm sàng bằng hút dịch dạ dày, nếu dịch dạ dày trong sẽ bắt đầu tập cho ăn trở lại với tốc độ không được vượt quá 20ml/kg/ngày. Khi nghi ngờ mắc bệnh này phải ngừng cho trẻ ăn, đồng thời nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện chữa trị. Khi cần có thể xem xét tới phương pháp phẫu thuật ngoại khoa, cắt bỏ đoạn ruột bị bệnh, cứu tính mạng của trẻ.
Cần có chiến lược cụ thể về điều trị và chăm sóc chu đáo, nhằm giúp cho thai nhi trong thời gian ở trong bụng mẹ có sức khỏe tốt và phát triển phù hợp với từng giai đoạn bào thai, tránh để xảy ra tình trạng sinh non tháng.
Bé sinh ra dù nhẹ cân, thiếu tháng hay đủ tháng nhất thiết phải được bú sữa mẹ ngay những giờ đầu sau sinh, khuyến khích các bà mẹ cách cho con bú sữa mẹ hoàn toàn ngày – đêm. Để có được nguồn sữa mẹ dồi dào, các bà mẹ cần ăn đầy đủ dinh dưỡng, chú trọng nhất là chất đạm ăn tăng hơn 60% so với bữa ăn hàng ngày về đạm, đồng thời phải được nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc. Khi mẹ ngủ, đó là lúc thời gian các tuyến sữa tiết sữa nhiều nhất.
Để phòng bệnh viêm ruột hoại tử cho trẻ cần giảm tối đa các nguy cơ khác liên quan đến sản khoa: sinh ngạt, suy hô hấp sau sinh. Cho trẻ bú sữa mẹ sớm vì sữa mẹ là sữa duy nhất làm giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử nhất là trẻ đẻ non tháng. Cho trẻ đẻ non ăn từ từ từng bữa lượng nhỏ điều chỉnh tốt thời gian và số lượng cho bữa ăn tăng dần không quá 20ml/kg/ngày.
BS. Lê Anh
Hoàng Văn Trung ([email protected])
VRT là bệnh gặp ở mọi lứa tuổi. Mặc dù ruột thừa rất nhỏ và cắt bỏ ruột thừa viêm không phải là một phẫu thuật lớn nhưng nếu phát hiện muộn có thể gây biến chứng viêm phúc mạc do ruột thừa vỡ sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Ở người bình thường, ruột thừa nằm ở hố chậu phải cho nên khi ruột thừa bị viêm thường đau hố chậu bên phải, đau có thể xuất hiện từ vùng trên rốn sau đó lan dần xuống hố chậu phải, đau âm ỉ. Thường không đau dữ dội, có thể kèm theo hội chứng nhiễm khuẩn như: sốt nhẹ, môi khô, lưỡi bẩn, trừ vài trường hợp khó chẩn đoán do ruột thừa lạc chỗ, ruột thừa quặt ngược sau gan dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như cơn đau quặn thận… còn lại nếu thấy đau âm ỉ hố chậu phải, có sốt, bí trung tiện, siêu âm ổ bụng cũng giúp ích cho chẩn đoán sớm. Khi đã chẩn đoán là bệnh viêm ruột thừa thì phải mổ cắt ruột thừa kịp thời.
Điều cần lưu ý viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa, nếu nghi ngờ tuyệt đối không được dùng thuốc giảm đau vì sẽ làm lu mờ triệu chứng, gây khó khăn trong chẩn đoán. Trong khi đó, viêm ruột thừa diễn biến rất nhanh, trong vòng 24-48 giờ có thể đã bị biến chứng hoại tử và vỡ. Trường hợp của cháu nếu nghi ngờ viêm ruột thừa cần cho cháu đến khám chuyên khoa ngoại ngay.
BS. Nguyễn Văn Thịnh
Đặc điểm của bệnh
Ruột chỉ là một phần trong hệ thống tiêu hóa bao gồm các cơ quan từ miệng, dạ dày, ruột già, ruột non, trực tràng đến hậu môn. Các cơ quan từ dạ dày đến ruột già có nhiệm vụ vận chuyển thức ăn thành chất dinh dưỡng và hấp thu các dưỡng chất, nước vào máu để cung cấp cho cơ thể. Tại hệ thống tiêu hóa có thể có nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó viêm ruột là một bệnh thường gặp trong cộng đồng. Bệnh viêm ruột, có 2 loại chính, đó là bệnh viêm ruột kết mạn tính (viêm đại tràng mạn tính) và bệnh Crohn. Mặc dù hai bệnh này có nhiều đặc điểm giống nhau nhưng cũng gặp những khác biệt giữa chúng. Viêm ruột kết gây loét là căn bệnh viêm ở ruột già (đại tràng), bệnh biểu hiện nặng nhất ở trực tràng. Vì vậy, nếu ruột kết bị tổn thương có thể gây tiêu chảy và phân có dịch nhầy và máu. Trong khi đó, bệnh Crohn thường ảnh hưởng chủ yếu đến phần cuối của ruột non và có thể tấn công bất kỳ bộ phận nào của bộ máy tiêu hóa.
Đặc điểm của bệnh Crohn thường hay gặp nhất ở những người từ 15 – 30 tuổi, tuy nhiên bệnh có thể xẩy ra ngay cả trẻ em và người lớn. Biểu hiện của bệnh là gây viêm, loét và ăn sâu vào các lớp của thành ruột (so với bệnh viêm loét ruột kết, bệnh Cohn gây loét sâu hơn nhiều, vì vậy, có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ thành của ruột).
Cả hai bệnh viêm loét ruột kết và bệnh Crohn đều có triệu chứng tiêu chảy và đau bụng
Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Đối với viêm loét ruột kết (đại tràng) có thể do nhiễm vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, ký sinh trùng, virút). Đối với vi khuẩn thường gặp nhất là lỵ trực khuẩn (Sigella), loại vi khuẩn này thường gây viêm ruột cấp, đặc biệt là S.shiga, bên cạnh đó có thể gặp viêm ruột do vi khuẩn Chlammydia hoặc do vi khuẩn kỵ khí Clostridium difficile hoặc do vi khuẩn lao (Mycobacterium tubeculosis). Vi khuẩn lao là loại gây viêm loét nặng nề ở ruột. Với virút gây viêm ruột có thể gặp virút Herpes và một số virút đường ruột khác.
Đối với bệnh Crohn, nguyên nhân gây bệnh chưa biết một cách chính xác nhưng các tác giả cho rằng bệnh có liên quan mật thiết với tác nhân gây bệnh là vi sinh vật giống với bệnh viêm loét ruột kết hoặc có liên quan đến chế độ ăn, uống hoặc do căng thẳng thần kinh (stress), bởi vì stress cũng có thể tăng tốc độ hoặc làm chậm việc tiêu hóa của đường ruột. Bệnh Crohn cũng có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong mô tổ chức của thành ruột hoặc do tổn thương hệ thống miễn dịch làm mất hoặc giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh ở đường ruột hoặc bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền (đột biên gen).
Triệu chứng
Các triệu chứng thường thấy nhất ở cả hai bệnh viêm loét ruột kết và bệnh Crohn là tiêu chảy và đau bụng. Tiêu chảy có thể xảy ra ở mức độ nhẹ hoặc nặng. Tùy theo mức độ tiêu chảy, có thể ảnh hưởng đến rối loạn nước, chất điện giải cũng như ảnh hưởng ít hay nhiều đến tim mạch. Khi bị tiêu chảy ở mức độ nặng, người bệnh sẽ có hiện tượng mất nước và chất điện giải gây nên tim đập nhanh, tụt huyết áp, nặng hơn là trụy tim mạch rất nguy hiểm. Trong các trường hợp có đi ngoài ra máu sẽ ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn (thiếu máu). Đau bụng có thể từng cơn hoặc âm ỉ, đau dọc khung đại tràng. Ngoài ra, người bệnh viêm ruột đôi khi bị táo bón, nhất là bệnh Crohn do tắc nghẽn ở một vị trí nào đó của đường ruột. Với bệnh viêm loét ruột kết, táo bón thường là do viêm trực tràng.
Người bị viêm ruột, ngoài các triệu chứng vừa nêu ở trên, có thể luôn bị mệt mỏi, sụt cân, da xanh, mọi hoạt động giảm sút và có thể có sốt trong trường hợp bị nhiễm trùng.
Bệnh viêm ruột là bệnh mạn tính kéo dài, triệu chứng không điển hình cho nên gây không ít khó khăn cho chẩn đoán do một số triệu chứng thể hiện ra tương đối giống với các bệnh đường ruột khác. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ của các khoa cận lâm sàng như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân (xác định vi khuẩn, ký sinh trùng, hồng cầu trong phân…), nội soi đại tràng, chụp khung đại tràng có thuốc cản quang, hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI).
Nguyên tắc điều trị
Điều trị có hiệu quả nhất là điều trị nguyên nhân bằng thuốc (bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm…), kèm theo cần được nâng cao thể trạng (truyền dịch). Bởi vì, người bệnh gầy, sút cân, mất nước, chất điện giải, mất máu. Vì vậy, khi có rối loạn tiêu hóa kéo dài, cần đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa tiêu hóa để phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Người bệnh không nên tự chẩn đoán, tự điều trị, nhất là tự mua kháng sinh điều trị khi không có chuyên môn về y học.
Lời khuyên của thầy thuốc:
Để phòng bệnh viêm ruột, nên có chế độ ăn uống hợp lý, đặc biệt cần tránh xa các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Với người bệnh, cần tuân thủ các chỉ định và tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình. Ngoài chế độ ăn uống, cần tránh hút thuốc, bởi vì, hút thuốc có thể là một trong các nguyên nhân góp phần làm cho bệnh Crohn tăng nặng thêm. Đồng thời, trong cuộc sống thường ngày không nên căng thẳng và tìm mọi biện pháp để cho tinh thần luôn được thoải mái như: tham gia các câu lạc bộ, đọc sách, báo, xem TV, tìm bạn bè trò chuyện, đi du lịch và vận động cơ thể như: chơi thể thao, đi bộ, bơi…
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU
Tôi 25 tuổi, thấy đau bụng âm ỉ vùng rốn lệch về bên phải. Đó có phải là dấu hiệu của bệnh viêm ruột thừa không và nếu để muộn sẽ gây những biến chứng gì?
Thái Văn Châu (Nghệ An)
Triệu chứng dễ nhận thấy khi bị viêm ruột thừa là: Đau âm ỉ vùng hố chậu phải. Đau nhức bắt đầu xung quanh rốn và thường chuyển tới vùng bụng dưới bên phải. Cơn đau trở nên rõ nét hơn trong nhiều giờ. Đau nhói ở bụng dưới bên phải xảy ra khi nhấn vào khu vực này. Đau nặng hơn nếu ho, đi bộ hoặc thực hiện các chuyển động khác. Buồn nôn, ói mửa (dấu hiệu thường gặp ở trẻ em). Mất cảm giác ngon miệng. Sốt nhẹ (từ 37,5 đến 38 độ C), táo bón, bí trung tiện, tiêu chảy, trướng bụng… Khi ruột thừa bị viêm và vỡ, các chất của đường ruột và các sinh vật gây bệnh có thể bị rò rỉ vào khoang bụng gây ra nhiễm trùng ổ bụng (viêm phúc mạc). Nếu ruột thừa vỡ, nhiễm trùng và sự rò rỉ các chất đường ruột có thể hình thành áp-xe (đám quánh ruột thừa). Ruột thừa áp-xe cần phải điều trị trước khi vỡ ổ áp-xe, gây nhiễm trùng rộng khoang bụng. Chính vì thế, ngay khi có dấu hiệu của ruột thừa như đã nói trên cần tới ngay bệnh viện để khám và điều trị sớm. Phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm ruột thừa là cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm bằng mổ hở hoặc mổ nội soi.
BS. Trần Quang Nhật